Quân y Sư đoàn 2 giúp dân trị dịch sốt xuất huyết

QĐND -Theo thống kê của các cơ quan chức năng, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Tây Nguyên có hơn 16.400 lượt người bị sốt xuất huyết (SXH).

Trong đó Gia Lai là một trong những địa phương dịch SXH bùng phát mạnh, với hơn 6.200 ca bệnh. Trước tình hình đó, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 2 (Quân khu 5) chỉ đạo lực lượng quân y đẩy mạnh công tác phòng, chống SXH trong đơn vị và giúp ngành y tế địa phương dập dịch, thu dung điều trị bệnh nhân trên địa bàn.

Trao đổi với Thượng tá Lê Thái Sơn, Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 2, chúng tôi được biết: Trên địa bàn đơn vị đóng quân, ở giai đoạn chuyển mùa, mưa nắng thất thường, người dân chủ quan nên dịch SXH bùng phát. Để bảo đảm sức khỏe bộ đội và nhân dân trên địa bàn, Phòng Hậu cần đã nghiên cứu, dự báo về các bệnh truyền nhiễm nói chung, bệnh SXH nói riêng, chỉ đạo quân y các đơn vị, nhất là bệnh xá sư đoàn (Tiểu đoàn Quân y 24) chú trọng làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh (PCDB) cho bộ đội và nhân dân. Đến nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị đều kiểm soát chặt chẽ, không để SXH bùng phát thành dịch; toàn sư đoàn có 12 chiến sĩ bị sốt được cách ly và điều trị kịp thời, dứt điểm. Công tác phát hiện, cứu chữa và tuyên truyền để bộ đội và người dân địa phương nâng cao ý thức PCDB được lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị triển khai kịp thời với nhiều biện pháp tích cực.

 Cháu Trần Mai Trang được các bác sĩ Bệnh xá Sư đoàn 2 khám bệnh.

Cháu Trần Mai Trang được các bác sĩ Bệnh xá Sư đoàn 2 khám bệnh.

Chúng tôi đến Bệnh xá Sư đoàn 2 đã gần 11 giờ, tiết trời oi nồng, nắng nóng rất khó chịu. Tại phòng khám và cấp cứu ban đầu, vẫn còn rất nhiều người chờ tới lượt khám bệnh. Bà Mai Thị Ninh (60 tuổi) ở thôn 2, xã Thành An, thị xã An Khê (Gia Lai) chia sẻ: "Đã 3 tháng nay, trên địa bàn số người bị SXH tăng đột biến. Bà con rất lo lắng, vì đang mùa thu hoạch hoa màu mà bị SXH thì không có người làm, nguy cơ gây thất thu rất cao. Chỉ hơn tháng nay, gia đình tôi đã có hai người bị sốt rồi. Bây giờ đến lượt tôi".

Tại phòng điều trị bệnh, chị Ngô Thị Thúy Hằng (38 tuổi) ở phường An Tân, thị xã An Khê cho biết: "Cháu Trần Mai Trang (11 tuổi), bị SXH đã 5 ngày. Gia đình đã đưa cháu đi khám và cho uống thuốc theo đơn, nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Lo cho sức khỏe của cháu, tôi đưa cháu đến Bệnh xá Sư đoàn 2 để được các bác sĩ thăm khám. Qua mấy ngày điều trị tại đây, bệnh tình cháu đã thuyên giảm nhiều".

Bệnh xá Sư đoàn 2 tương đương với bệnh viện hạng 3 cấp huyện. Thực hiện quy định “thông tuyến bảo hiểm y tế”, nên thời gian qua ngoài thu dung điều trị bệnh cho cán bộ, chiến sĩ, thì người dân trên địa bàn đơn vị đứng chân cũng đến bệnh xá khám, điều trị rất đông. Cao điểm có ngày phòng khám đơn vị tiếp nhận hơn 200 người dân đến khám, điều trị. Trong lúc đó, bệnh xá chỉ được biên chế 10 bác sĩ, trang bị 50 giường bệnh. Bệnh xá quá tải, đội ngũ y sĩ, bác sĩ mỗi người phải làm việc bằng hai. Để giải quyết tình trạng này, đơn vị làm tốt công tác tư tưởng với tinh thần “tất cả cho bệnh nhân, vì cuộc sống người dân”, “Lương y phải là như từ mẫu”, đồng thời báo cáo xin cấp trên tận dụng sàn nhà kê thêm giường để phục vụ bệnh nhân. Quá trình khám, điều trị luôn đề cao y đức và thực hiện thái độ ứng xử chuẩn mực với người bệnh.

Đại úy Nguyễn Công Toàn, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Quân y 24 (Bệnh xá Sư đoàn 2), cho biết: "Từ đầu năm đến nay, nhất là khi dịch SXH bùng phát trên diện rộng, bệnh nhân đến khám và điều trị tại đơn vị tăng đột biến. Ngoài tiếp nhận điều trị bệnh cho cán bộ, chiến sĩ, đơn vị đã tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị cho hàng trăm người dân mắc SXH. Để làm tốt công tác tiếp nhận, phân loại, nâng cao khả năng cấp cứu, thu dung điều trị bệnh nhân và tư vấn cho người bệnh, chúng tôi đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn về điều trị SXH cho bác sĩ, nhân viên y tế. Bố trí cán bộ quân y trực thường xuyên nắm tình hình dịch sốt trên địa bàn, thống nhất phác đồ điều trị và các biện pháp xử lý. Cùng với đó, đơn vị còn chủ động kết hợp với chính quyền địa phương, trạm y tế xã, tuyên truyền cho nhân dân về phòng, chống dịch SXH, tiến hành khoanh vùng dịch, phun hóa chất và ra quân dọn dẹp vệ sinh, phá các chỗ nước đọng không cho bọ gậy, loăng quăng sinh sôi phát triển. Chuẩn bị cơ số thuốc đầy đủ, sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân SXH nhanh nhất, hiệu quả nhất".

Bài và ảnh: QUANG HỒI - ANH SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/quan-y-su-doan-2-giup-dan-tri-dich-sot-xuat-huyet-597569