Quảng bá du lịch Quảng Bình ra thế giới trên Youtube và Google Arts & Culture

Ngày 25-6, thông tin từ Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Google triển khai chiến dịch quảng bá các điểm đến du lịch hàng đầu tại Quảng Bình, miền Trung trên nền tảng video lớn nhất thế giới Youtube và thư viện văn hóa nghệ thuật trực tuyến hàng đầu thế giới Google Arts & Culture.

Ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết: Sở Du lịch Quảng Bình vừa trở thành đối tác đầu tiên của Việt Nam ký kết hợp đồng với Google Arts & Culture. Đồng thời tỉnh là đại diện, làm đầu mối cho các tỉnh, thành phố gồm Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và phối hợp với Google Châu Á - Thái Bình Dương triển khai chiến dịch quảng bá du lịch, văn hóa được xem là chương trình trọng tâm của Google tại Việt Nam trong năm nay.

“Sở Du lịch Quảng Bình vinh dự trở thành một trong khoảng 2.000 đối tác đặc biệt của Google Arts & Culture trên toàn thế giới. Đây là một sự kiện lớn và có ý nghĩa quan trọng; từ đây, hình ảnh, vẻ đẹp của đất nước, văn hóa, con người Quảng Bình nói riêng, Việt Nam nói chung sẽ được quảng bá rộng rãi ra thế giới. Xuất phát từ tài nguyên và hình ảnh du lịch Quảng Bình cũng sẽ giúp Google Arts & Culture trở nên hấp dẫn, sống động, thu hút thêm các đối tượng khai thác, truy cập trên toàn thế giới”, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình Hồ An Phong chia sẻ thêm.

Được biết, nền tảng kỹ thuật số Google Arts and Culture có khoảng 370 triệu lượt xem từ hơn 66 triệu người dùng khắp nơi trên thế giới, với khoảng 2.000 đối tác toàn cầu từ hơn 80 nước trên thế giới. Trong đó trưng bày hơn 11.500 bộ ảnh triển lãm và tua du lịch nhập vai cùng hơn 6 triệu cổ vật.

Mỗi tháng, có hơn 500 triệu lượt tìm kiếm liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật trên Google. Còn YouTube là nền tảng video trực tuyến hàng đầu hiện nay, với hơn 1,9 tỉ người dùng và là nguồn thông tin quan trọng cho 57% khách du lịch toàn cầu.

Võ Dung

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/quang-ba-du-lich-quang-binh-ra-the-gioi-tren-youtube-va-google-arts-culture-550733/