Quán xôi vỉa hè doanh thu gần 300 triệu tháng ở Đà Nẵng

Hơn 30 năm gắn bó với nồi xôi nghi ngút khói nếp, thơm phức giữa lòng thành phố Đà Nẵng, quán xôi Bà Bé không chỉ mang lại kế sinh nhai, làm giàu cho chính chủ nhân mà còn là thứ quà sáng dân dã với doanh thu gần 300 triệu đồng/tháng.

Độ “hot” của quán xôi Bà Bé

Đà Nẵng tờ mờ sáng, con đường Ngô Gia Tự vốn ít lượng xe lưu thông, đầy vẻ trầm mặc, thời điểm này lại nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Tiếng bát đũa va vào nhau, tiếng di chuyển bàn ghế,... cùng với mùi của đồ ăn cứ thế xông vào đường khí quản, khiến người ta “giã từ” luôn cơn buồn ngủ. Giữa vô vàn hương bay đó, mùi thơm nếp mới hòa quyện với mỡ hành, gà xé, chả.... “lọt” ra ngoài từ nồi xôi của gì Hồ Thị Bé (SN 1956, trú quận Hải Châu) vẫn luôn khiến cả một góc phố “nôn nao” nhất...

Xôi Bà Bé - cái tên gọi thân thương như món ăn gì bán vậy. Đoạn đường Ngô Gia Tự có nguyên một dãy quán ăn, đủ các món bún, phở,... mà lạ kỳ quán xôi đối diện 27 Ngô Gia Tự của gì Bé khách ra vào nhiều hơn hẳn.

Chúng tôi ghé quán vào thời điểm gì Bé đang tất bật dọn hàng, chuẩn bị đón những vị khách đầu tiên.

Bà Bé cùng với thành viên trong gia đình đang tất bật dọn hàng, chuẩn bị đón những vị khách đầu tiên.

Bà Bé cùng với thành viên trong gia đình đang tất bật dọn hàng, chuẩn bị đón những vị khách đầu tiên.

Mặc dù còn 20p nữa mới chính thức bán, nhưng một vài bàn đã có khách ngồi ăn sáng. Thấy có khách tới, gì Bé cười tươi thay cho lời chào. “Hai bé dễ thương, ăn xôi chi con, có xôi gà xé, chả, sườn, giăm bông, trứng non, trứng chiên, lòng mề gan luộc... có đủ cả con!” – thấy mặt chúng tôi lạ nên gì giới thiệu luôn bằng chất giọng trầm ấm, pha lẫn chút nhẹ nhàng của Huế.

Nghe thiên hạ đồn ở đây xôi gì cũng ngon, nhưng ngon nhất và đáng thử nhất là xôi gà xé. Chưa đầy 1p sau, hai đĩa xôi vàng ươm đã yên vị trên bàn. Đĩa xôi ngoài gà được xé ra từng sợi mỏng còn có thêm hai quả trứng cút, thêm một ít hành khô, thêm rau, rưới lên một lớp nước sốt me ớt chua ngọt... Uống cùng thêm cả sữa đậu nành, đậu xanh mát lạnh. Chỉ mới nhìn thôi đã thèm rồi chứ nói chi đến thưởng thức.

Đĩa xôi vàng ươm, gà được xé ra từng sợi mỏng còn có thêm hai quả trứng cút, thêm một ít hành khô, thêm rau, rưới lên một lớp nước sốt me ớt chua ngọt...

Ngoài xôi gà xé còn có xôi chả, sườn, giăm bông, trứng non, trứng chiên, lòng mề gan luộc,...

“Từ nhà tới chỗ làm có biết bao nhiêu là quán xôi, tôi cũng đã thử mấy quán kia rồi, nhưng không hiểu sao vẫn kết nhất quán xôi này. Về độ ngon thì không phải bàn cãi, nếp dẻo, mềm, đồ ăn kèm thấm, không mặn quá cũng k nhạt quá, thêm ít rau răm lạ miệng,... không tin chị ăn đi rồi biết đảm, bảo nhớ mãi không quên”, vừa thưởng thức đĩa xôi gà thơm phức chị Trần Minh Hà (trú quận Hải Châu) vừa khoe với vẻ mặt đầy mãn nguyện.

Đồng hồ điểm 6h, khách bắt đầu đông dần cũng xuất hiện thêm 4,5 người nhân viên nữa. Hỏi chị khách ngồi bàn bên cạnh mới biết, hóa ra mấy người kia là con cháu trong nhà gì Bé được điều động tới phụ một tay. Chị có dáng người nhỏ nhắn, gương mặt rạng rỡ đứng bán chính cạnh gì Bé là cô con dâu út, chị gái của gì. Cô trung trung tuổi xới xôi là chị gái gì. Chị con gái đầu đóng hộp cho khách mang về, hai đứa cháu đứa rót nước đứa bưng đồ ăn cho khách. Còn hai người đứng vừa thu tiền miệng vừa liên tục thông báo món khách gọi cho người phía trong: “Hai xôi gà, không hành, ít nước cho khách bàn số 3 nha!”, “Xôi chả, trứng suất 25 với sữa đầu nành cho bàn 5 nha!” là hai anh con rể thứ đầu của gì.

Vì là quán ngồi vỉa hè chỗ ngồi hơi ít, phần lớn là khách mua về. Lượt khách này vừa tấp xe vào lề chưa rời đi, lượt khác đã tới nối đuôi nhau thành một hàng dài. Quán đông, khách mua ai cũng vội nhưng chẳng hối nhau, mọi người kiên nhẫn đứng chờ đến lượt mình.

Quán vừa dọn hàng ra, đã có ngay những vị khách đầu tiên tới dùng bữa...

“Quán xôi này là số 1 đấy. Mình đang vội đưa con tới trường, nhưng vẫn cố chờ thêm 1,2 phút để mua được hai suất cho hai bố con, cũng phải thông cảm vì quán đông người mua quá!”, anh Đậu Quang Huy chia sẻ.

“Một xôi trứng vàng ưởi vàng ươi, một người nâng đĩa, mười người muốn ăn cho chị xinh đẹp mang về nha!”. Dù công việc bận rộn, đến cả uống ngụm nước cũng uống vội nhưng chàng rể đầu của gì vẫn rất vui tính, nhiệt tình, nói chuyện đùa giỡn với khách trong lúc họ chờ mua xôi.

Không khí bán hàng gấp gáp, khẩn trương nhưng chưa một lần họ quên đồ khách gọi, đưa nhầm món. Không thành viên nào tỏ ra bận bịu, hay cáu gắt ngay cả với những vị khách khó tính... khiến người nào có “thay lòng, đổi dạ”, lỡ một hôm đi ăn món lạ thì ngay ngày hôm sau lại quay về thưởng thức cho đỡ nhớ.

”Số trời đã an bài”

Tới gần 9h, thấy gì Bé ngồi cầm cốc nước chậm rãi uống, biết khách vãn rồi, chúng tôi mới dám mon men tới nghe gì tâm sự. “ Cuộc đời tôi cũng có chi để kể mô, bắt đầu bán xôi từ năm 1984, mới đó đã hơn phân nửa đời gắn bó với nồi xôi rồi”.

Nói thế nhưng gì vẫn thủ thỉ, bước sang tuổi 18, khi bạn bè còn đang vui chơi, theo đuổi ước mơ thì gì từ bỏ mọi chuộc chơi, quyết định lấy chồng. Sau khi lấy chồng và lần lượt sinh được ba cô con gái thì quyết định xin phép bố mẹ ra ở riêng. Cuộc sống tự lập ban đầu khá vất vả. Gì ở nhà chăm con nhỏ, quán xuyến việc gia đình, tất cả mọi chi phí sinh hoạt đều trông vào đồng lương nhân viên nhà nước của chồng.

Hai năm sau chuyển ra ngoài ở, để gia đình có nếp có tẻ, vợ chồng bàn bạc “phấn đấu” sinh thêm cậu con trai út. Chồng bị kỷ luật, mọi thứ thêm lần nữa đảo lộn. Khó khăn chồng chất khó khăn. Nhìn chồng càng ngày càng tiều tụy, đi sớm về muộn, kiếm việc làm thêm mà vẫn không đủ trang trải cuộc sống khiến gì ngủ không yên giấc.

Hỏi về cơ duyên đến với nghề này, gì bật cười: “’Sinh con xong, tôi gần như trầm cảm vì lo lắng đủ thứ, sức khỏe chồng, con càng ngày càng lớn lấy gì cho mấy đứa học... Bế tắc vô cùng. Nhưng rồi chuyện gì cũng do ông trời an bài hết rồi, lúc chuyển ra sống riêng ở đường Lý Thái Tổ. May mắn ở chỗ “rơi” vô xóm xôi, ở đây có bao nhiêu hộ là tất cả đều sống bằng nghề bán xôi.”

Rồi cứ thế khách một lúc một đông dần lên

Và thế là, người con gái Vĩ Dạ ấy bén duyên với gánh xôi từ ấy. Nói về cảm giác những ngày đầu tiên bắt đầu với nghề, đôi mắt gì ánh lên niềm xúc động: “Ban đầu, do nấu chưa quen, nồi xôi hỏng lên hỏng xuống, lúc thì như cháo, lúc lại còn nguyên hạt nếp. Sau nhiều ngày phung phí bao nhiêu nếp, tôi cũng hoàn thành được một mâm xôi như ý. Buổi sáng ngày đầu tiên bắt đầu công việc, tôi hầu như thức trắng cả đêm. Háo hức mà lại lo lắng!”

Vì là quán ngồi vỉa hè chỗ ngồi hơi ít, phần lớn là khách mua về,...

Gì Bé kể tiếp: 1h sáng tôi đã dậy lục đục chuẩn bị, tỉ mỉ vò từng từ những hạt nếp thơm lừng đến tự tay rang muối mè, nạo dừa... Đến lúc nấu xong thì trời cũng sáng, nhờ chồng trông chừng con rồi đội xôi lên đầu đi bán. Lần đầu tiên trong đời tôi mới biết đến cảm giác buôn bán là như thế nào, ngại còn chỉ dám rao lí nhí trong cổ... Cũng không ngờ sau hai tiếng bán, thúng xôi cũng nhẹm dần, tôi lại lật đật chạy về trông con cho chồng đi làm.

Những ngày sau đó, những người dân sống quanh đường Lý Thái Tổ, Hùng Vương,... nhìn thấy dáng người phụ nữ nhỏ nhắn với thúng xôi dạo quanh cung đường ngõ hẻm. Càng ngày vị xôi của gì Bé nấu càng ngon lại thêm cái miệng nói chuyện khéo nên níu chân càng nhiều thực khách. Lúc đầu, gì chỉ bán mỗi ngày với số lượng 10kg nếp kèm thêm với một ít muối vừng, bữa sang hơn thì có thêm thịt, dăm bông... giá hữu nghị, 2 nghìn, 3 nghìn, 5 nghìn,.... sau gì tăng dần lên 20 – 30kg nếp...

Cảnh “buôn gánh bán bưng” của gì khá thuận lợi nhưng lại cũng không kém phần vất vả, ngày nắng còn đỡ chứ những lúc mưa bỗng nhiên đỗ xuống chạy trú cũng không kịp. Sau khi suy nghĩ tính toán, gì quyết định chọn vỉa hè trên đoạn đường Ngô Gia Tự buôn bán cố định. Từ đó đến nay, cũng ngót nghét gần 30 năm, hương vị thơm ngon đậm đà đã tạo nên thương hiệu “Xôi Bà Bé” nổi tiếng khắp Đà Nẵng.

Ngay từ thời gian ban đầu mới mở, quán này đã trở thành “đối thủ” cạnh tranh đáng gườm. “Bình quân mỗi ngày, mở cửa từ lúc 6h đến 9h sáng, quán tôi sử dụng hơn 80kg gạo nếp, gần 30kg thịt gà và 10kg thịt heo, trứng... cung cấp cho khách khoảng hơn 600 suất ăn, thế mà có hôm xôi hết, dọn hàng rồi khách vẫn tới hỏi liên tục, đành phải hẹn họ ngày mai quay lại nhất định sẽ để phần cho”. Gì Bé chia sẻ.

Thử làm một phép ước lượng đơn giản cho hơn 600 suất xôi giá bán dao động từ 12.000 - 25.000 đồng/suất. Giả định lượng tiêu thụ là ngang nhau, giá bán trung bình vào khoảng 15.000 đồng/suất, vậy doanh số mỗi ngày của cửa hàng này lên tới 9 triệu đồng (chưa kể đồ uống). Theo đó trừ mọi chi phí doanh thu mỗi ngày xấp xỉ đến 8 triệu đồng/ngày. Kiểu kinh doanh vỉa hè có lợi thế về chi phí thuê mặt bằng, vốn ít ỏi và ít tốn nhân công, chỉ cần vài tiếng đồng buổi sáng lại hốt cả gần chục triệu mỗi ngày như thế này là điều khiến nhiều anh, chị, em dân văn phòng cũng phải “ganh tỵ”.

Với số tiền ấy, nhờ chắt chiu tiết kiệm, từ hai bàn tay trắng, vợ chồng gì Bé đã nuôi 4 người con trưởng thành, cho ăn học bằng bạn bằng bè. Đến lúc, các con lập gia đình, vợ chồng gì cũng chắt góp mua xe, đất, xây nhà từ quán xôi nếp vỉa hè này.

Thương hiệu “xôi Bà Bé” sẽ còn mãi.

Khi hỏi gì định bao giờ nghỉ bán ở nhà an dưỡng tuổi già, gì Bé nói với giọng chắc nịch: “Ban đầu tôi bán chủ yếu là kiếm tiền, còn bây giờ nói đam mê thì quá, nhưng tôi vui với cái nghề đã gắn với mình mấy chục năm nay. Giờ không đi bán cảm giác cứ thiếu thiều gì đó mà sợ khách họ đến họ trông nên tui cũng không dám nghĩ. Mai này làm không nổi nữa, thì có con tôi.”

Cả 4 đứa con của gì đều rất ngoan, hiếu thảo với bố mẹ. Dù mỗi người có công việc riêng của mình, nhưng vẫn tranh thủ thời gian tới phụ giúp bố mẹ nấu xôi, bán hàng.

“Hai đứa con tôi cũng đảm đang tháo vát lắm, nhìn mẹ làm vài lần đã nấu được rồi. Nhất là con gái đầu”. Rồi gì quay sang vừa cười lớn vừa hỏi tôi: “Biết sao 41 tuổi nó mới lấy chồng không? Vì mãi lo bán xôi, không chịu lấy chồng. Thấy nó thích công việc này cũng mừng, có bao nhiêu bí quyết tôi truyền lại hết cho con để chí ít “cái hồn”, để thương hiệu “xôi Bà Bé” mãi là năng lượng khởi đầu ngày mới cho mọi người ”.

Lê Tâm

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/the-thao-giai-tri/am-thuc/quan-xoi-via-he-doanh-thu-gan-300-trieu-thang-o-da-nang-65451.html