Quảng Bình: Mong sớm tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực khoáng sản

Nhu cầu sử dụng sử dụng khoáng sản, đất san lấp ngày càng lớn, tuy nhiên việc đấu giá quyền thăm dò, khai thác khoáng sản và quản lý còn nhiều vướng mắc, cần được Trung ương quan tâm, thống nhất giải pháp tháo gỡ.

Lĩnh vực khoáng sản, vật liệu xây dựng góp phần tăng nguồn thu ngân sách tỉnh hàng năm.

Lĩnh vực khoáng sản, vật liệu xây dựng góp phần tăng nguồn thu ngân sách tỉnh hàng năm.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có tổng số 123 Giấy phép khai thác khoáng sản, trong đó UBND tỉnh cấp 110 Giấy phép, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp 16 Giấy phép. Từ năm 2016 - 2020, tổng số tiền đã nộp vào ngân sách hơn 449 tỷ đồng.

Qua giám sát của HĐND tỉnh Quảng Bình cho thấy: Việc cấp phép khai thác được thực hiện đảm bảo thủ tục, đúng quy trình, được thực hiện theo hướng cải cách hành chính. Tất cả các Giấy phép đang trong thời hạn quy định. Chưa có trường hợp gia hạn Giấy phép khai thác, chỉ mỏ cát xây dựng của Công ty Trần Quế Chi tại xã Quảng Liên (huyện Quảng Trạch) bị thu hồi Giấy phép do không đảm bảo an ninh.

Nhìn chung các mỏ khai thác khoáng sản chất lượng quy hoạch chưa cao, thiếu tính bao quát, toàn diện, còn điều chỉnh, bổ sung nhiều lần. Một số khu vực được quy hoạch nhưng thiếu khả thi do vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, chồng lấn quy hoạch đất quốc phòng và các dự án đầu tư khác. Trách nhiệm công khai, công bố quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản ở một số đơn vị cấp xã còn hạn chế. Việc chấp hành các quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản còn nhiều tồn tại, khuyết điểm.

Phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho hay, qua thực tiễn quản lý Nhà nước về lĩnh vực khoáng sản tại địa phương còn nhiều vướng mắc, khó khăn. Khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ. Theo quy định tại Điều 27, Luật Khoáng sản 2010, thì hầu hết các khu vực có khoáng sản phân tán địa bàn tỉnh chưa được xác định trên cơ sở kết quả đánh giá khoáng sản trong giai đoạn điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản hoặc kết quả thăm dò khoáng sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Về đấu giá quyền thăm dò, khai thác khoáng sản, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, đối với đất cho hoạt động khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp mỏ của địa phương, phải tự thỏa thuận. Nhưng, hiện chưa có hướng dẫn công tác thỏa thuận để giải phóng mặt bằng đất cho hoạt động khoáng sản trước khi đưa mỏ vào đấu giá. Vì vậy, có nhiều trường hợp trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng không thỏa thuận được về đất đai nên không thực hiện được.

Hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản, hiện vẫn còn một số loại văn bản chưa được nêu rõ chi tiết, khiến doanh nghiệp lúng túng khi lập và nộp hồ sơ. Quy định về quản lý, xử lý khoáng sản không rõ nguồn gốc nhất là cát sỏi lòng sông còn chung chung, do vậy khối lượng cát sỏi có nguồn gốc không hợp pháp dễ dàng tiêu thụ.

Theo quy định tại Điều 16, Điều 18 Luật Khoáng sản năm 2010, UBND các cấp có trách nhiệm quản lý tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn. Nhưng, các loại tài nguyên khoáng sản, như: cát, sỏi, đất san lấp có điều kiện khai thác đơn giản, nên việc quản lý, bảo vệ là rất khó khăn do địa bàn rộng và không đủ quyền hạn, phương tiện.

Nguồn kinh phí cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác không được bố trí và quan tâm đầy đủ, khiến việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ tài nguyên khoáng sản gặp nhiều khó khăn và chưa thể ngăn chặn được triệt để việc khai thác trái phép khoáng sản.

Theo ông Đoàn Ngọc Lâm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Tại văn bản báo cáo, tỉnh có đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đất đai và các văn bản thực hiện theo hướng nhà nước thu hồi đất giải phóng mặt bằng để cho nhà đầu tư thuê đất sau khi được cấp giấy phép hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Đề nghị giao Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam điều tra địa chất về khoáng sản bằng vốn ngân sách nhà nước đối với các điểm khoáng sản nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh. Thăm dò khoáng sản vùng ven biển ở độ sâu 1.000m theo quy định của pháp luật, đánh giá toàn diện tiềm năng khoáng sản của địa phương. Quy định rõ về thủ tục hồ sơ, cấp phép hoạt động khoáng sản đối với loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo hướng đơn giản, gọn nhẹ. Bổ sung quy định để xử lý đối với hành vi vận chuyển khoáng sản trái phép được xử lý như hành vi khai thác khoáng sản trái phép.

Ngoài ra, đề nghị Bộ Tài chính ban hành định mức chi ngân sách, phương tiện cho địa phương để thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo Điều 17, Nghị định 158/2016/NĐ-CP.

Nhất Linh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/quang-binh-mong-som-thao-go-vuong-mac-trong-linh-vuc-khoang-san-300696.html