Quảng cáo khiến người nghe lầm tưởng sự hấp dẫn của rượu, bia

'Dù rượu bia là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh tật nhưng các quảng cáo bia rượu làm cho người nghe lầm tưởng sự hấp dẫn đến từ rượu, bia như: Hào khí ngàn năm, chất men thành công, chung một đam mê…', đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) phát biểu tại phiên thảo luận về Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia ngày 16-11.

Hãy đặt mình vào hoàn cảnh có người thân nghiện rượu

Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, nếu như các chỉ số kinh tế Việt Nam được cải thiện nhích lên từng bậc là kết quả nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị thì chỉ số tiêu thụ rượu bia không rõ những nỗ lực đến từ đâu lại luôn đẩy xếp hạng của Việt Nam từ cao đến rất cao so với khu vực và trên thế giới.

“Những lời quảng cáo bia rượu làm cho người nghe lầm tưởng sự hấp dẫn đến từ rượu, bia như: Hào khí ngàn năm, chất men thành công, chung một đam mê… mà quên đi những vụ thảm án hay những vụ tai nạn giao thông, các vụ bạo hành… cũng từ rượu mà ra. Nếu đòi hỏi một văn hóa uống từ người tiêu dùng thì đây có phải là văn hóa sản xuất của ngành rượu bia”, đại biểu đặt vấn đề. Đồng thời cho rằng, việc quảng cáo bia, rượu phải được cấm trên tất cả các loại hình báo chí từ báo nói, báo hình, báo giấy, báo điện tử, mạng xã hội chứ không chỉ riêng các chương trình thể thao, văn hóa, sân khấu, điện ảnh dành cho thiếu nhi đang được quy định tại dự luật.

Dẫn một nghiên cứu đã chỉ ra, 50% trẻ em sẽ phát triển các rối loạn về tâm lý, tinh thần khi chứng kiến cha mẹ say xỉn, điều này cũng xảy ra khi cha mẹ chỉ uống rượu 1,2 chén vào buổi tối. Còn kết quả điều tra xã hội học chỉ ra hơn 70% người cho rằng nhận thức của người dân phòng, chống tác hại của rượu, bia chưa tốt. Đại biểu Phạm Trọng Nhân thẳng thắn phát biểu: “Một khi người dân đã thẳng thắn thừa nhận hạn chế về nhận thức trong vấn đề trên và cần có thời gian thay đổi do thói quan, tập tục thì ai cũng hiểu tại sao nhà sản xuất kinh doanh và không ít cá nhân lại chưa chịu thay đổi tư duy cho phù hợp xu thế xã hội”.

“Chúng ta có lẽ khó quên hình ảnh người đứng đầu Chính phủ thân chinh chỉ đạo các đơn vị và giao kế hoạch để GDP năm 2017 cán mốc 6,7%. Điều đó cho thấy để nhích lên từng chút một trong tăng trưởng thì cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân cộng đồng DN phải nỗ lực thì ở chiều ngược lại ỗi năm bia rượu tổn thất ít nhất 1-3% GDP quý giá của chúng ta”, đại biểu nói.

Theo đại biểu, như vậy, dù đã được cố gắng biện minh cho phát triển kinh tế, giải quyết việc làm thì cũng khó chấp nhận, chưa kể những hậu quả nặng nề cho xã hội mà không gì bù đắp được. Không ít ý kiến đổ tác hại của rượu, bia do chính người dùng lạm dụng còn ngành rượu, bia như thể vô can. Việc cung cấp cho thị trường thức uống gây nhiều bệnh tật, lắm tác hại lại được dùng nhiều lí lẽ và mỹ từ để bảo vệ thì đó là trách nhiệm hay vô can? Có vô can không khi bia, rượu là vòng tròn luẩn quẩn của đói nghèo, bệnh tật, bạo lực, bạo hành…?

Chốt lại phần phát biểu, đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng, phản biện tranh luận là cần thiết nhưng phản biện đến mức cho rằng thông qua luật này là khai tử ngành rượu bia thì xin một lần đặt mình vào hoàn cảnh gia đình có người thân nghiện rượu, nợ nần chồng chất, bạo lực, bạo hành… “Chúng ta chọn bảo vệ sức khỏe cho nhân dân hay chọn khoản thu 50.000 tỷ đồng mỗi năm nhưng đừng quên rằng tổn thất do nó gây ra lên tới 65.000 tỷ đồng. Như thế có khác gì kéo lùi sự phát triển của đất nước, vậy mà không ít người cổ súy là văn hóa uống” – đại biểu khẳng định.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương): “Những lời quảng cáo bia rượu làm cho người nghe lầm tưởng sự hấp dẫn đến từ rượu, bia”. Ảnh: T.Hải

Băn khoăn tên gọi của Luật

Cũng tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình về sự cần thiết ban hành luật để ngăn ngừa việc lạm dụng rượu, bia, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên bên cạnh đó còn ý kiến băn khoăn về dự án luật này.

Trước đó, khi trình dự luật vào sáng ngày 9-11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện dự thảo Luật còn một vấn đề có ý kiến khác nhau về tên gọi của dự thảo Luật. Chính phủ trình 2 phương án để Quốc hội thảo luận, quyết định: Phương án 1 với tên gọi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Phương án 2 với tên gọi Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia.

Thảo luận tại hội trường, một số ý kiến đại biểu nhất trí với tên gọi “Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia”. Các ý kiến này cho rằng, tên gọi này ngắn gọn, bao quát, dễ hiểu, dễ nhớ, thuận lợi cho việc tuyên truyền và tiếp cận pháp luật của nhân dân; thể hiện rõ mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân, phù hợp với quan điểm về y học dự phòng là cần chủ động phòng ngừa từ sớm, chứ không chỉ ứng phó khi đã lạm dụng và xảy ra hậu quả tiêu cực; không chỉ bao hàm phạm vi điều chỉnh đối với hành vi của người sử dụng rượu, bia mà còn xác định trách nhiệm của các chủ thể khác (Nhà nước, cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân)…

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị lấy tên gọi là “Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia” hoặc “Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn” để hướng trọng tâm vào hành vi của người sử dụng rượu, bia. Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) cho rằng, nếu tên gọi là Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia thì chẳng khác nào khẳng định rượu, bia hoàn toàn có hại, từ đó gây ra hiểu lầm không đáng có. Đại biểu cho rằng, trên thực tế, tác hại là do sử dụng quá liều lượng và sử dụng những sản phẩm không đảm bảo chất lượng.

Dẫn chứng một loạt các trường hợp sử dụng rượu, bia trong các ngày giỗ Tết với tấm lòng thành kính dâng lên tổ tiên, với truyền thống nghìn đời của dân tộc Việt Nam đều có bát cơm, chén rượu; truyền thống hiếu khách khi khách đến nhà có chén rượu mời khách… đại biểu chỉ rõ: Mục đích của Luật là bảo vệ sức khỏe của nhân dân, vì thế đối tượng chịu sự tác động chính của luật là người sản xuất phải đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng phải có ý thức. Nếu có ý thức người sản xuất để sản xuất ra những sản phẩm chất lượng và người tiêu dùng sẽ quyết định nên uống như thế nào để không ảnh hưởng đến sức khỏe, ảnh hưởng đến cộng đồng. Đại biểu đề nghị tên gọi cần hướng đến hành vi của người sản xuất và người sử dụng vì bản thân sản phẩm là không có hại.

Hơn nữa, hiện nay trên thế giới và ngay trong thị trường trong nước có những sản phẩm có cồn, có nồng độ tương đương với bia song không đăng ký là bia. Nếu luật chỉ điều chỉnh với rượu và bia chưa bao quát hết thực tiễn diễn ra và mục đích của Luật khi chúng ta ban hành. Do đó, tên gọi của Luật cần bao quát thực tiễn, dễ hiểu, phản ánh đúng bản chất nội dung của Luật. Theo đại biểu, tên luật là “Luật Kiểm soát đồ uống có cồn” hoặc “Luật Phòng, chống tác hại lạm dụng đồ uống có cồn”

Đồng tình với tên gọi theo Tờ trình của Chính phủ, đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) lí giải tại sao không gọi là Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia. Bởi theo Tổ chức Y tế thế giới và hầu hết các nghiên cứu đã khẳng định, không có một ngưỡng an toàn nào cho sức khỏe khi sử dụng rượu, bia. Thực tế rượu, bia khi vào cơ thể đều gây ảnh hưởng đến hệ thống nội tiết – bộ phận quan trọng của con người và mỗi người tùy theo giới tính, độ tuổi, đặc điểm sinh học cá nhân tùy mức uống, cách uống mà gây ra tác hại với từng người là khác nhau.

Mặt khác, rượu bia chứa cồn là chất gây nghiện và được xếp vào nhóm chất gây ung thư nên khi sử dụng rượu bia mức uống sẽ tăng dần, theo thời gian dễ bị lệ thuộc và trở thành con nghiện lúc nào không biết. Với quan điểm, phòng bệnh hơn chữa bệnh nên việc phòng chống tác hại rượu bia phải được tiến hành chủ động từ sớm bằng các biện pháp phòng ngừa chứ không chỉ ứng phó khi các hậu quả tiêu cực đã xảy ra rồi thì lúc đó sẽ phải chi phí rất tốn kém để khắc phục hậu quả.

Đại biểu cũng giải thích không đồng tình gọi là đồ uống có cồn vì hiện nay tại Việt Nam, đồ uống có cồn phổ biến là 2 sản phẩm là rượu, bia chiếm 99,7% thị phần, chỉ còn 0,3% là uống có cồn khác được sản xuất và nhập khẩu, nước giải khát pha chế thêm rượu bia. “Rượu bia là cái tên mà bà con đã quen gọi, quen nghe, quen dùng và khi Luật có điều kiện thi hành sẽ dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, thuận lợi cho việc tuyên truyền tuân thủ người dân nghe theo. Tôi nhất trí với tên gọi của dự án Luật là Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia” – đại biểu nhấn mạnh.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/quang-cao-khien-nguoi-nghe-lam-tuong-su-hap-dan-cua-ruou-bia-127722.html