Quảng bá văn hóa thông qua văn chương

Ngày 16/2, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV và Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III.

Đến dự chương trình có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước và đông đảo các nhà văn, nhà thơ trong nước và quốc tế.

Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Quang Quyết.

Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Quang Quyết.

Đồng hành với đất nước

Phát biểu khai mạc Hội nghị, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh: “Gần 20 năm đã trôi qua kể từ Hội nghị Quảng bá Văn học Việt Nam lần thứ nhất năm 2002, đã có thêm nhiều tác phẩm văn học của Việt Nam được dịch, xuất bản tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, và được đón nhận một cách trân trọng. Trong đó có nhiều tác phẩm được tặng giải thưởng tại các Hội chợ sách quốc tế hoặc của nhà xuất bản, các tổ chức văn học quốc gia”. Nhiều tạp chí văn học lớn của thế giới ra số đặc biệt về văn học Việt Nam. Thêm nhiều giáo trình về văn học Việt Nam được giảng dạy ở các trường Đại học lớn trên thế giới. Số sách văn học Việt Nam trong các trường Đại học lớn của nhiều nước tăng nhanh với tốc độ đáng vui mừng.

Cũng theo nhà thơ Hữu Thỉnh, song song với các hoạt động dịch thuật và xuất bản, việc trao đổi các đoàn thăm và viết về đất nước của nhau diễn ra sôi nổi, hiệu quả cao. Trong số họ có nhiều cựu chiến binh Mỹ và Hàn Quốc từng tham chiến tại Việt Nam. Họ trở lại Việt Nam lấy thêm tư liệu cho những cuốn hồi ký, những tập truyện ngắn, thơ, tiểu thuyết… chia sẻ những đau thương mất mát không gì bù đắp được của nhân dân Việt Nam. Những giọt nước mắt thành thực và khẩn thiết đó kêu gọi toàn thế giới hãy làm tất cả những gì có thể làm được, không để cho tội ác lặp lại ở bất cứ đâu. Tất cả những cố gắng đó có thể xem như một cuộc xuống đường thời bình ủng hộ Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng nhấn mạnh: ngày nay văn học Việt Nam đang từng ngày đổi mới để phán ánh sâu sắc hiện thực đất nước và khám phá chiều sâu của con người Việt Nam hiện đại đang đồng hành với nhân loại trong một thế giới phẳng, đồng thời vẫn gắn bó bền chặt với những giá trị nguồn cội của dân tộc, làm nên tính đặc thù, những giá trị bổ sung làm giàu cho thế giới. Để làm được việc đó, đương nhiên là rất khó. Cái khó cố hữu là bức tường ngôn ngữ. Phương án lý tưởng là dịch trực tiếp từ tiếng Việt sang ngôn ngữ khác. Công việc này cần phải có sự đào tạo công phu lâu dài. Tiếp theo đó là việc huy động các nguồn lực, sự đầu tư của Nhà nước, sự huy động trí tuệ, tài năng của những chuyên gia bậc cao và cuối cùng còn mang tính thị hiếu bạn đọc ở các quốc gia khác nhau. Tất cả liên quan đến một chiến lược văn hóa lâu dài.

“Trong khi chờ đợi và để giành lại thời gian đã mất, Hội Nhà văn Việt Nam thông qua công việc của Trung tâm Dịch thuật đang xây dựng một kế hoạch dài hạn cho việc chọn dịch các tác phẩm văn học ra tiếng Anh làm trung gian chuyển ngữ sang nước khác. Chúng tôi đã bắt đầu khởi động công việc khó khăn này ngay từ Hội nghị này với việc chuyển tiếp đến bạn bè quốc tế 4 ấn phẩm gồm Khái quát Mười thế kỷ văn học Việt Nam; tuyển tập thơ hiện đại Sông núi trên vai; tuyển tập truyện ngắn Một loài chim trên sóng và một chuyên đề Nhà văn và tác phẩm - nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ.

Cầu nối văn hóa

Có thể nói trong những năm qua văn học Việt Nam đã có những bước tiến dài với hàng loạt giải thưởng quốc tế. Năm 2018 chứng kiến nhà văn Bảo Ninh nhận Giải thưởng Văn học châu Á ở Hàn Quốc; ông tiếp tục được vinh danh với tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh từng được dịch sang tiếng Hàn (Giải thưởng Văn học châu Á - Asian Literature Award) trong khuôn khổ Liên hoan Văn học châu Á lần thứ hai, được tổ chức ở Gwangju, Hàn Quốc; rồi vào tháng 9/2018 nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được trao giải thưởng văn họcnhững đóng góp của tác giả với văn chương quốc tế; tác phẩm Cánh đồng bất tận (được Endlose Felder dịch sang tiếng Đức) của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được trao giải thưởng Literaturpreis 2018 do Litprom, Hiệp hội quảng bá văn học châu Á, châu Phi và Mỹ Latin ở Frankfurt (Đức) bình chọn.

Bước vào năm 2019, nhà xuất bản Riveneuve của Pháp xuất bản tiểu thuyết Trí nhớ suy tàn của nhà văn Nguyễn Bình Phương, bản dịch do Emmanuel Poisson, một nhà nghiên cứu người Pháp, thực hiện. Đây là tiểu thuyết thứ hai của Nguyễn Bình Phương được dịch và in tại Pháp sau tiểu thuyết Thoạt kỳ thủy, dịch và in năm 2014, bản dịch của dịch giả Đỗ Danh Thành…

Không chỉ dừng lại ở các giải thưởng, trong những năm qua danh mục các tác phẩm văn học Việt Nam xuất khẩu cũng đang có nhiều tín hiệu khởi sắc. Ngoài tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh đã được dịch và xuất bản ở 20 quốc gia, thì những Mắt biếc, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Mình và họ… đã cho thấy ngày càng rõ con đường hội nhập nền văn chương thế giới của văn chương tiếng Việt.

Để có những bước tiến trên, xin ghi nhận những cái “bắt tay” liên kết giữa Hội Nhà văn Việt Nam, các đơn vị xuất bản với đại diện các hiệp hội văn học của các nhiều quốc gia. Ở đó, theo GS.TS Gunter Giesenfeld, Chủ tịch Hội Hữu nghị Đức - Việt cho biết, với những người Việt Nam sống ở nước ngoài, văn học Việt Nam thực sự là cơ hội để họ hiểu biết về quê hương mình. Không chỉ là văn hóa và giá trị nghệ thuật mà xa hơn thế là khả năng để sẻ chia số phận, câu chuyện của người dân sống trong nước, cảm nhận được hoàn cảnh của họ cùng với những lo sợ và hy vọng về thời kỳ của chúng ta. Cần hình thành cầu nối giao lưu tình cảm những trao đổi kinh nghiệm song hành mà nó có thể dẫn đến tình hữu nghị với những người phía đối lập giữa nhân dân các châu lục khác nhau.

Cũng theo Chủ tịch Hội Hữu nghị Đức - Việt, quan hệ giữa hai Hội đã có những cơ sở và phát triển tốt đẹp. Chúng tôi đã dịch và xuất bản được 8 cuốn sách, cuốn sách mới nhất là truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. Bản dịch này được ra đời nhân dịp Hội Chợ sách Frankfurt năm 2018. Đây là sự kiện rất lớn ở Đức để chúng tôi giới thiệu và quảng bá văn học Việt Nam. “Với những tác giả chúng tôi đã dịch và xuất bản thành sách, chúng tôi đã tổ chức các tour đi đến nhiều thành phố của nước Đức tổ chức gặp gỡ bạn đọc. Theo đó hàng trăm bạn đọc ham mê văn học Việt Nam đã có dịp tiếp xúc với các tác giả Việt Nam, thêm yêu đất nước và nền văn học Việt Nam” - GS.TS Gunter Giesenfeld cho biết thêm.

Mặc dù ghi nhận những chuyển biến tích cực, nhưng theo nhiều đại biểu quốc tế tham dự hội nghị, việc quảng bá vẫn còn nhiều hạn chế, số lượng các tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài còn ít. Trong đó, GS.TS Ahn, Kyong – hwan, Đại học Chosun (Hàn Quốc) cho biết tác phẩm văn học của Việt Nam đã được giới thiệu sang Hàn Quốc hiện nay vẫn còn ít cũng như văn học của Hàn Quốc vẫn chưa được giới thiệu nhiều tại Việt Nam. Điều đó nói lên lý do lớn nhất chính là sự thiếu quan tâm của người dân của hai quốc gia.

Ở đó, theo GS Ahn thì quan hệ giao lưu giữa hai nước chính thức được bắt đầu từ năm 1992, nhưng giao lưu văn hóa chưa xứng tầm. Chưa có nhiều chuyên gia người Việt Nam về Hàn Quốc là một hiện thực. Trong một thời gian ngắn khó có thể bổ sung nhân lực chuyên môn về biên dịch tiếng Hàn. Do đó, với nỗ lực nhằm cải thiện và nâng cao đội ngũ chuyên gia biên dịch tiếng Hàn thì cần không ngừng nuôi dưỡng, phát hiện những người học chuyên ngành tiếng Việt có tố chất văn học, bao gồm cả những người Việt Nam đang sinh sống tại Hàn Quốc.

“Về sau này cần thành lập những cơ quan như Viện Biên dịch Văn học Việt Nam để khai mở hoạt động chi viện cho việc dịch và xuất bản các tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng nước ngoài. Với phương pháp đó có thể giới thiệu rộng rãi tác phẩm văn học ưu tú của Việt Nam ra nước ngoài, thông qua các tác phẩm văn học để giới thiệu văn hóa Việt Nam đến người nước ngoài là một phương pháp hiệu quả nhất” - GS.TS Ahn, Kyong – hwan đề xuất.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/quang-ba-van-hoa-thong-qua-van-chuong-tintuc429869