'Quảng cáo rượu, bia đang cố tình đánh tráo khái niệm!'

Góp ý dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia sáng 23/5, nhiều đại biểu thẳng thắn đề nghị luật cần quy định chặt chẽ về việc quảng cáo rượu, bia như nội dung quảng cáo, khung giờ quảng cáo… tránh hiện tượng 'đánh tráo khái niệm' ảnh hưởng đến trẻ em.

Những con số gây sốc

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền – Phó GĐ Sở LĐTBXH tỉnh Phú Yên khi góp ý về dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã khẳng định sự cần thiết phải nhanh chóng ban hành luật, bởi quá nhiều câu chuyện đau buồn, thương tâm liên quan đến hành vi uống rượu, bia gây hậu quả.

Theo bà, đã có quá nhiều vụ tai nạn, xâm hại tình dục, bạo lực gia đình do tác hại rượu bia gây ra. Từ những câu chuyện này, trẻ em ở độ tuổi bắt đầu có nhận thức cho đến người cao tuổi đều rõ một điều là chỉ có thể giảm tác hại của rượu bia thông qua việc giảm sử dụng nó.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền

Trước kỳ họp, nữ đại biểu đã có cuộc khảo sát thông qua việc thảo luận nhóm, phỏng vấn sâu đối với nhóm trẻ em có chính sách liên quan. Kết quả khảo sát cho thấy, nhiều nội dung thu thập được khiến bà cảm thấy băn khoăn. Đó là các biện pháp ngăn ngừa liệu đã đủ sức răn đe để giải quyết việc phòng chống tác hại rượu, bia?

Cụ thể là các quy định về quảng cáo, theo bà Minh Hiền, nếu xác định quảng cáo về rượu, bia để bảo vệ thanh thiếu niên và hạn chế thấp nhất số lượng các em tiếp xúc với quảng cáo rượu bia, hạn chế nội dung quảng cáo để các em thấy rằng rượu, bia không được khuyến khích sử dụng, thì cần xem lại thực trạng hiện nay liệu đã làm được điều đó hay chưa.

Khảo sát nhóm trẻ em từ 12 đến 16 tuổi về thức uống hiện nay thường dùng, kết quả mà Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Phú Yên đưa ra rất đáng giật mình: Có 83% ý kiến trả lời là dùng nhiều sản phẩm có cồn; 87,6% trẻ cho biết là không biết đó là sản phẩm có cồn từ 4,5% trở lên. 70% trẻ em sử dụng các sản phẩm cho biết sau khi dùng thì thấy hơi lâng lâng, chóng mặt, tim đập nhanh.

“Nguy hại ở chỗ gần 80% trẻ em khi được hỏi, đều lựa chọn có thể tiếp tục sử dụng vì được quảng cáo là nước trái cây có ga, nước trái cây lên men. Nếu không muốn nói quảng cáo rượu, bia đang cố tình đánh tráo khái niệm, thì cũng nên xem lại việc quảng cáo thông tin thiếu chính xác, sai sự thật gây ảnh hưởng sức khỏe của trẻ em” – bà Hiền đề nghị.

Cũng theo bà Hiền, khung quảng cáo các sản phẩm rượu, bia, thay vì chỉ từ 19h – 20h theo dự luật thì nên điều chỉnh lại là từ 18h – 21h, bởi đây là khung giờ “vàng” với nhiều gia đình, trong đó có trẻ em, vì thế phải ưu tiên giảm sự tiếp xúc của trẻ với quảng cáo rượu, bia.

Liên quan đến vấn đề quảng cáo rượu, bia, đại biểu K’sor H’Bơ Khắp (Gia Lai) đề nghị đã cấm quảng cáo các sản phẩm rượu bia thì nên có các hình thức cấm dứt điểm, tránh tình trạng lập lờ. “Thông tin quảng cáo thúc đẩy việc uống rượu, bia luôn phải có hình ảnh đẹp, hấp dẫn giới tính, hình ảnh không đẹp thì không còn là quảng cáo. Theo tôi nếu cấm thì cấm hẳn cả việc quảng cáo rượu, bia. Ví dụ như việc quảng cáo cấm hút thuốc lá, trên bao thuốc lá là hình người bị ung thư phổi. Tôi thấy việc này không có ý nghĩa gì hết. Nếu quảng cáo như vậy thì đối với người khiếm thính thì sao? Họ vẫn có thể hút thuốc như thường mà không thấy được sự nguy hại” – nữ đại biểu nêu ý kiến.

Với khá nhiều bất cập còn ý kiến tranh cãi, nữ đại biểu đề nghị không bấm nút thông qua dự luật trong kỳ họp này.

Nhiều nội dung cần thảo luận lại

Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, còn nhiều ý kiến cần được thảo luận kỹ, đặc biệt là nội dung về quảng cáo.

Bà Nguyễn Thúy Anh báo cáo giải trình dự luật vào sáng nay (23/5). Ảnh: VPQH

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật chỉ cấm quảng cáo rượu từ 15 độ cồn trở lên. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho rà soát các quy định liên quan đến quảng cáo rượu, bia thì thấy rằng, việc quảng cáo các sản phẩm rượu, bia đã được quản lý theo hướng chặt hơn. Để phù hợp với Luật Quảng cáo và tính đồng bộ của hai hình thức xúc tiến thương mại trong Luật Thương mại là quảng cáo, khuyến mại, dự thảo Luật đã quy định về cấm quảng cáo, khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên.

Cũng theo bà Thúy Anh, một số ý kiến đề nghị quy định không được quảng cáo rượu, bia trong tất cả các chương trình dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên, người lớn và trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử; không thực hiện hoạt động quảng cáo rượu, bia trước và sau các chương trình thể thao, văn hóa, sân khấu, điện ảnh dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên; nâng khoảng cách không được quảng cáo tính từ các cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho trẻ em lên 500 mét.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định về các vấn đề này. Riêng về khoảng cách không được quảng cáo tính từ các cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, để có thể hạn chế sự tiếp cận của quảng cáo rượu, bia tới trẻ em không chỉ phụ thuộc vào khoảng cách, mà còn kích thước biển quảng cáo, nơi quảng cáo nên dự thảo Luật giao Chính phủ quy định để đảm bảo tính linh hoạt và khả thi.

Bà Thúy Anh cho biết, nhiều đại biểu cho rằng các quy định kiểm soát quảng cáo, khuyến mại đối với rượu, bia dưới 15 độ cồn chưa phản ánh được sự khác nhau giữa các loại bia, rượu vang, rượu mạnh.

“Về vấn đề này, chúng tôi thấy rằng, việc quản lý quảng cáo rượu, bia dưới 15 độ cồn theo các mức độ: Rượu, bia dưới 5,5 độ cồn (Điều 12); rượu từ 5,5 độ cồn đến dưới 15 độ cồn và bia từ 5,5 độ cồn trở lên (Điều 13) như dự thảo Luật sẽ mang tính bao quát và đầy đủ hơn so với việc phân loại bia, rượu vang và rượu mạnh. Do vậy, xin được giữ như quy định của dự thảo Luật” – bà Thúy Anh nói.

Nhật Lam

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/quang-cao-ruou-bia-dang-co-tinh-danh-trao-khai-niem-post59664.html