Quảng cáo lập lờ, nhiều người ''sập bẫy''

Ngày nay, khi cần sử dụng dịch vụ nào đó, chỉ cần tìm kiếm trên Google là có thể lựa chọn được dịch vụ mình cần. Phong phú, tiện lợi, nhanh gọn... nhưng không ít người gặp rắc rối do ngay từ đầu không trao đổi, thỏa thuận chi tiết về giá cả, chất lượng cũng như ràng buộc bảo hành, dẫn tới những tranh chấp không cần thiết...

Theo quảng cáo trên trang web của một công ty chuyên diệt mối ở TP.Biên Hòa, diệt mối tận gốc có bảo hành, nhưng sau khi diệt mối xong, ổ mối mới khác xuất hiện thì công ty bắt phải trả thêm tiền. Trong ảnh: Nhân viên của công ty này đặt mồi nhử diệt mối tại nhà ông Đặng Văn Chí (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa). Ảnh do nhân vật cung cấp

Theo quảng cáo trên trang web của một công ty chuyên diệt mối ở TP.Biên Hòa, diệt mối tận gốc có bảo hành, nhưng sau khi diệt mối xong, ổ mối mới khác xuất hiện thì công ty bắt phải trả thêm tiền. Trong ảnh: Nhân viên của công ty này đặt mồi nhử diệt mối tại nhà ông Đặng Văn Chí (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa). Ảnh do nhân vật cung cấp

* Quảng cáo một đàng, thu tiền một nẻo

Do ống thoát nước bồn rửa bị nghẹt, loay loay mãi không sửa được, chị Nguyễn Như Thanh (ngụ P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) đã lên internet tìm dịch vụ thông cống. Chị Thanh gọi theo số điện thoại hiển thị trên trang web của một công ty chuyên xử lý môi trường ở TP.Biên Hòa và được nhân viên báo giá tiền công thông cống là 350 ngàn đồng.

Chỉ khoảng 1 giờ sau khi liên lạc, công ty đã cử 2 nhân viên có mặt tại nhà chị Thanh. Sau hơn 3 giờ, 2 nhân viên này đã thông được đường ống thoát nước của nhà chị Thanh. Nhưng khi tính tiền, chị Thanh “tá hỏa” khi nhân viên công ty đưa hóa đơn tính tiền đến 6,5 triệu đồng. Chị Thanh thắc mắc: “Sao trước đây nói tiền công chỉ... 350 ngàn đồng?”. Nhân viên này giải thích, 350 ngàn đồng là giá thông của 1m, đường ống thoát nước nhà chị dài 19m, nhân lên là 6,5 triệu đồng.

Ông Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh khuyến cáo khi sử dụng dịch vụ trên mạng hay dịch vụ thuê đến tận nhà làm, người dân cần tìm hiểu kỹ lưỡng, chi tiết, yêu cầu bên cung cấp dịch vụ tư vấn và thỏa thuận rõ ràng ngay từ đầu, để không bị “vướng” khi việc đã hoàn tất.

Thấy chị Thanh phản ứng dữ dội. Cuối cùng, một nhân viên gọi điện về công ty xin ý kiến và cho biết sẽ giảm cho chị Thanh từ 350 ngàn đồng/m xuống còn 250 ngàn đồng/m, tổng cộng số tiền sau giảm là 4,75 triệu đồng. Chị Thanh cho biết: “Thông thường thông cống chỉ mất vài trăm ngàn đồng/lần nên tôi chủ quan. Khi tôi hỏi thông cống tắc giá bao nhiêu, họ nói với tôi là 350 ngàn đồng, tôi tưởng đó là công trọn gói, chứ đâu biết giá đó cho 1m đường ống. Thế là mất toi cả tháng lương”.

Chủ kinh doanh quảng cáo lập lờ, người sử dụng dịch vụ thiếu kinh nghiệm đã khiến phát sinh tình trạng khó xử. Như trường hợp của ông Đặng Văn Chí (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) lên internet tìm dịch vụ diệt mối tận gốc. Ông chọn Công ty tư nhân H.C. (có trụ sở ở P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) khi thấy ở đây quảng cáo diệt mối tận gốc, hết vĩnh viễn, không hết mối trả lại tiền, bảo hành 5 năm... Chi phí cho dịch vụ này là 2,5 triệu đồng.

Sau 20 ngày diệt mối theo 3 bước của công ty: đặt mồi nhử, xịt thuốc lây bệnh và diệt, kết quả nhà ông Chí đã không còn mối. Nhưng chỉ được gần 1 năm sau, ổ mối lại xuất hiện tại một vị trí khác trong nhà, ông Chí đã báo lại cho công ty thì công ty cho biết đây là ổ mối mới nên ông vẫn phải trả 2,5 triệu đồng, chứ ổ mối cũ đã... hết rồi. Ông Chí cho rằng, công ty quảng cáo lập lờ, gây hiểu lầm cho khách hàng, diệt tận gốc thì phải diệt cho hết, chứ diệt chỗ này mối chạy qua chỗ khác thì sao gọi là bảo hành?

Tương tự, trường hợp đặt bộ rèm cửa của chị Nguyễn Ngọc Hoa (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) tưởng rẻ hóa đắt. Trước Tết Nguyên đán, chị Hoa muốn làm một bộ rèm phòng khách và phòng ngủ, sau khi dò giá một số cửa tiệm, chị được báo giá từ 300-400 ngàn đồng/m thành phẩm (đã có xếp nhún). Tính ra 2 bộ rèm 2 lớp nhà chị chỉ từ hơn 3 triệu đồng. Một lần lên mạng, thấy một cửa tiệm may rèm ở TP.Biên Hòa giới thiệu rèm cửa giá rẻ chỉ với giá 190 ngàn đồng/m. Thấy rẻ, chị Hoa liên hệ và được nhân viên tiệm đưa mẫu rèm cũng như chất liệu vải đến cho chị chọn cũng như đo kích cỡ. 3 ngày sau tiệm cho người lên treo rèm và đưa hóa đơn 6,8 triệu đồng.

Chị Hoa ngỡ ngàng hỏi thì được nhân viên này giải thích, 190 ngàn đồng là giá tiền của 1m vải, cứ 3m vải thì được 1m thành phẩm (đã có độ xếp nhún). Nhà chị Hoa là 12m thành phẩm (theo kích cỡ cửa), tương đương 36m vải, nhân với 190 ngàn đồng/m ra số tiền trên. Lúc này, cả hai mới biết rằng mỗi người hiểu mỗi cách: chị Hoa tưởng giá đó là rèm thành phẩm, còn tiệm lại tính giá vải chưa thành phẩm. Sau khi thương lượng, tiệm đã bớt cho chị 6m vải, số tiền chị Hoa phải trả là 5,7 triệu đồng.

* Tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng dịch vụ

Nhận định về những vụ việc trên, ông Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cho rằng, 3 trường hợp nêu trên những người kinh doanh không nhằm chủ đích lừa đảo, mà là lập lờ trong quảng cáo, giới thiệu dịch vụ. Nếu người sử dụng dịch vụ “thông minh”, tìm hiểu kỹ lưỡng và thỏa thuận rõ ràng, chi tiết thì sẽ không gặp phiền toái trên.

Hóa đơn tính chi phí 1 lần thông cống nhà chị Nguyễn Như Thanh (ngụ P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa)

Ông Hải phân tích, với dịch vụ diệt mối tận gốc, nếu trước khi sử dụng dịch vụ, người sử dụng dịch vụ hỏi rõ: khả năng có hết mối tận gốc không; nếu trong 5 năm, ổ mối phát sinh ở vị trí khác trong nhà thì có thuộc phạm vi trong bảo hành không, nếu nằm trong bảo hành thì có được xử lý miễn phí... Hay vụ thông cống, ông Hải cũng đánh giá, người sử dụng dịch vụ chưa có kinh nghiệm khi thuê mướn dịch vụ khi ngay từ đầu không hỏi kỹ giá này bao gồm những gì; còn người cung cấp dịch vụ hoặc cố tình lập lờ hoặc nghĩ người thuê dịch vụ đã biết đó là số tiền thông cho mỗi mét đường ống. Tuy nhiên, một công ty kinh doanh tử tế họ sẽ trao đổi, tư vấn rõ ràng và báo giá chi phí toàn dịch vụ để người sử dụng quyết định có làm hay không.

Những trò quảng cáo lập lờ trên các trang mạng xã hội hiện rất phổ biến, dẫn đến nhiều vụ việc tranh chấp giữa các bên. Theo ông Hải, mỗi năm Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhận được khá nhiều phản ảnh, khiếu nại của người tiêu dùng về tình trạng tranh chấp thương mại. Phần lớn những vụ giải quyết được là những khiếu nại liên quan đến mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ trực tiếp tại cơ sở thực tế trên địa bàn. Riêng những khiếu nại, tranh chấp liên quan đến mua bán hàng trên mạng xã hội, hầu như không giải quyết được vì rất khó để mời được doanh nghiệp kinh doanh đến làm việc. Trong khi đó, pháp luật cũng chưa có biện pháp chế tài nào đối với những doanh nghiệp không hợp tác tham gia giải quyết những tranh chấp thương mại đối với sản phẩm của mình.

An Nhiên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202006/quang-cao-lap-lo-nhieu-nguoi-sap-bay-3007302/