Quảng Bình có thêm 2 lễ hội được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Ngày 27/8, Bộ VH-TT&DL đã có quyết định về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với Lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy và Lễ hội Đập trống của người Ma-Coong, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Bộ VH-TT&DL yêu cầu lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và các tổ chức cá nhân liên quan tới di sản văn hóa phi vật thể này phải thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang là Lễ hội có từ lâu và được tổ chức sau mùa vụ nông nhàn của bà con nhân dân huyện Lệ Thủy. Sau cách mạng tháng Tám thành công, lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang thường được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày “Tết độc lập” - Quốc khánh 2/9.

Đua thuyền truyền thống mừng Tết Độc lập (2/9) trên sông Kiến Giang.

Đua thuyền truyền thống mừng Tết Độc lập (2/9) trên sông Kiến Giang.

Lễ hội đua thuyền truyền thống của huyện Lệ Thủy là một trong những lễ hội lớn của tỉnh Quảng Bình được tổ chức hằng năm. Trước khi tổ chức cuộc đua, bơi vào ngày 2/9, nhân dân các địa phương huyện Lệ Thủy đã sôi nổi với phong trào tập luyện, tinh thần thi đấu suốt cả tháng trời.

Những hình ảnh “trai bơi, gái đua” cố gắng hết mình trên toàn quãng đường đua hàng chục km trong sáng ngày Tết Độc lập (2/9) luôn để lại ấn tượng trong du khách về tinh thần thi đấu của các vận động viên. Người dân, khán giả chật kín 2 bên bờ sông náo nhiệt với tiếng trống liên hồi, tiếng mõ gõ nhịp, tiếng kèn cùng tiếng cổ vũ không ngớt.

Trong khi đó, Lễ hội đập trống của người Ma - Coong được tổ chức một năm một lần vào ngày 16 tháng giêng âm lịch hàng năm. Lễ hội được tổ chức tại bản Cà Roòng, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Lễ hội đập trống của người Ma Coong (ảnh: Phongnhaexplorer.com)

Từ xa xưa, người Ma - Coong tổ chức lễ hội này nhằm cầu trời, đất cho mưa thuận, gió hòa, nương rẫy được tươi tốt, bản làng được ấm no, khỏe mạnh, gia súc không bị dịch bệnh. Đây cũng là ngày dành riêng cho những đôi trai, gái gặp gỡ, hẹn hò tình tứ với nhau…

Khi đêm xuống, trăng lên, Già làng làm lễ đọc lời khấn cầu trời đất phù hộ cho dân bản sống yên lành, làm ăn no đủ, mùa màng bội thu… Sau khi phần lễ kết thúc, là lúc tiếng trống hội mở màn vang lên.

Mọi người bắt đầu xúm lại với những ché rượu cần, rượu hiên. Những thanh niên khỏe mạnh giành nhau dùi và trổ tài đánh trống mạnh, đánh trống nhanh. Trống phải đánh cho kỳ thủng trước khi trời sáng mới thôi, trời đất mới chứng giám cho lòng thành của mọi người, trong năm tới mới được mùa màng.

Lễ hội đập trống là lễ hội lớn nhất trong năm của người Ma - Coong mang đậm màu sắc tín ngưỡng phồn thực trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Thanh Hà

Từ khóa: Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia sông Kiến Giang Lễ hội Đập trống Lễ hội đua bơi thuyền người Ma-Coong

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/quang-binh-co-them-2-le-hoi-duoc-cong-nhan-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-post311074.info