Quảng Bình: Nhiều hoạt động giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) luôn được hệ thống MTTQ các cấp tỉnh Quảng Bình đặc biệt quan tâm. Nhiều mô hình điểm về ATVSTP được tích cực triển khai, nhân rộng.

Đoàn giám sát liên ngành Quảng Bình kiểm tra chất lượng thực phẩm.

Tổ dân phố số 2, phường Đông Sơn, TP Đồng Hới đã có nhiều thành tích trong triển khai thực hiện ATVSTP. Ông Dương Đức Lai, tổ trưởng tổ dân phố cho biết, để thực hiện có hiệu quả và cụ thể hóa mô hình “Khu dân cư nói không với thực phẩm bẩn”, tổ dân phố đã triển khai thực hiện mô hình điểm “Khu dân cư sản xuất, kinh doanh, sử dụng TPAT năm 2017” với mục đích nâng cao trách nhiệm của các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng.

Ngay sau khi triển khai mô hình này Ban CTMT tổ dân phố đã ký cam kết với đại diện 23 hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến bún bánh các loại ở khu dân cư.

Thực tế cho thấy, các cam kết của mô hình điểm “Khu dân cư sản xuất, kinh doanh, sử dụng TPAT” đã tác động trực tiếp đến hoạt động của các hộ sản xuất thực phẩm trong các khu dân cư.

Chia sẻ, bà Đoàn Thị Thủy- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Đồng Sơn khẳng định, các hộ, cơ sở làm nghề sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm tham gia mô hình điểm “Khu dân cư sản xuất, kinh doanh, sử dụng TPAT” tại tổ dân phố số 2 đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Đó là các hộ vừa xây dựng thương hiệu, hình ảnh đẹp trong sản xuất kinh doanh, bảo đảm uy tín, chất lượng sản phẩm vừa giữ gìn ngành nghề truyền thống trong chế biến thực phẩm. Mô hình cũng chính là một phương thức đổi mới của Mặt trận nhằm tăng cường công tác vận động toàn dân nâng cao ý thức bảo đảm chất lượng ATVSTP.

Để có kết quả trong công việc này, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã tập trung tuyên truyền rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú.

Tiêu biểu như Hội Nông dân với phong trào sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm an toàn; Hội Phụ nữ với phong trào 3 không gồm: “Không sản xuất rau không an toàn; không phụ gia thực phẩm không có trong danh mục cho phép thực hiện; không giết mổ, mua bán vận chuyển gia súc, gia cầm không an toàn”; thực hiện “Bữa ăn an toàn cho mỗi gia đình”.

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn, huyện Bố Trạch; TP Đồng Hới đã phối hợp với các đoàn thể tổ chức các hội thi sân khấu hóa về ATVSTP ở cộng đồng dân cư như: “Gia đình và dinh dưỡng trẻ thơ”, “Ngày hội dinh dưỡng”, “Bữa ăn tự chọn”; phối hợp tổ chức 5 Hội thi “Cơm ngon - Con khỏe” tại 5 xã, phường, thị trấn, thu hút sự tham gia của gần 2.000 cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân trên địa bàn….

Thông qua các mô hình Ủy ban MTTQ các cấp đã tổ chức ký kết bảo đảm vệ sinh ATTP với các hộ gia đình và các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn.

Theo ông Trần Quang Minh- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình, đối với việc xây dựng những mô hình “Khu dân cư sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm an toàn”, Mặt trận tỉnh cũng đã tiến hành làm điểm tại nhiều địa phương.

Tại những mô hình này, ngoài công tác tuyên truyền, Mặt trận tỉnh còn cử cán bộ có kiến thức chuyên môn đến tư vấn trực tiếp cho các cơ sở, hộ sản xuất thực phẩm đảm bảo vệ sinh ATTP.

Đặc biệt là đặt các hộp thư ở những nơi công cộng như ở chợ, nhà văn hóa để người dân phát giác, kiến nghị lên Mặt trận các cấp, chính quyền các cơ quan, chức năng về những hành vi vi phạm ATVSTP.

Đặc biệt, khi thực hiện CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, tỉnh Quảng Bình xác định mỗi hộ nông dân, hộ kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ phải là hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn mới được công nhận là gia đình văn hóa.

Phương Liên

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giam-sat-phan-bien/quang-binh-nhieu-hoat-dong-giam-sat-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-tintuc405444