Quảng Bình: Đưa cam chanh Vũ Quang vào vùng gò đồi Lệ Thủy

Nhằm chuyển đổi cây trồng trên đất gò đồi, anh Trần Văn Hiến (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) đã tìm hiểu và đưa giống cam chanh Vũ Quang (Hà Tĩnh) về thay thế vườn keo tràm. Bước đầu, giống cam này thích nghi tốt và phát triển thuận lợi.

Thử nghiệm giống cam chanh Vũ Quang

Trong những năm qua, giống cam chanh trồng ở huyện miền núi Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh được người dân gọi là cam chanh Vũ Quang.

Tại huyện Vũ Quang, giống cam chanh được người dân trồng với diện tích rất lớn, lên tới hơn 3.600 ha. Cam chanh Vũ Quang có khả năng chịu hạn tốt nên được các nhà vườn trồng trên các đồi núi, thay thế vườn tạp, các cây keo tràm, chè...

Cam chanh Vũ Quang phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nên cho năng suất ước đạt bình quân khoảng 12 tấn/ha trồng 500 gốc. Quả cam chanh to đều, mọng nước, ngọt mát nên được thị trường trong nước đón nhận, giá bán ổn định. Từ đó, người trồng cam ở huyện Vũ Quang từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Từ thông tin trên báo chí và Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Quảng Bình tuyên truyền, anh Trần Văn Hiến (sinh năm 1971, thôn Thạch Bàn, xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đã đăng ký trồng thử nghiệm giống cam chanh Vũ Quang ở quê nhà. Bước đầu, gia đình anh chuyển 1ha trồng cây keo sang trồng cam, và cây cam đã phát triển tốt.

Vườn cam chanh Vũ Quang thử nghiệm của gia đình anh Trần Văn Hiến.

Vườn cam chanh Vũ Quang thử nghiệm của gia đình anh Trần Văn Hiến.

Anh Hiến cho biết “Đầu năm 2018, chính quyền có thông tin phổ biến về việc trồng thử nghiệm giống cam, gia đình tôi đã đăng ký. Sau đó, cán bộ Sở Khoa học Công nghệ, và phòng NN&PTNT huyện Lệ Thủy có về kiểm tra địa hình và lấy đất đi kiểm nghiệm. Khi có kết luận đất phù hợp, các ban ngành đã hỗ trợ gia đình làm mô hình trồng thử nghiệm giống cam chanh Vũ Quang”.

Gia đình anh Hiến trồng 550 cây/ha, sau gần 3 năm chăm sóc, theo dõi, đến nay cây đã cao đạt trung bình 2m, đường kính thân cây đạt 4cm. Nhiều cây cam đã ra trái bói. Theo anh Hiến, trồng cam chanh Vũ Quang vất vả hơn trồng keo bởi tiền đầu tư nhiều và công chăm sóc thường xuyên hơn. Gia đình phải chi phí đầu tư tiền kéo điện lưới, khoan giếng và lắp đặt hệ thống tưới tốn kém hơn nhiều các loại cây trồng khác.

“Cây cam trồng sang năm thứ 3 là ra quả, nhưng cán bộ khuyên nên chỉ trừ vài quả để cho cây có sức, năm sau ra quả tốt hơn. Nếu để quả nhiều thì cây sẽ yếu và những năm sau sẽ cho năng suất thấp. Trồng cam, mùa hè đầu tiên gia đình tôi phải bơm nước giếng để tưới, nhưng đến năm 2019, gia đình đã đầu tư 20 triệu đồng khoan giếng.

Khi có giếng khoan, tôi lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, kinh phí đầu tư hết 90 triệu (trong đó các ban ngành hỗ trợ 40%, gia đình bỏ ra 60%). Khi lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, cây đủ ẩm đã phát triển xanh tốt, mỗi năm ra 2 đợt lộc mới” –anh Hiến trò chuyện.

Chuyển đổi cây trồng

Chị Lê Thị Hằng (sinh năm 1972, vợ anh Hiến) cho biết, khu vực đất trồng cam của gia đình có diện tích hơn 2 ha, nay đang còn 1 ha vẫn đang trồng keo như trước đây. Nếu trồng cam cho kinh tế cao, thì ít năm tới, gia đình sẽ chuyển đổi sang trồng cam.

Cam trồng hơn 2 năm phát triển tốt, cây cao trung bình 2m, đường kính gốc đạt 4cm.

Tại vườn cam gia đình, chị Hằng kể lại “Ngày trước gia đình tôi cũng như những hộ dân có đất ở khu vực này đều trồng xoài dự án mang về. Nhưng dự án đổ bể, được mấy năm thì dân phá xoài chuyển sang trồng sắn. Sắn trồng được 1 năm thì lại chuyển sang trồng keo; đến nay đã 4, 5 lứa keo thu hoạch rồi. Nhưng tiền bán keo chẳng được bao nhiêu, nên chuyển đổi cây trồng để tăng năng suất trên đất làm vợ chồng luôn nghĩ tới. May mắn là gặp được dự án hỗ trợ trồng thử nghiệm với mức 130 triệu đồng/ha/2 năm mà gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi. Nay thấy cam phát triển xanh, tốt, hy vọng những năm tới sẽ cho thu nhập ổn định”.

Đặc tính cây cam chanh Vũ Quang phải trồng nổi, đất thoát nước tốt. Bởi vậy các gốc cây cam gia đình anh Hiến đưa về trồng đều thực hiện đúng quy trình kỹ thuật đã được tập huấn. Bên cạnh đó, hai vợ chồng anh cứ đến mùa gặt lúa, lại ra đồng đi gom rơm rạ về để tấp gốc cây cam nhằm hạn chế nắng nóng mùa hè, tăng độ ẩm, độ mùn xốp đất cho cây.

“Về khả năng sinh trưởng thì giống cam chanh Vũ Quang tương đối thích nghi với vùng gò đồi, thể hiện cây có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh tương đối ổn định. Về các loại sâu, bệnh hại trên cây khá thường xuyên; trong đó phổ biến nhất là sâu ăn lá, chồi non; sâu vẽ bùa, nấm, sâu đục thân... tuy nhiên mức độ không quá cao, thường xuyên theo dõi thì có thể kiểm soát được”- anh Hiến nhận xét.

Do mới trồng thử nghiệm, cây cam chanh Vũ Quang ở Lệ Thủy bắt đầu có quả nên chưa thể đánh giá năng suất, chất lượng. Tuy nhiên theo những nhà vườn trồng cam ở huyện Vũ Quang thì cây cam chanh năm thứ 4 sẽ cho lượng quả trung bình đật 50kg/cây; sang năm thứ 5 có thể đạt 1 tạ/cây và năng suất ổn định.

Nâng cao giá trị nông sản

Gia đình anh Trần Văn Hiến mạnh dạn làm mô hình trồng cam chanh Vũ Quang trên đất Phú Thủy, huyện Lệ Thủy, dù còn chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng áp dụng đúng kỹ thuật tập huấn, nên bước đầu cây cam có khả năng thích nghi tốt, hợp đất và phát triển thuận lợi. Qua theo dõi, anh Hiến cho biết các chỉ tiêu sinh trưởng của cây cam chanh đều đạt như kỳ vọng.

Một số cây ra quả mùa đầu tiên, và rất sai quả.

“Mùa hè nắng, tôi 2 ngày lên vườn cam tưới nước 1 lần, còn sâu bệnh thì mình theo dõi được, nếu như nấm thì không chữa được, mà phải phát hiện sớm và dùng hỗn hợp sunphat đồng với nước vôi để phun phòng ngừa. Theo kinh nghiệm các nhà vườn trồng cam ở huyện Vũ Quang, khi cam ra hoa đậu quả, nhà vườn phải thắp đền, trùm màn khoảng thời gian 4 tháng đến lúc thu hoạch. Đây là cách làm tốn kém nhưng rất an toàn” anh Hiến tiết lộ kinh nghiệm học hỏi được.

Hàng năm, từ cuối tháng 10 dương lịch, người trồng cam bắt tay vào thu hoạch cho đến Tết Nguyên đán, cam chanh Vũ Quang ở Hà Tĩnh được mùa, thương lái thu mua tại vườn giá giao động từ 35 - 40 ngàn/kg. Mỗi hecta, người trồng cam ở huyện Vũ Quang thu về khoảng 500 - 600 triệu đồng. Trong khi mỗi hecta keo tràm trồng chu kỳ 5 năm bán với giá khoảng 140 triệu đồng, trừ chi phí người trồng keo lãi khoảng 60 triệu đồng.

“Tôi đã ra các nhà vườn ở huyện Vũ Quang học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc cam chanh. Khí hậu, thổ nhưỡng ở huyện Vũ Quang cũng rất giống với vùng đất gò đồi Lệ Thủy, nên tôi hy vọng cây cam sẽ phát triển và dần thay thế các cây trồng kém năng suất như săn và keo. Khi nhiều người cùng trồng cam sẽ hình thành vùng cây ăn quả, lúc đó sẽ liên kết, xây dựng được thương hiệu sản phẩm, để có chỗ đứng trên thị trường” – anh Hiến mong muốn.

Cam chanh Vũ Quang vốn thơm ngon nổi tiếng và được người tiêu dùng rất ưa chộng, nhất là đến nay, sản phẩm cam chanh Vũ Quang đã được công nhận thương hiệu nên ngày càng tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Việc gia đình anh Trần Văn Hiến đưa giống cam chanh Vũ Quang vào trồng thử nghiệm trên vùng đất gò đồi Lệ Thủy là hướng đi mới, nhằm thay đổi cơ cấu cây trồng nâng cao giá trị nông sản trên một diện tích đất. Bức tranh về những vườn cam chanh Vũ Quang trĩu quả, vàng mọng trên các sườn đồi ở Tây Nam tỉnh Quảng Bình chắc không còn xa.

Thanh Hà

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong-khcn/quang-binh-dua-cam-chanh-vu-quang-vao-vung-go-doi-le-thuy-257957.html