Quảng cáo 'ảo' phá hỏng dấu ấn du lịch Việt

Một du khách Úc sau khi cùng bạn bè trải nghiệm du lịch trên một con tàu được quảng cáo là sang trọng bậc nhất vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đã lên mạng bức xúc vì thực tế khác xa 180 độ, toilet vỡ bệ, điều hòa hỏng hóc, gián bay khắp phòng… Không chỉ khách nước ngoài, khách trong nước cũng thừa nhận, tình trạng treo đầu dê bán thịt chó trong ngành du lịch Việt Nam là có thật.

Quảng cáo...

Quảng cáo...

Một trời một vực

Lynne Ryan (đến từ bang Tasmania, Úc) đã lên trang facebook cá nhân kể về chuyến tham quan vịnh Hạ Long của mình trong hai ngày 2-3/5/2018. Câu chuyện được đặt một cái tít rất rùng rợn: “Horror trip, Halong Bay”. Câu chuyện này nhanh chóng được các trang mạng quốc tế lấy lại và đăng tải. Theo Lynne Ryan, đó là 2 ngày kinh dị và ám ảnh trên con tàu mang tên Hoàng Phương 16, có giá 100USD/người/đêm.

Sau khi được một công ty lữ hành ở Hà Nội mời chào với những hình ảnh hấp dẫn, Lynne Ryan và các bạn đã nhanh chóng bị quyến rũ. Nhưng chuyến du lịch mơ ước của cô và các bạn mau chóng biến thành trải nghiệm kinh dị, hình ảnh quảng cáo trên tờ rơi không tồn tại, nhường chỗ cho một trải nghiệm hoàn toàn khác. Phòng ngủ đầu tiên mà Lynne Ryan nhận có 2 giường nhưng “cứng như đá”, điều hòa trong phòng chỉ có thể bật từ 20h đến khoảng 4h sáng. Nhưng ngay khi nhận phòng, điều hòa đã trục trặc và cô yêu cầu đổi phòng. Nhưng thực tế chẳng khá hơn chút nào. Phòng tắm như bỏ hoang, vòi nước bị rò rỉ, toa lét bị tắc. Phòng còn có cả gián và chuột khiến du khách hoảng sợ, la hét. Sau một đêm kinh hoàng, bữa sáng của Lynne và nhóm bạn là những miếng bánh mì mốc. “Chúng tôi không có nhiều tiền nhưng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn nếu không bị nói dối”- Lynne Ryan chia sẻ sau câu chuyện của mình.

Đây không phải là lần đầu tiên du lịch Việt hứng chịu sự sự phẫn nộ, bức xúc từ du khách nước ngoài. Mới đây, hình ảnh so sánh giữa thực tế và quảng cáo trên mạng của một chiếc bể bơi tại Đà Nẵng được một nữ du khách người Anh đăng tải lên Twitter cá nhân cũng khiến nhiều người dở khóc dở cười. Theo chia sẻ của du khách này, bức ảnh trên web quảng cáo về bể bơi của khách sạn trông khá đẹp, rộng và nước xanh biếc. Nhưng thực tế, khi đến nhận phòng tại khách sạn, đó chỉ là một bồn tắm chứa được khoảng 2-3 người. Hai hình ảnh một trời một vực được chú thích rất rõ ràng: Bể bơi khách sạn tại Việt Nam, ảnh quảng cáo trên booking.com và ảnh thực tế. Ngay lập tức, bức ảnh được hàng chục nghìn lượt chia sẻ với nhiều lời chê thậm tệ.

Khách du lịch mỉa mai trên facebook về sự “hoành tráng” của bể bơi.

Đâu chỉ có khách nước ngoài, ngay cả khách du lịch trong nước cũng nhiều phen thất vọng ra mặt vì chiêu hút khách thực tế một đằng, quảng cáo một nẻo. Năm ngoái, trong lễ hội hoa hồng Bungari chào mừng ngày quốc tế phụ nữ Việt Nam 8/3, nhiều người đã lấy xe ra về trong niềm thất vọng khó tả. Theo như quảng cáo trước đó được đăng tải trên trang của Ban tổ chức, toàn bộ công viên công viên Thống Nhất sẽ trở thành đảo hoa hồng với diện tích 6.000m, được trang hoàng lộng lẫy sắc màu của hơn 300 loài hoa hồng từ khắp nơi trên thế giới. Hình ảnh rừng hoa hồng tươi tắn và rực rỡ đã khiến cư dân mạng nóng lòng chờ đến ngày lễ hội mở cửa. Nhưng khi được tận mắt chứng kiến, du khách mới sững sờ, toàn bộ khu vực cổng chào của lễ hội được kết bằng hoa giả, ngay trong ngày đầu đón khách đã có rất nhiều hoa héo rũ, xác xơ.

“Cứu” du lịch Việt

Một trong những lý do hình ảnh quảng cáo với thực tế khác nhau một trời một vực như câu chuyện của Lynne Ryan ở vịnh Hạ Long chính là lý do khách du lịch một đi không trở lại Việt Nam.

...và thực tế

Ông Nguyễn Mạnh Thức – Công ty Du lịch Đôi mắt Á Châu cho rằng, hầu hết giờ các doanh nghiệp kinh doanh về du lịch hiện nay làm việc khá chuyên nghiệp, không chộp giật, quảng cáo khống bởi uy tín của công ty rất quan trọng.

“Từ ngày UBND TP Hạ Long ra quy định cấm tắm ở các bãi tắm tự phát, công ty chúng tôi không bao giờ quảng cáo là du khách có thể tắm thỏa thích. Muốn làm du lịch bền vững và lâu dài cần phải giữ chữ tín. Du khách bây giờ cũng rất thông thái…”.

Theo ông Thức, những trường hợp bị lừa thường là do ham rẻ, chưa tìm hiểu kỹ thông tin địa phương, không chọn những công ty lữ hành uy tín để mua tour, mà mua theo lời rủ rê, mồi chài.

Cũng theo nhiều đại diện công ty du lịch ở Hà Nội, thông thường khi xảy ra sự cố, chính quyền ở các địa phương chỉ cảnh cáo, nhắc nhở đơn vị rút kinh nghiệm, trong khi việc cần làm là xóa sổ những doanh nghiệp làm du lịch vô trách nhiệm, không có uy tín. Chưa kể du lịch trực tuyến đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường trên thế giới nhưng vẫn đang loay hoay tìm đường phát triển ở Việt Nam. Một số khách sạn tự đẩy mạnh quảng cáo thì lại nói khống, vấn đề này vẫn bị ... bỏ ngỏ. Có một thực tế, du lịch trực tuyến ở nước ta vẫn chưa phát triển, khi khách du lịch tới Việt Nam, hoặc khách Việt Nam du lịch tới các vùng mới, họ không biết ở vùng này sẽ phải đi đâu, có những chỗ nào để ở, khách sạn nào tốt. Nhà hàng nào ăn ngon hay danh lam thắng cảnh nào cần phải xem.... Vì vậy, nhiều người sẽ không tránh khỏi thất vọng vì tự khám phá hay nghe theo dụ dỗ của những công ty du lịch “chui” vô trách nhiệm.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Mạnh Thức, các chính sách của địa phương, sự vào cuộc của địa phương trong việc đưa ra những chính sách thu hút phát triển du lịch, quản lý chặt chẽ chất lượng phục vụ du lịch, tạo môi trường thân thiện, an toàn, tiện ích của điểm đến, nhà vệ sinh sạch sẽ… cũng cần phải được chấn chỉnh để vực dậy ngành du lịch ở mỗi địa phương.

Hải Thanh

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/xa-hoi/quang-cao-ao-pha-hong-dau-an-du-lich-viet-81879.html