Quảng bá thương hiệu trên thương mại điện tử: Cánh cửa cho doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới

Thực hiện tốt vai trò kết nối giao thương, hỗ trợ đào tạo kỹ năng xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã giúp nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước xuất khẩu thành công thông qua kênh thương mại điện tử (TMĐT), qua đó giúp tăng cường quảng bá thương hiệu Việt.

Từ những câu chuyệnthành công

Andre Gift Shop vẫn luôn được nhắc tới như một điển hình thành công trong mô hình bán hàng trực tuyến. Chia sẻ về "trái ngọt" sau khi tiếp cận với phương thức bán hàng này, chị Nguyễn Xuân Chiêu Hân - CEO của Andre Gift Shop - cho hay, năm 2013, Andre Gift Shop đã tìm thấy cơ hội đưa sản phẩm ra toàn thế giới với Amazon Global Selling (Amazon). Mặc dù thời điểm này, TMĐT chưa thật sự bùng nổ tại Việt Nam nhưng Amazon đã là cái tên được cả thế giới biết đến. Chỉ sau một thời gian ngắn, Andre Gift Shop đã phát triển mạnh, mở rộng quy mô sản xuất lên đến 300 m2 với 35 nhân viên. Doanh số đạt được từ Amazon hiện chiếm 50% trong bán hàng trực tuyến của công ty.

Nâng cao kỹ năng cho doanh nghiệp khi kinh doanh trên TMĐT

Nâng cao kỹ năng cho doanh nghiệp khi kinh doanh trên TMĐT

Cũng là một doanh nghiệp thủ công "handmade" thành danh trong bán hàng trực tuyến, chỉ sau một năm lên sàn Amazon, doanh thu của Ecomstone đã tăng hơn 150%. Hiện 90% doanh thu của công ty đến từ kênh này. Tony Triệu - Chủ của Ecomstone - chia sẻ, vốn từng kinh doanh trên kênh TMĐT, anh đã nảy ra ý tưởng bán hàng xuyên biên giới dựa trên kênh này và đã chọn Amazon. Dù thời điểm ban đầu có quá nhiều khó khăn khi doanh nghiệp nhỏ, vốn ít, non kinh nghiệm, thiếu kiến thức về thị trường quốc tế, rào cản ngôn ngữ... tuy nhiên bằng sự quyết tâm, kiên trì học hỏi, Ecomstone dần khẳng định uy tín với người tiêu dùng và đứng vững trên Amazon.

Ecomstone và Andre Gift Shop là 2 trong số các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam thành công trên Amazon. Với lượng khách hàng khổng lồ, Amazon không chỉ là mảnh đất màu mỡ mà còn là cánh cửa cho các doanh nghiệp Việt vươn ra thị trường thế giới. Có thể thấy TMĐT là kênh xuất khẩu cũng là kênh quảng bá hàng hóa thương hiệu Việt ra thị trường thế giới một cách hiệu quả, đặc biệt phù hợp với các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính không lớn. Tuy vậy, số doanh nghiệp có thể tận dụng được kênh phân phối này tại Việt Nam không nhiều. Số liệu từ Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, đến nay mới có khoảng 11% doanh nghiệp Việt Nam tham gia các sàn TMĐT, 35% doanh nghiệp thiết lập được quan hệ với đối tác nước ngoài thông qua kênh trực tuyến. Con số này vẫn quá nhỏ so với hơn 700.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Nguyên nhân chủ yếu do kỹ năng ứng dụng TMĐT của doanh nghiệp còn hạn chế, hạ tầng công nghệ thông tin của doanh nghiệp chưa phát triển; chưa biết đến các cách thức, công cụ marketing, quảng bá thương hiệu hiệu quả; gặp rào cản về ngôn ngữ…

Đến giải pháp thiết thực

Nhằm giúp doanh nghiệp trong nước khắc phục nhược điểm này, đồng thời tăng cơ hội xuất khẩu, thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại đã tiếp tục tham mưu, đề xuất xây dựng, điều chỉnh các cơ chế, chính sách về xúc tiến thương mại để phù hợp với yêu cầu phát triển ngoại thương; xúc tiến xuất khẩu trong bối cảnh thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương hiệu Việt thông qua môi trường TMĐT và các nền tảng công nghệ số. "Phát triển thương mại trên các sàn giao dịch TMĐT lớn là một trong những cách nhanh nhất để các doanh nghiệp có thể xây dựng thương hiệu riêng và tiếp cận khách hàng, từ đó thúc đẩy các kênh bán hàng khác tới thị trường toàn cầu" - ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - nhấn mạnh.

Mặt hàng thủ công của doanh nghiệp việt ngày càng xuất hiện nhiều trên TMĐT

Bên cạnh đó, Cục Xúc tiến thương mại đã hợp tác với Amazon Global Selling (Amazon) triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Việt hiểu và biết cách bán hàng, cũng như tận dụng các công cụ quảng bá trên Amazon. Nói về kế hoạch này, ông Trần Xuân Thủy - Đại diện Amazon Việt Nam - từng cho biết: Amazon là giải pháp tốt cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình. Bên cạnh đó, việc làm thương hiệu theo cách truyền thống quá khó khăn do đòi hỏi nguồn đầu tư lớn cho marketing, chuỗi phân phối nên cách đơn giản nhất là dùng TMĐT. Chúng tôi sẽ lấy kinh nghiệm từ mô hình đào tạo thành công ở quốc gia khác xây dựng modun đào tạo phù hợp cho doanh nghiệp Việt Nam nhằm nâng cao kỹ năng cho mỗi doanh nghiệp khi kinh doanh trên TMĐT.

Ông BernardTay - Giám đốc Amazon Global Selling khu vực Đông Nam Á:
Với năng lực sản xuất hàng đầu, kết hợp với nguồn lực từ khắp thế giới của Amazon, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phát triển và xây dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quang-ba-thuong-hieu-tren-thuong-mai-dien-tu-canh-cua-cho-doanh-nghiep-viet-vuon-ra-the-gioi-127829.html