Quảng Bình dồn sức giảm nghèo

Những năm gần đây, tỉnh Quảng Bình đã nỗ lực lồng ghép các chương trình, đề án và huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ nông dân giảm nghèo. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm của địa phương giảm mạnh. Nhiều hộ nghèo đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, cùng với sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương để tạo lập đời sống ổn định cho chính gia đình mình...

Cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn người dân xã Dương Thủy, huyện Lệ Thủy trồng nấm.

Cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn người dân xã Dương Thủy, huyện Lệ Thủy trồng nấm.

Nỗ lực thoát nghèo

Ba năm trước, gia đình ông Ngô Ðình Mịch là hộ nghèo của xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, nguyên nhân chính là do đông con, lại thiếu vốn và chưa biết cách làm ăn. Ðược Hội Nông dân xã gợi ý, hướng dẫn và đứng ra tín chấp, ông Mịch quyết định vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để nuôi bò sinh sản. Vừa làm, ông vừa rút kinh nghiệm, từ hai con bê giống, đến nay, đàn bò đã mang lại cho gia đình nguồn thu nhập khá. Cùng với nuôi bò, vợ chồng ông Mịch cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây có giá trị cao hơn. Nhờ vậy, vợ chồng ông xây dựng được nhà cửa khang trang và đời sống ổn định hơn. Năm 2018, gia đình ông Mịch được công nhận thoát nghèo. Tương tự, gia đình anh Hoàng Văn Thụ cũng là hộ nghèo nhiều năm. Từ sự trợ giúp của Hội Nông dân xã, anh Thụ vay 30 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân để mua cặp bò lai nuôi, đồng thời làm một số nghề phụ khác để kiếm thêm thu nhập. Ðến nay, vợ chồng anh đã trả được nợ vay ban đầu và cuộc sống đã khá hơn trước rất nhiều. Bí thư Ðảng ủy xã Vạn Ninh Nguyễn Văn Thế cho biết, qua rà soát các hộ nghèo trên địa bàn, xã đã họp để tìm hiểu nguyên nhân, từ đó tìm cách hỗ trợ, tác động giúp các hộ dân vươn lên.

Hóa Sơn là xã biên giới còn nhiều khó khăn của huyện nghèo Minh Hóa với 419 hộ dân, 1.823 nhân khẩu, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Làm gì để giúp người dân xóa đói nghèo là "bài toán" khó đối với cấp ủy, chính quyền nơi đây. Tuy nhiên, cũng như xã vùng đồi Vạn Ninh, hộ nghèo chủ yếu là do thiếu vốn và kiến thức, chưa biết cách sản xuất. Cấp ủy, chính quyền địa phương xác định, để tạo động lực cho hộ nghèo vươn lên, cần phải giúp họ giải quyết được các vấn đề này. Trước đây, gia đình anh Cao Chiến, người dân tộc Sách ở xã Hóa Sơn là hộ nghèo, sống phụ thuộc vào khai thác rừng trái phép. Năm 2015, anh Chiến tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng rừng, được hỗ trợ cây, con giống và vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi từ NHCSXH, thực hiện mô hình nuôi bò, lợn kết hợp trồng rừng. Từ ba con bò giống, đến nay đàn bò đã phát triển lên tám con, trong đó có bảy con sinh sản. Năm héc-ta rừng trồng nay cũng đã cho thu hoạch. Từ một hộ nghèo, gia đình anh Cao Chiến đã trở thành một hộ có thu nhập khá của xã Hóa Sơn. Theo đồng chí Cao Ngọc Ðiền, Chủ tịch UBND xã, nếu trước đây, nguồn vốn hỗ trợ sản xuất từ các chương trình, dự án ưu đãi của Nhà nước thường được chia đều cho tất cả người dân trong xã thì ba năm gần đây, Hóa Sơn đã thay đổi cách làm. Thay vì hỗ trợ dàn trải, xã tập trung nguồn vốn cho một số hộ nghèo giúp bà con có số tiền lớn hơn để mua cây, con giống cho sản xuất. Ðể thực hiện chủ trương này, ngay từ đầu năm, xã Hóa Sơn tổ chức rà soát lại hộ nghèo, xác định lại số hộ cần được tập trung hỗ trợ trong năm, đồng thời ưu tiên nguồn vốn, tập huấn nâng cao kiến thức, cách làm và giao cụ thể cho cán bộ xã phụ trách giúp đỡ, thường xuyên kiểm tra đôn đốc các hộ này phát triển sản xuất để thoát nghèo. "Cái quan trọng là giúp hộ nghèo nhận ra được việc mình đang làm là để giúp chính gia đình mình vượt qua khó khăn chứ không thể thụ động chờ sự hỗ trợ của Nhà nước mãi được" - đồng chí Cao Ngọc Ðiền chia sẻ. Tỷ lệ hộ nghèo ở xã Hóa Sơn giảm rõ rệt. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo ở đây giảm hơn 10%, hiện còn 33,4% theo chuẩn mới, thuộc tốp đầu về giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện miền núi Minh Hóa.

Ðại diện Hội Chữ thập đỏ Quảng Bình trao bò giống tặng hộ nghèo huyện Minh Hóa.

"Ngân hàng bò" tạo nguồn vốn bền vững cho người nghèo

Dự án "Ngân hàng bò" được Trung ương Hội Chữ thập đỏ (CTÐ) Việt Nam triển khai với mục tiêu giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển kinh tế thông qua hình thức trợ giúp bò sinh sản. Ðến nay, sau hơn tám năm thực hiện, "Ngân hàng bò" tại Quảng Bình đã giúp cho nhiều hộ nghèo phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo. Chủ tịch Hội CTÐ tỉnh Quảng Bình Cao Quang Cảnh cho biết, điểm đặc biệt của dự án "Ngân hàng bò" là hộ nghèo hưởng lợi phải được bình xét, lựa chọn phù hợp với các tiêu chí dự án đề ra và cam kết thực hiện theo quy định. Hộ nghèo được trao tặng một con bò giống, sau khi nuôi, nếu đẻ lứa đầu là bò cái, hộ đó tiếp tục chăm sóc đến khi biết ăn thì chuyển giao cho hộ nghèo khác nuôi. Hộ nuôi ban đầu được hoàn toàn sở hữu bò giống, cứ tiếp tục theo chu trình, đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều hộ gia đình nghèo khác được trợ giúp. Trường hợp bò giống đẻ lứa đầu là bò đực, hộ nuôi chăm sóc cho đến khi biết ăn, Hội CTÐ xã bán và mua một con bò cái trao cho hộ nghèo khác. Nếu năm 2010, tỉnh Quảng Bình hỗ trợ 550 con bò cái giống cho người nghèo thì đến nay tăng lên hơn 1.000 con với tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng. Từ "Ngân hàng bò", hàng trăm hộ dân đã thoát nghèo bền vững và có hộ phát triển đàn bò lên số lượng lớn thu được hiệu quả kinh tế cao. Ðáng chú ý, dự án có thêm 430 hộ hưởng lợi mới từ thế hệ thứ hai, qua thế hệ thứ ba và thứ tư. Bà Nguyễn Thị Mậu, xã Quảng Minh, thị xã Ba Ðồn chia sẻ, gia đình bà được hỗ trợ một con bò giống, sau hơn một năm, bò mẹ đã sinh được một bê con và đã bàn giao cho Hội CTÐ xã theo đúng cam kết để giúp hộ nghèo khác. Bây giờ, con bò mẹ thuộc quyền sở hữu của gia đình bà và sinh được thêm ba lứa bê con. Nhờ đó, gia đình đã thoát nghèo và gây dựng được tài sản có giá trị là đàn bò khỏe mạnh.

Từ thành công và sự lan tỏa của "Ngân hàng bò" do Hội CTÐ các cấp thực hiện, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình tổ chức thực hiện chương trình tương tự để hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo, cận nghèo bị ảnh hưởng của thiên tai. Cụ thể, chương trình đã hỗ trợ 251 con bò cái sinh sản cho các hộ nghèo trong tỉnh, đến nay, tổng đàn bò đã phát triển gần 500 con, giúp cho khoảng 300 hộ thoát nghèo. Mới đây, Ủy ban MTTQ tỉnh xây dựng đề án hỗ trợ 1.000 bò giống sinh sản cho hộ nghèo bị thiệt hại do lũ lụt và vùng thường xuyên bị thiên tai giai đoạn 2016 - 2018. Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là những hộ khó khăn chưa có bò, phải cam kết nuôi, không tự ý bán, cho, tặng hoặc làm thịt khi bò chưa sinh sản hoặc trong vòng ba năm kể từ khi được hỗ trợ; đồng thời phải có cam kết thoát nghèo trong thời hạn từ hai đến ba năm kể từ khi nhận bò. Ðến cuối năm 2018, việc trao tặng bò cho hộ nghèo vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai đã hoàn thành, góp phần giúp đỡ, tạo sinh kế để bà con ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tìm biện pháp trợ giúp hộ nghèo phù hợp

Theo đồng chí Hoàng Ðăng Quang, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm là một trong hai chương trình trọng tâm, trọng điểm của tỉnh về kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. Qua ba năm thực hiện, các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân mỗi năm 2,42%. Tỉnh Quảng Bình đã thực hiện đồng bộ, toàn diện từ chính sách giảm nghèo chung đến các dự án đặc thù của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ðến năm 2018, NHCSXH thực hiện 20 chương trình tín dụng với dư nợ đạt hơn 2.957 tỷ đồng, cho hơn 84 nghìn lượt hộ vay, trong đó dư nợ hộ nghèo hơn 1.789 tỷ đồng. Các chính sách hỗ trợ khác như bảo hiểm y tế, nhà ở, giáo dục cũng được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Bên cạnh đó, các Chương trình 30a, 135 cũng đã giúp tỉnh đầu tư hạ tầng và hỗ trợ sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc nhằm từng bước nâng cao đời sống cho người dân. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo của tỉnh Quảng Bình vẫn còn ở mức cao (năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo là 6,9%) so với bình quân chung cả nước. Số hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội chiếm 33,3% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh (cao gấp đôi bình quân chung cả nước). Ðời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tuy đã cải thiện nhưng vẫn khó khăn, khả năng tự tổ chức sản xuất, tổ chức cuộc sống của bà con còn hạn chế. Ðây là lực cản trong quá trình thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.

Ðể nâng cao hơn nữa hiệu quả của chương trình giảm nghèo, thời gian tới, tỉnh Quảng Bình tiếp tục tập trung ưu tiên các nguồn lực thực hiện chương trình giảm nghèo đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động tự vươn lên thoát nghèo của người dân, vận động để thay đổi suy nghĩ, cách làm, thói quen của bà con dân tộc thiểu số theo hướng "bắt tay, chỉ việc" giúp họ tự tổ chức sản xuất, ổn định cuộc sống. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Tiến Dũng cho biết, chính quyền cơ sở phải xác định được các ưu tiên trọng tâm trong thực hiện chương trình giảm nghèo trên cơ sở phân tích nguyên nhân nghèo của từng hộ, phải định lượng được bao nhiêu hộ có khả năng thoát nghèo để xác định nội dung hỗ trợ phù hợp, cụ thể.

Từ thực tế của mình, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Bùi Anh Tuấn nêu cách làm thiết thực: "Nếu như những năm trước, huyện hỗ trợ trực tiếp các loại giống vật nuôi, cây trồng, người dân chỉ nhận về nuôi, trồng cho nên ít quan tâm chăm sóc, đầu tư. Bây giờ, huyện khuyến khích, động viên bà con bỏ thêm tiền đối ứng để mua cây, con giống có giá trị cao hơn. Việc bỏ tiền đối ứng này giúp người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số dần bỏ được tư tưởng trông chờ ỷ lại, yên tâm đầu tư thoát nghèo".

Bài và ảnh: HƯƠNG GIANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/39253202-quang-binh-don-suc-giam-ngheo.html