Quảng Bình sau lũ: Hàng loạt công việc nặng nề

Mưa lũ đi qua, người dân miền Trung ngoài việc chống chọi với cuộc sống chồng chất khó khăn thì còn phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra nếu không tích cực phòng chống. Để tránh dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, ngành Y tế Quảng Bình đã chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh trước và sau lũ.

Gia đình ông Nguyễn Ở (ở thôn Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Lộc, thị xã Ba Đồn) phải đi xin nước để ăn uống vì mọi nguồn nước trong nhà đã bị nhiễm bẩn trong lũ.

Nguy cơ dịch bệnh sau lũ

Đã gần hai tuần trôi qua từ khi cơn lũ lịch sử rút xuống, thời tiết trên địa bàn Quảng Bình vẫn mưa nắng thất thường, nhiều địa phương đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm, người dân không có nước sạch để sinh hoạt, phải đi xin nước hoặc dùng tạm nước mưa. Đây là môi trường thuận lợi để một số dịch bệnh bùng phát.

Sau khi lũ rút, vùng ven sông Gianh ở thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) vẫn phải sống chung với cảnh ô nhiễm, xác gia súc, gia cầm chết tấp vào các kênh mương gây ô nhiễm nghiêm trọng. Đặc biệt, hàng nghìn giếng nước, bể chứa nước của người dân vùng lũ cũng bị nước bẩn đọng lại, không thể sử dụng.

Chúng tôi đến xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) khi nước lũ đã rút. Ở đây, cả tuần nay người dân đang loay hoay khắc phục hậu quả do lũ gây ra, nhiều kênh mương bị ô nhiễm do xác động vật chết, hàng trăm hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt do giếng nước, bể chứa nước của họ bị đọng lại nước bẩn.

Ông Nguyễn Ở (82 tuổi, ở thôn Vĩnh Lộc, xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn) cho biết, hôm lũ về, cả nhà chỉ có hai vợ chồng ông bà đã già, nước ngập đến gần 2m nên ông bà phải leo lên tra (gác gần mái nhà - PV) để tránh lũ cho đến lúc nước rút.

Tài sản trong nhà không có gì nhiều nên ông bà chỉ bị ướt mấy chum thóc, nhưng lũ qua rồi, bây giờ ông bà không có nước để sinh hoạt. “Nước sạch trước giờ vẫn chưa có, bể chứa nước mưa, giếng nước đã bị nước bẩn lẫn vào rồi nên không dùng được nữa. Giờ chúng tôi đang tiến hành sục bể và khử trùng. Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi phải đến những nhà có nước sạch để xin về dùng cho việc ăn uống, còn giặt đồ, rửa ráy thì đành phải dùng nước giếng”, ông Nguyễn Ở than thở.

Tại TP Đồng Hới, 24 trang trại gia súc, gia cầm với khoảng 18.000 con, hầu hết đều bị chết và cuốn trôi. Đến trang trại của gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Phương (ở xã Đức Ninh, TP Đồng Hới), chị cho biết trang trại của chị có hơn 450 con gà, gần chục con lợn đều đã bị lũ cuốn trôi và chết. Bên cạnh đó, hơn sáu tấn cá sắp thu hoạch của gia đình chị mất đi theo lũ. Để sớm khôi phục sản xuất, gia đình chị Hồng đã chủ động vệ sinh chuồng trại, ao hồ phòng ngừa dịch bệnh lây lan.

“Gia đình tôi đã phun thuốc, rải vôi, súc rửa chuồng trại và ao hồ để khử trùng, ngăn ngừa các loại dịch bệnh có thể xảy ra”, chị Hồng nói.

Theo thống kê của tỉnh Quảng Bình, sau đợt lũ lụt vừa rồi, có trên 2.000 gia súc và trên 100.000 gia cầm ở các trang trại bị trôi, chết do mưa lũ, chưa kể các hộ gia đình nuôi nhỏ lẻ. Vì vậy, hiện tượng xác vật nuôi chết trôi nổi rải khắp các ao hồ, kênh mương xảy ra ở rất nhiều nơi trên địa bàn.

Trao đổi với Báo GĐ&XH, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình cho biết, để phòng tránh tình trạng ô nhiễm, dịch bệnh xảy ra, trước và sau lũ, ngành Y tế Quảng Bình đã chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, vật tư, thuốc, hóa chất để bảo đảm thực hiện phòng, chống bão lụt cho các địa phương.

Ngành Y tế Quảng Bình đã chuyển 280.000 viên Cloramin B và 350 kg Cloramin B bột để khử trùng nguồn nước, đồng thời tiến hành phân bổ kịp thời hóa chất, thuốc men thiết yếu cho các địa phương, tổ chức các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân, nhất là các vùng bị thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua.

Xử lý môi trường sau lũ

Hàng nghìn con lợn, gà... đã bị chết, trôi trong lũ. Ảnh: M.K

Theo Sở Y tế Quảng Bình, sau khi mưa lũ xảy ra, với phương châm nước rút đến đâu hướng dẫn bà con xử lý môi trường đến đó, việc đầu tiên là xử lý nguồn nước. Theo đó, các cán bộ y tế đã trực tiếp về các hộ dân bị ngập lụt để hướng dẫn người dân xử lý nước, khử trùng bằng các viên cloramin B trong nguồn nước để có thể sử dụng trong sinh hoạt.

Sau đợt lũ lụt vừa qua, tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu xuất 5.000 lít hóa chất để phục vụ vệ sinh tiêu độc khử trùng và 100.000 liều dịch tả lợn để tập trung tiêm phòng bổ sung cho lợn.

Ông Phạm Hồng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình cho biết: “Đơn vị đã và đang tích cực triển khai công tác đảm bảo vệ sinh, phòng dịch, kịp thời phun thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng trại, phòng ngừa dịch bệnh. Chúng tôi cũng đã cùng với chính quyền địa phương đi về từng hộ dân để vệ sinh tiêu độc, chôn hủy và xử lý chuồng trại giúp bà con”.

Để phòng chống dịch bệnh xảy ra, Sở Y tế Quảng Bình cũng khuyến cáo người dân nên ăn chín uống sôi, vệ sinh môi trường sạch sẽ, không ăn các loại rau sống đã bị ngập nước, ngập trong rác để tránh các bệnh dễ phát sinh sau lũ như: Đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân...

Khuyến cáo người dân khi có trường hợp bị đau mắt đỏ hay bị bệnh viêm phổi thì không để phát sinh ra cộng đồng, đặc biệt là trẻ nhỏ. Nếu là học sinh thì phải cho nghỉ học, không để lây lan ra các trẻ khác.

“Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các đơn vị rà soát tất cả các điểm có khả năng gây ô nhiễm môi trường, rà soát các bãi rác hay các công trình vệ sinh bị ngập lụt để chủ động phun hóa chất tiêu độc khử trùng nhằm khống chế các mầm bệnh xảy ra. Nhờ thực hiện các giải pháp trên nên hiện tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn ổn định, không có phát sinh gì đột xuất”, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình cho biết.

Theo thống kê của tỉnh Quảng Bình, sau đợt lũ lụt vừa rồi, có trên 2.000 gia súc và trên 100.000 gia cầm ở các trang trại bị trôi, chết do mưa lũ, chưa kể các hộ gia đình nhỏ lẻ. Vì vậy, hiện tượng xác vật nuôi chết trôi nổi rải khắp các ao hồ, kênh mương ở rất nhiều nơi trên địa bàn.

Đ.Hoàng – M.Khang

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/quang-binh-sau-lu-hang-loat-cong-viec-nang-ne-20161028075734045.htm