Quảng Bình khẩn trương triển khai ứng phó với bão số 13

Để chủ động ứng phó với bão số 13, UBND tỉnh Quảng Bình phát lệnh cấm biển, không cho tàu thuyền ra khơi từ 10h ngày 13/11; sơ tán, di dời người dân đến các nhà kiên cố trước 16h ngày 14/11.

Ông Trần Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình kiểm kiểm tra an toàn của các hồ đập chứa nước trên địa bàn trước khi bão số 13 đổ bộ - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Ông Trần Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình kiểm kiểm tra an toàn của các hồ đập chứa nước trên địa bàn trước khi bão số 13 đổ bộ - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Ngày 13/11, UBND tỉnh Quảng Bình có công điện về việc triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 13. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã, các sở, ngành triển khai việc tổ chức trực ban 24/24, theo dõi chặt chẽ bản tin, cảnh báo diễn biến của bão số 13 để triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”, tuyệt đối không chủ quan, lơ là.

Rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, hướng dẫn di chuyển thoát ra và không đi vào vùng nguy hiểm; không cho tàu thuyền ra khơi kể từ 10h ngày 13/11 cho đến khi bão tan.

Đối với khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị, khẩn trương rà soát, tổ chức sơ tán, di dời người dân đến các nhà kiên cố trước khi bão, lũ xảy ra (hoàn thành trước 16h ngày 14/11); sẵn sàng lực lượng, phương tiện triển khai phương án cứu hộ, cứu nạn bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm.

Đối với khu vực miền núi, trung du, tiếp tục rà soát các điểm dân cư có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân, cán bộ, chiến sỹ, người lao động đến nơi an toàn; có phương án đảm bảo an toàn cho các hộ dân phải di dời do nguy cơ sạt lở đất đang phải ở nhà tạm, nhà bạt, nhất là khu vực Bản Sắt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh; nắm chắc thông tin người dân đang còn ở trong rừng, yêu cầu ra khỏi rừng hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn đề phòng lũ quét và sạt lở đất.

Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh, hàng hóa thiết yếu, nhất là ở các khu vực có nguy cơ bị chia cắt kéo dài do mưa lũ.

Vận hành, điều tiết nước trong các hồ chứa, nhất là các hồ chứa nhỏ để đón đợt mưa lũ mới theo nguyên tắc bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản người dân vùng hạ du và an toàn đập, hồ chứa…

Ảnh: VGP/Lưu Hương

Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, các bến đò, khu vực đường bị ngập, đã, đang và có nguy cơ xảy ra sạt lở; tổ chức kiểm soát, điều tiết giao thông, hạn chế phương tiện đi vào vùng bão đổ bộ. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư để xử lý các tình huống khẩn cấp và ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.

Bảo đảm an toàn các hồ đập

Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện nay, tất cả các hồ, đập đều đang vận hành hoạt động ổn định, an toàn. Đến ngày 12/11, dung tích 17 hồ chứa lớn trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 80% dung tích thiết kế.

Ông Trần Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thủy lợi và các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế mực nước của các hồ chứa cũng như theo sát diễn biến thời tiết, dự báo lượng mưa để có phương án điều tiết nước hợp lý; bố trí phương tiện, lực lượng ứng trực 24/24h. Dự báo, sẽ xảy ra mưa lớn trên diện rộng, kéo theo mực nước tại các hồ, đập sẽ dâng nhanh, vì vậy phải điều tiết tốt nguồn nước để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình và người dân vùng hạ lưu.

Đối với một số công trình hồ đập xung yếu, có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng, cần khẩn trương có biện pháp gia cố tạm thời để tránh các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra, đồng thời lực lượng liên quan chủ động phối hợp lên kế hoạch cụ thể để đối phó với diễn biến của thời tiết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu.

Lưu Hương

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/quang-binh-khan-truong-trien-khai-ung-pho-voi-bao-so-13/413913.vgp