Quảng Bình: Lắp máy ô tô cũ cho... tàu đánh cá, lợi ít hại nhiều!

Máy ô tô cũ có giá thành rẻ nên được nhiều ngư dân ở Quảng Bình mua về lắp vào tàu cá để ra khơi. Tuy nhiên, máy cũ trên bộ lắp về phương tiện thủy thường xảy ra những rủi ro trong khi hoạt động.

Chuyến ra khơi đánh bắt ghẹ vừa vào bờ, ngư dân Hoàng Quang Tình ở xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới) đang kiểm tra máy móc, và chuẩn bị ngư lưới cụ sẵn sàng cho chuyến ra khơi sắp tới.

Anh Tình cho biết, trước đây tàu cá gia đình anh có công suất nhỏ, và dùng máy ô tô cũ mua lại từ trong Khánh Hòa về nên ra khơi thường hay bị hư hỏng, tốn dầu. Năm 2015, gia đình anh đã vay mượn thay lại máy thủy có công suất 580CV, giờ máy chạy ổn định, những chuyến ra khơi cũng không phải lo lắng về tàu cá bị hư hỏng máy nữa.

Nhiều ngư dân ở Quảng Bình mua máy ô tô cũ về lắp cho tàu đánh cá.

Nhiều ngư dân ở Quảng Bình mua máy ô tô cũ về lắp cho tàu đánh cá.

“Biết là máy ô tô cũ lắp vào tàu cá thì cũng hoạt động được, nhưng vì những máy này có tuổi thọ lâu lại mua từ nước ngoài về, qua nhiều chủ mua đi, bán lại nên hay hỏng hóc, tốn dầu. Do điều kiện kinh tế, nên nhiều chủ tàu không có tiền sắm máy mới, đành phải chấp nhận mua máy ô tô cũ”- anh Tình cho biết.

Trong khi đó, ngư dân Trần Văn Triển ở xã Nhân Trạch (huyện Bố Trạch) có con tàu hậu cần nghề cá. Tàu của gia đình anh Triển được lắp đặt động cơ cũ 400 mã lực mua với giá 250 triệu đồng.

“Tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh, đến chợ bán máy móc cũ, thích máy nào thì mua máy đó, sau đó gọi thợ đến kiểm tra. Hầu hết là máy ký hiệu hàng của Nhật. Thấy ngư dân trong Nam và các nơi đều chạy bằng máy xe, giá thành lại rẻ hơn, vì điều kiện gia đình không có đủ nguồn vốn để đầu tư mua máy thủy nên tôi chọn mua máy xe. Ngoài thị trường, giá một bộ động cơ thủy dành cho tàu cá 400CV phải trên 500 triệu đồng, trong khi đó giá máy xe chỉ bằng 1 nửa”.

Máy bộ lắp cho phương tiện thủy thường bị hỏng, nên chi phí cho sửa chữa, bảo trì rất tốn kém.

Nhiều ngư dân cho biết, hầu hết họ thường mua máy ô tô, đầu máy kéo, máy xúc cũ nhập về từ các nước Nhật Bản, Mỹ, Úc... về lắp vào tàu cá để sử dụng. Những máy này được các đầu nậu gom hàng từ nhiều nơi, mua đi, bán lại từ bãi phế liệu nên bán cho ngư dân với giá rất rẻ, chủng loại cũng đa dạng.

Thực tế cho thấy, nhiều tàu cá lắp động cơ trên bộ khi ra giữa biển thì gặp sự cố nguy hiểm như lịm máy, chết máy. Hơn nữa công suất máy cũ làm hao lượng lớn xăng dầu. Quan trọng là động cơ ô tô cũ tuy có lợi thế về giá, nhưng về lâu dài, chi phí sửa chữa, thay thế thiết bị cũng tốn kém rất nhiều.

“Lắp máy động cơ ô tô vào tàu thì ngư dân sẽ gặp bất trắc nhiều, vì máy chế tạo để sử dụng trên khô nhưng lại dùng ở dưới nước, nhất là nước biển thì chắc chắn mau hỏng hơn. Ví dụ như đáy tắc-te, thường gọi là đáy dầu nhờn, trong khi máy dùng bộ thường làm mỏng 1 đến 2 ly, còn động cơ thủy đổ cả khối thép dày 10 hoặc 20 ly. Nếu máy thủy qua sử dụng rồi thì phải trên 10 năm mới hỏng”- anh Trương Hải Thành, ngư dân ở xã Bảo Ninh cho biết.

Tỉnh Quảng Bình là địa phương có số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ lớn, với 5.443 tàu. Hiện nay, thực hiện Chỉ thị số 3727 năm 2017 của Bộ NN&PTNN về công tác quản lý khai thác thủy sản, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển. Theo chỉ thị thì việc chủ tàu lắp động cơ bộ, động cơ được thủy hóa, máy kéo không rõ nguồn gốc, xuất sứ sẽ không được đăng ký, đăng kiểm.

Máy ô tô cũ lắp vào tàu cá thường tiền ẩn nhiều nguy hiểm, mất an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân, nếu xảy ra sự cố thì sẽ tốn kém trong công tác phối hợp tìm kiếm. (Ảnh minh họa).

Theo số liệu của Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình, hiện nay trên địa bàn có 31 tàu cá xa bờ lắp đặt động cơ bộ, động cơ thủy hóa. Đơn vị đã tuyên truyền, vận động ngư dân sớm cải hoán, thay thế lại động cơ thủy để đảm bảo an toàn trong hoạt động tàu cá.

Ông Hoàng Viết Thông - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình cho biết, “Chi cục Thủy sản tỉnh đã giao cho huyện tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân trên địa bàn nắm rõ việc không được lắp máy bộ. Đồng thời, Chi cục Thủy sản cũng đã tăng cường công tác quản lý đăng ký, đăng kiểm, tuyệt đối không đăng kiểm tàu cá lắp máy bộ không đúng quy định.

Ngoài ra, Chi cục cũng phối hợp với các đồn Biên phòng đóng quân trên địa bàn có biện pháp giáo dục, kiểm tra và xử lý. Đề nghị lực lượng Biên phòng kiểm tra, nếu phát hiện tàu cá nào không thực hiện đúng quy định đăng kiểm thì không cho hoạt động để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho ngư dân”.

Theo ông Thông, việc tàu ngư dân gặp sự cố trên biển do động cơ sai chủng loại không chỉ gây thiệt về kinh tế cho ngư dân, bạn thuyền mà các cơ quan quản lý Nhà nước cũng vất vả, tốn kém trong công tác phối hợp tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn. Nên cơ quan chức năng sẽ tiến hành cấm biển đối với các chủ tàu có vi phạm về động cơ, nhằm đảm bảo tính mạng, sự an toàn cho ngư dân.

Thanh Hà

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/quang-binh-lap-may-o-to-cu-cho-tau-danh-ca-loi-it-hai-nhieu-post285957.info