Quảng bá du lịch qua điện ảnh - con đường hiệu quả nhất

Nhiều địa điểm, vùng đất đã trở nên nổi tiếng khi được lựa chọn làm bối cảnh cho phim. Từ nhận thức này, các địa phương cũng chủ động đẩy mạnh thông qua nghệ thuật thứ bảy để khai thác 'mỏ vàng' di sản.

Điện ảnh góp công quảng bá di sản Huế

Truyền hình Studio Lambert Associates (Anh) và Đài truyền hình NHK (Nhật Bản), Công ty CyArt (Mỹ), Trung tâm kỹ thuật số DAC (Hàn Quốc)... chọn Huế làm phim trường cho các bộ phim nổi tiếng. Đông Dương là phim nước ngoài đầu tiên được quay trong cung điện, lăng tẩm thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế từ những năm 1990. Sau khi công chiếu tại Pháp năm 1992, bộ phim đã đoạt giải Oscar (dành cho phim nói tiếng nước ngoài), khiến lượng khách du lịch châu Âu, đặc biệt là khách Pháp, đến Việt Nam tăng đột biến.

Phim trường "Kong: Đảo đầu lâu" ở Ninh Bình. Nguồn: Yeudulich.com

Phim trường "Kong: Đảo đầu lâu" ở Ninh Bình. Nguồn: Yeudulich.com

Cô gái trên sông của Đặng Nhật Minh, Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam 1987, là phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam với 100% bối cảnh quay tại Huế. Gần đây, nhiều đạo diễn tiếp tục chọn Huế làm bối cảnh như Gái già lắm chiêu 3, Gái già lắm chiêu 4, Gái già lắm chiêu 5 của Trần Nguyễn Bảo Nhân, NamCito, Kiều của Mai Thu Huyền, hay Mắt biếc của Victor Vũ... mang đến cảm xúc thi vị cho người xem.

Chỉ ra điều này tại Hội thảo "Điện ảnh - Kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa", sáng 10.11, trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, TS. Phan Thanh Hải đề cao vai trò của điện ảnh đã đồng hành quảng bá, thu hút khách du lịch đến Huế. Huế là vùng đất đặc sắc với gần 1.000 di tích, 7 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu đã được UNESCO ghi danh. Tiềm năng di sản này được du khách trong và ngoài nước biết đến, một phần nhờ điện ảnh.

"Từ những tác phẩm điện ảnh có bối cảnh tại Huế, nhiều người ngỡ ngàng, thích thú khi chứng kiến hình ảnh quá đỗi quen thuộc từ những địa danh nổi tiếng như đền đài, lăng tẩm, chùa chiền cho đến những không gian thơ mộng, lãng mạn của Huế qua góc quay mới lạ, ấn tượng. Mỗi góc quay đẹp về Huế đều để lại trong lòng người xem không chỉ sự mến mộ mà còn tạo được dấu ấn về địa danh, một vùng đất với danh lam thắng cảnh mà qua phim ảnh ai cũng muốn tìm đến", TS. Phan Thanh Hải nói.

Không bỏ ngỏ tiềm năng

Mỗi công cụ khi quảng bá giá trị văn hóa dân tộc đều có ưu, nhược điểm riêng, nhưng trong giai đoạn hiện nay, điện ảnh có phần nổi trội và hiệu quả hơn. Lượng du khách tìm đến với vùng đất, địa điểm, di sản văn hóa gắn với phim điện ảnh nào đó sau khi được công chiếu ngày một tăng, kéo theo các dịch vụ du lịch.

Từ nhận thức này, các địa phương cũng chủ động đẩy mạnh thông qua nghệ thuật thứ bảy để khai thác "mỏ vàng" di sản. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình Nguyễn Mạnh Cường cho biết, Ninh Bình được nhiều nhà làm phim trong nước và quốc tế chọn làm bối cảnh cho các bộ phim nổi tiếng như Người Mỹ trầm lặng (2002), Kong: Đảo đầu lâu (2017), Tấm Cám: chuyện chưa kể (2016)…

"Ninh Bình xác định quảng bá di sản, văn hóa, danh thắng của địa phương qua điện ảnh là con đường hiệu quả nhất. Bởi vậy, mong muốn với tiềm năng, thế mạnh, Ninh Bình sẽ tiếp tục đón nhận sự quan tâm của các hãng phim trong nước và quốc tế và cam kết tạo điều kiện tối đa cho các đoàn làm phim về với Ninh Bình" - ông Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh.

Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng được như Thừa Thiên Huế hay Ninh Bình. Sở hữu di sản thiên nhiên cùng giá trị trầm tích văn hóa đã ghi danh vào bản đồ du lịch, song Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa Nguyễn Văn Thiện cho biết, đến giờ, chưa có tác phẩm điện ảnh cũng như tác phẩm văn học nghệ thuật thể hiện chiều sâu của di sản văn hóa Khánh Hòa. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang Ma Thị Thao thừa nhận: "Dù cố gắng phát triển điện ảnh kết nối với di sản, du lịch, song ngành điện ảnh trong tỉnh còn nhiều hạn chế"...

Để không bỏ ngỏ tiềm năng quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua điện ảnh, TS. Phan Thanh Hải chia sẻ kinh nghiệm và nỗ lực của Huế: "Chúng tôi tạo thuận lợi, thu hút đoàn làm phim đến Huế bằng nhiều cơ chế, chính sách. Chẳng hạn như chính sách hỗ trợ kinh phí cho các đoàn làm phim thông qua hình thức miễn giảm vé vào các di tích, chi phí lưu trú, sử dụng bối cảnh miễn phí... Đặc biệt là chính sách thu hút các nhà đầu tư lớn nghiên cứu, xây dựng phim trường chuyên nghiệp bên cạnh các phim trường tự nhiên để khai thác một cách bền vững thế mạnh này".

Hải Đường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/quang-ba-du-lich-qua-dien-anh---con-duong-hieu-qua-nhat-i307063/