Quảng Bình: Nhà hàng nổi, tàu thuyền 'uy hiếp' lan can kè 10 tỉ sông Nhật Lệ

Dọc tuyến bờ kè sông Nhật Lệ, nhiều tàu thuyền, nhà hàng nổi ngang nhiên cột dây neo vào lan can trong rất nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị và đặc biệt có thể kéo hệ thống lan can hàng tỉ đồng sụp xuống sông lúc nào không hay.

Thực trạng nghiêm trọng trên đang xảy ra đoạn bờ kè dọc sông Nhật Lệ nối từ chân cầu Dài đến chợ Đồng Hới – thuộc phường Đồng Hải, TP Đồng Hới (Quảng Bình) gây bức xúc cho người dân và phản cảm trong mắt du khách.

Nhà hàng nổi Sóng Thần buộc dây neo vào công trình lan can kè sông Nhật Lệ - ảnh HOÀNG PHÚC

Nhà hàng nổi Sóng Thần buộc dây neo vào công trình lan can kè sông Nhật Lệ - ảnh HOÀNG PHÚC

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, tại khu vực bờ kè sông Nhật Lệ, có 2 nhà hàng nổi là Bình Yên và Sóng Thần ngang nhiên cột dây cáp lớn neo vào lan can bảo vệ bờ kè từ nhiều năm nay.

Chỉ 1 tuyến kè dài chừng 500m, đập vào mắt người dân và du khách là hàng chục sợi dây được nối từ các nhà hàng nổi trên sông Nhật Lệ kéo dài buộc chặt vào lan can bờ kè trong như "ma trận" ven bờ sông. Trên bờ kè, các sợi dây cước trồi ra trong rất nhếch nhác, phản cảm và làm xấu đi hình ảnh của một thành phố du lịch.

Anh S. – người dân sống ở phường Đồng Hải - cho biết khoảng 3 năm trước, khi chưa có lan can thì nhiều nhà hàng nổi, tàu thuyền đã buộc chặt dây cáp vào các gốc cây dừa dọc công viên bờ kè để neo đậu, khiến một số cây xanh bị chết, hư hỏng.

Mới đây, khi UBND TP Đồng Hới đầu tư hệ thống lan can chạy dài bảo vệ dọc bờ kè thì họ thản nhiên dùng những sợi dây cước lớn neo vào lan can, khiến nhiều thanh sắt bị cong, hoen gỉ, ảnh hưởng đến độ bền hư hỏng lan can.

Dọc bờ sông, nhiều tàu thuyền của ngư dân cũng dùng dây néo chặt lên lan can kè - ảnh Hoàng Phúc

Dọc bờ sông, nhiều tàu thuyền của ngư dân cũng dùng dây néo chặt lên lan can kè - ảnh Hoàng Phúc

Đáng nói, ngoài 2 nhà hàng nổi nói trên vi phạm, thì hàng chục tàu thuyền của ngư dân vào cảng cá chợ Đồng Hới nhập hải sản hoặc neo đậu tránh trú mưa bão cũng neo đậu dọc tuyến kè sai quy định. Nhiều chủ tàu buộc dây neo vào hệ thống lan can khiến nhiều chỗ bị bong tróc, dấu hiệu xuống cấp rõ ràng.

Ông Nguyễn Hữu Thuyết - Chủ tịch UBND phường Đồng Hải - cho biết tuyến kè này được UBND TP Đồng Hới đầu tư xây dựng hiện đại, có công viên cây xanh, lối đi dành cho người đi bộ, lan can dọc tuyến kè bảo vệ người dân và tạo mỹ quan cho đô thị ven sông. Thế nhưng việc các nhà hàng nổi, tàu thuyền ngư dân buộc dây neo vào lan can kè thì không tài nào chịu nổi, đặc biệt nhiều tàu cá công suất lớn.

Theo ông Thuyết, thì công trình lan can kè ven sông Nhật Lệ được UBND TP Đồng Hới giao cho Trung tâm Công viên cây xanh TP Đồng Hới bảo vệ, quản lý.

"Mùa mưa lũ tới, lưu lượng dòng chảy sông Nhật Lệ sẽ rất mạnh, nếu tình trạng này tái diễn thì lan can kè dự là sẽ không "trụ" nổi, gây nguy hiểm cho công trình kè và kể cả tài sản của người dân" – ông Thuyết nhìn nhận.

Dây cước néo chặt khiến nhiều điểm trên lan can bị hoen gỉ, xuống cấp và làm mất mỹ quan đô thị công viên

Dây cước néo chặt khiến nhiều điểm trên lan can bị hoen gỉ, xuống cấp và làm mất mỹ quan đô thị công viên

Trả lời Báo Người Lao Động, ông Lê Công Kim – Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Đồng Hới - thừa nhận có tình trạng các nhà hàng nổi ven sông Nhật Lệ và tàu thuyền ngư dân neo dây vào lan can kè trong thời gian qua, lực lượng đơn vị này cũng đã nhiều lần phát hiện, kiểm tra và tuyên truyền người dân chấp hành. Tuy nhiên, khi rời đi thì mọi chuyện "đâu lại vào đó".

"Khi chưa có kè thì họ còn thản nhiên neo đậu vào các gốc cây xanh khiến nhiều cây bị chết, đơn vị đến cắt dây thì họ nhiều lúc còn uy hiếp công nhân. Cái khó của đơn vị là được giao nhiệm vụ trong coi, bảo vệ nhưng không có thẩm quyền xử phạt các trường hợp vi phạm, cái này thuộc Cơ quan chức năng của thành phố và trách nhiệm của UBND phường vì mình chỉ được giao nhiệm vụ bảo vệ" – ông Kim nói.

Theo ông Kim, sắp tới Trung tâm Công viên cây xanh Đồng Hới sẽ gửi văn bản cho UBND TP Đồng Hới và UBND phường Đồng Hải để phối hợp, tuyên truyền người dân chấp hành đúng quy định và sẽ xử lý dứt điểm tình trạng các nhà hàng nổi, tàu thuyền ngư dân neo dây vào lan can.

Một số hình ảnh do Báo Người Lao Động ghi nhận:

Nhà hàng nổi Sóng Thần

Nhà hàng nổi Sóng Thần

Khi nước rút, nhiều sợi dây buộc chặt lên lan can như "ma trận" trong rất phản cảm

Khi nước rút, nhiều sợi dây buộc chặt lên lan can như "ma trận" trong rất phản cảm

Nhiều điểm trên lan can bị hoen gỉ xuống cấp

Nhiều điểm trên lan can bị hoen gỉ xuống cấp

Nhiều chiếc tàu công suất lớn thả neo buộc vào lan can

Nhiều chiếc tàu công suất lớn thả neo buộc vào lan can

Khu vực nơi nhà hàng Bình Yên trong nhếch nhác khi nước rút

Khu vực nơi nhà hàng Bình Yên trong nhếch nhác khi nước rút

Dây bị trồi ra làm xấu đi hình ảnh công viên Nhật Lệ trong mắt du khách

Dây bị trồi ra làm xấu đi hình ảnh công viên Nhật Lệ trong mắt du khách

Theo tìm hiểu, công trình hệ thống lan can khu vực kè công viên dọc bờ sông Nhật Lệ được UBND TP Đồng Hới đầu tư và đưa vào sử dụng từ năm 2018. Công trình có tổng mức đầu tư gần 10 tỉ đồng với chiều dài gần 2,5km (đoạn từ cầu Hải Thành đến cầu Dài). Dọc theo tuyến kè bờ sông được xây dựng hành lang đi bộ có chiều rộng gần 3m. Lan can được thiết kế cao khoảng 1m, làm bằng chất liệu sắt nhúng kẽm và có phủ lớp sơn tĩnh điện.

Việc đầu tư hệ thống lan can tại bờ sông Nhật Lệ nhằm mục đích bảo vệ, xây dựng môi trường sống an toàn cho người dân trên địa bàn thành phố cũng như du khách tham quan; đồng thời kết hợp cải tạo môi trường dọc bờ sông, bảo đảm tạo mỹ quan đô thị, góp phần tạo cơ sở hạ tầng phù hợp với phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường của thành phố.

HOÀNG PHÚC

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/quang-binh-nha-hang-noi-tau-thuyen-uy-hiep-lan-can-ke-10-ti-song-nhat-le-2022081813130864.htm