Quảng cáo xe GLC 'lội nước', Mercedes-Benz Việt Nam có phạm luật?

Luật sư cho rằng với việc tung đoạn clip quảng cáo có dấu hiệu lừa dối khách hàng về tính năng lội nước trên xe GLC, Mercedes-Benz Việt Nam có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo điều 10 của Luật bảo vệ người tiêu dùng.

Quảng cáo xe GLC 'lội nước', Mercedes-Benz Việt Nam có phạm luật?

Quảng cáo xe GLC 'lội nước', Mercedes-Benz Việt Nam có phạm luật?

Quảng cáo xe GLC của Mercedes-Benz Việt Nam có vi phạm Luật bảo vệ người tiêu dùng, Luật quảng cáo?

Trong đoạn clip quảng cáo về dòng GLC đăng tải ngày 16/7/2016 trên kênh YouTube Mercedes-Benz Việt Nam cho thấy hình ảnh chiếc xe có thể “bon bon” chạy qua nhiều dạng địa hình khác nhau từ đường trường, đồi núi, đường cát trên bờ biển và thậm chí là các vũng nước sâu hiểm trở. Tuy nhiên, mới đây hãng xe Mercedes-Benz Việt Nam lại đưa ra khuyến cáo cho người dùng là không nên đi qua vùng ngập nước sâu quá… 30 cm.

Trong sách hướng dẫn sử dụng của xe Mercedes-Benz GLC (trang 367) có ghi chú thông tin mực nước tối đa mà GLC có thể đi qua là 30cm (mực nước tĩnh). Nếu người lái chủ ý hoặc vô ý đi qua vùng ngập nước cao hơn 30 cm hoặc gặp những cơn sóng nước cao hơn 30cm, thì rất có thể sẽ gặp rủi ro nhất định thậm chí bị thủy kích. Và lỗi này “không được hãng bảo hành”.

Đoạn video quảng cáo về dòng xe GLC của Mercedes-Benz Việt Nam:

Nguồn video: YouTube Mercedes-Benz Việt Nam

Trước thông tin này, khá nhiều khách hàng đang sử dụng dòng xe Mercedes GLC cho rằng, phía hãng đã “quảng cáo sai” tính năng lội nước của mẫu xe này so với thực tiễn.

Trong những ngày qua, việc Mercedes GLC bị lỗi nước vào cầu trước dẫn tới chi phí sửa chữa có thể lên tới 160 triệu đồng đã trở nên phổ biến không còn là trường hợp hi hữu nữa. Vì thế nhiều khách hàng đang sử dụng dòng xe sang Mercedes GLC yêu cầu nhà sản xuất phải tiến hành triệu hồi, khắc phục lỗi này thay vì đổ lỗi cho người sử dụng.

Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, việc quảng cáo “sai lệch” so với thực tiễn là không thể chấp nhận.

“Nếu nói đây là hành vi “lừa đảo” thì hơi quá, nhưng ở đây được coi là có dậu hiệu của hành vi quảng cáo gian dối, lừa dối khách hàng dẫn đến khách hàng lầm tưởng đây là một sản phẩm tốt để mua. Và trong trường hợp này có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Cụ thể, trong điều 10 của Luật bảo vệ người tiêu dùng chỉ rõ, cấm các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa,… gian dối trong việc lừa dối khách hàng trong việc quảng cáo và gây nhầm lẫn về chất lượng của sản phẩm. Và trong trường hợp này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Tuy nhiên, trường hợp của Mercedes-Benz Việt Nam có thể chỉ dừng lại ở mức bị xử phạt hành chính nếu xác định được hành vi “quảng cáo gian dối”, theo luật sư phân tích.

Xem video:

Luật sư Ứng cho rằng, trước việc sử dụng xe không đúng như quảng cáo, đầu tiên người tiêu dùng nên ánh tới nhà sản xuất hoặc nhà phân phối sản phẩm đó ngừng ngay việc quảng cáo này lại. Trong trường hợp nếu người tiêu dùng không yêu cầu dừng quảng cáo này lại thì cơ quan chức năng có thẩm quyền nếu phát hiện gian dối sẽ yêu cầu phía nhà sản xuất ngừng quảng cáo này lại.

"Đặc biệt là trong trường hợp gây ra thiệt hại, khách hàng có thể tiến hành khởi kiện và đòi bồi thường", luật sư Ứng nhấn mạnh.

Luật sư Nguyễn Văn Hùng (Công ty Luật TNHH CHD LAW) cũng cho rằng: “Rõ ràng đây là hành vi quảng cáo sai sự thật và vi phạm pháp luật”.

Luật sư Hùng nhìn nhận, mức độ vi phạm như thế nào thiết nghĩ các cơ quan quản lý nhà nước như Cục Quản lý cạnh tranh, Cơ quan quản lý thị trường, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Đăng kiểm Việt Nam và các cơ quan chức năng khác có liên quan cần phải tiến hành xác minh, kiểm tra trên cơ sở phản hồi của khách hàng cũng các đơn thư của chính khách hàng bị thiệt hại để đưa ra câu trả lời chính xác là hành đó có vi phạm pháp luật về quảng cáo hay không?

“Nếu hành vi trên phạm luật, sẽ có rất nhiều các chế tài liên quan để xử phạt. Đầu tiên là vi phạm Điều 109 Luật Thương mại năm 2005 quy định: Quảng cáo sai sự thật về một trong các nội dung số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, xuất xứ hàng hóa, chủng loại bao bì, phương thức phục vụ và thời hạn bảo hành của hàng hóa, dịch vụ.

Luật quảng cáo cũng quy định các trường hợp nào là trường hợp bị cấm khi tiến hành quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng để truyền tải tới khách hàng. Nếu như trong trường hợp xác định được hành quảng cáo này vi phạm pháp luật thì cá nhân, tổ chức đưa thông tin sai sự thật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại nghị định 158 năm 2013 cụ thể là tại điểm b, khoản 5 Điều 51. Nếu hành vi này vi phạm các quy định nêu trên thì tổ chức, cá nhân có hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng.

Trong trường hợp hành vi có yếu tố cấu thành tội hình sự, thậm chí sẽ bị phạt tù.

“Tuy nhiên, trước khi đưa ra các quy định xử phạt cuối cùng thì cần phải có các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh và kiểm tra, để công bố thông tin. Sau khi có kết luận cuối cùng cần phải thông tin rộng rãi cho người tiêu dùng biết, sai phạm đến đâu xử phạt như thế nào cần phải đưa ra để đảm bảo tính minh bạch và công bằng cho các nhà sản xuất khác”, luật sư Hùng nói.

Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam ở đâu?

Liên quan tới vấn đề này, PV VietnamFinance đã liên hệ Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam để trao đổi tìm hiểu rõ hơn. Tuy nhiên, vị đại diện của Hội này “xin phép” đang lo tổ chức một chương trình Đại hội và không có thời gian.

Như VietnaFinance đã có bài phản ánh về hiện tượng nhiều khách hàng sử dụng dòng SUV hạng sang Mercedes-Benz GLC thường xuyên bị lọt nước vào cầu trước khiến dầu cầu và vi sai có thể bị hỏng hóc gây thiệt hại rất lớn. Những chiếc xe này phải súc rửa thay dầu và thậm chí phải thay thế các chi tiết với mức chi phí khủng từ trên 40 triệu đến hơn 160 triệu đồng.

Thông tin mới nhất PV VietnamFinance có được, hiện Cục Đăng kiểm Việt Nam đang tiến hành xác minh về sự cố trên theo phản ánh của người dùng và sẽ sớm thông tin lại cho báo giới.

Trước đó vào tối ngày (13/8), Mercedes-Benz Việt Nam đã đưa ra một biện pháp kỹ thuật khắc phục với khuyến nghị: van thông hơi nối dài bằng phụ tùng chính hãng ở một mức giá hợp lý.

Nhà sản xuất này sẽ kiểm tra dầu vi sai miễn phí cho những khách hàng có xe Mercedes GLC bị lọt nước vào cầu trước. Sau đó, như một biện pháp đề phòng, các xưởng dịch vụ chính hãng sẽ nối dài van thông hơi bằng phụ tùng chính hãng. Nhà sản xuất cho biết họ vẫn tính phí nhưng ở một mức giá hợp lý.

Kiểm tra 36 xe, phát hiện 24 dính lỗi

Theo chia sẻ của anh Nguyễn Đình Sơn, chủ gara ô tô Hoàng Lâm (trên đại lộ Lê Nin, TP Vinh, tỉnh Nghệ An), cho biết: Trước thông tin dòng xe Mercedes-Benz GLC bị nước vào cầu trước, một số bạn bè có dòng xe này đã điện thoại tới gara để hỏi. Ngày 6/8/2018, gara phát hiện chiếc xe đầu tiên bị lỗi này. Từ đó đến nay (không tính 5 xe kiểm tra chiều ngày 15/8), đã có 24/36 xe kiểm tra ở gara bị phát hiện nước vào cầu trước.

Hàng loạt khách hàng phản ánh Mercedes GLC bị lọt nước vào cầu trước:

Điều 8 (Luật Quảng cáo 2012) quy định về những hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo như: “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố”.

Theo đó, người nào có hành vi quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.

Tại điểm a, khoản 1, điều 10, Luật Bảo vệ người tiêu dùng nêu rõ: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về một trong các nội dung sau đây: a) Hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp”.

Việc xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng trong trường hợp này có thể áp dụng khoản 2, điều 11: “Tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Theo Khoản 7 Điều 109 Luật Thương mại, quảng cáo sai sự thật được hiểu là việc đưa thông tin không đúng sự thật dưới bất kỳ hình thức nào đều được coi là vi phạm nguyên tắc trung thực- nguyên tắc cơ bản của luật thương mại.

Luật Thương mại đã quy định rõ về những nội dung của sản phẩm khi không được cung cấp thông tin đúng thì sản phẩm bị coi là quảng cáo sai sự thật. Đây đều là những thông tin cơ bản mà bất kì người tiêu dùng nào muốn tiếp cận với sản phẩm đều quan tâm, vì vậy mà việc quảng cáo không đúng sẽ trực tiếp gây nên hiểu nhầm, là hành vi gian dối trong kinh doanh. Pháp luật quy định một sản phẩm quảng cáo sai sự thật một trong những nội dung cơ bản đã nêu đều phải bị xử phạt.

Khoản 7 Điều 109 Luật Thương mại năm 2005 quy định : Quảng cáo sai sự thật về một trong các nội dung số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, xuất xứ hàng hóa, chủng loại bao bì, phương thức phục vụ và thời hạn bảo hành của hàng hóa, dịch vụ.

Ngoài ra, trong Luật Quảng cáo năm 2012 cũng nêu vấn đề quảng cáo sai sự thật tại Khoản 9 Điều 8: "Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ; về số lượng chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố’’.

Lê Ngà

Nguồn Vietnam Finance: http://vietnamfinance.vn/quang-cao-xe-glc-loi-nuoc-mercedes-benz-viet-nam-co-pham-luat-20180504224211606.htm