Quan xã ở Thanh Hóa đánh bài ăn tiền ở công sở: Có bị cách chức?

Bí thư Đảng ủy xã, Phó Chủ tịch xã cùng hàng loạt cán bộ, cựu cán bộ xã Hợp Thành thản nhiên đánh bài ăn tiền ngay tại công sở. Liệu họ có bị cách chức theo quy định của pháp luật?

Dư luận đang “nóng” vụ việc người dân xã Hợp Thành, huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hóa) có đơn gửi đến các cơ quan chức năng tố cáo hàng loạt “quan” xã đánh bài ăn tiền ngay tại công sở của xã vào ban đêm.

Theo đoạn clip người dân gửi kèm, nhóm người đang đánh bài ăn tiền tại công sở xã Hợp Thành vào ban đêm có các ông Lê Đình Sơn - Bí thư Đảng ủy xã, Nguyễn Đình Pho - Phó chủ tịch UBND xã, Hà Đăng Trường - Trung đội trưởng dân quân thôn Diễn Hòa, Nguyễn Đình Dũng - bảo vệ công sở UBND xã, Bùi Đình Lực - dân quân xã, và Lê Đức Thịnh - cựu cán bộ xã Hợp Thành.

Mới đây, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đình Pho - phó chủ tịch UBND xã Hợp Thành - thừa nhận mình cùng ông Lê Đình Sơn - bí thư Đảng ủy xã và một số cán bộ, nguyên cán bộ xã có mặt trong đoạn clip quay cảnh đánh bài ăn tiền ở công sở xã Hợp Thành. Tuy nhiên, theo ông Pho, mục đích của việc đánh bài đề để ăn cháo đêm.

 Hình ảnh các quan xã Hợp Thành thản nhiên đánh bài ăn tiền tại trụ sở.

Hình ảnh các quan xã Hợp Thành thản nhiên đánh bài ăn tiền tại trụ sở.

Trao đổi với PVKiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm việc đánh bạc trái phép dưới mọi hình thức. Theo đó mọi hành vi sát phạt nhau bằng tiền, tài sản đều là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu hành vi đánh bạc trái phép với số tiền từ 5.000.000 đồng trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc trái phép.

Ngoài ra đánh bạc còn được xác định là tệ nạn xã hội nên với cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên mà vi phạm tệ nạn xã hội thì sẽ bị kỷ luật với hình thức cách chức...

Luật sư Cường cho rằng, trong vụ việc này, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ hành vi của từng đối tượng, làm rõ số tiền đánh bạc và nhân thân của từng đối tượng để có hình thức xử lý theo quy định pháp luật, nếu hành vi thỏa mãn dấu hiệu của tội đánh bạc thì sẽ khởi tố về tội đánh bạc, cụ thể tội danh và hình phạt được bộ luật hình sự năm 2015 quy định tại điều 321 Bộ Luật Hình sự năm 2015 về tội đánh bạc.

Ngoài ra, tại Điều 13, Nghị định 34/2011/NĐ-CP của Chính phủ về kỷ luật công chức quy định hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây: Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ; Không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng; Bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ;Vi phạm ở mức độ rất nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức.

Việc áp dụng hình thức kỷ luật cách chức đối với công chức giữ các chức danh tư pháp được thực hiện theo quy định của Nghị định này và quy định của pháp luật chuyên ngành.

Như vậy, theo Luật sư Đặng Văn Cường, trường hợp Bí thư Đảng ủy xã Hợp Thành cùng Phó chủ tịch xã và một số cán bộ, nguyên cán bộ xã này đánh bạc trong clip nêu trên bị xử lý hình sự với hình thức phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ hoặc hành vi được xác định vi phạm ở mức độ rất nghiêm trọng thì những người này sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật là các chức theo quy định của nghị định nêu trên.

“Hành vi đánh bạc, vi phạm các tệ nạn xã hội là một trong những điều đảng viên không được làm. Ngoài ra, Đảng viên giữ cương vị lãnh đạo còn phải thực hiện tinh thần nêu gương, gương mẫu trong đạo đức, lối sống. Hai vị lãnh đạo cùng các cán bộ xã trong vụ việc này đã vi phạm quy định của quy luật đảng, bởi vậy ủy ban kiểm tra đảng sẽ tiến hành các thủ tục để thực hiện kỷ luật đảng đối với các cán bộ này theo quy định của điều lệ đảng”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Nếu bị xử lý hình sự, thì những người đánh bạc nêu trên có thể bị xử phạt tiền đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm ngoài ra sẽ bị áp dụng các hình thức kỷ luật theo quy định của Luật công chức và kỷ luật đảng theo quy định của điều lệ đảng Cộng sản Việt Nam.

Clip các quan xã Hợp Thành đánh bài ăn tiền được người dân quay lại và gửi đến các cơ quan báo chí.

Nhận định về vụ việc trên, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, hành vi đánh bạc ăn tiền của các cán bộ xã ở Thanh Hóa là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm những điều Đảng viên không được làm rất rõ ràng, có video quay lại, sự thừa nhận của ông Nguyền Đình Pho – phó chủ tịch UBND xã Hợp Thành.

“Để có thể xác định chính xác hình thức và mức xử lý theo quy định của pháp luật đối với trường hợp này thì cần căn cứ kết quả xác minh ban đầu của cơ quan điều tra, số lượng người tham gia là bao nhiêu, số tiền hay hiện vật có trên chiếu bạc là bao nhiêu…?”, Luật sư Tùng cho biết.

Theo Luật sư Hoàng Tùng, nếu số tiền hay giá trị hiện vật dưới 5.000.000 đồng và phạm tội lần đầu thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 26 Nghị định 167/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình. Theo đó, mức xử phạt hành chính đối với hành vi cán bộ đánh bạc lên đến 2 triệu đồng.

Trường hợp, số tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm theo quy định tại Khoản 1 Điều 321 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Trường hợp số tiền hay hiện vật trị giá trên 50.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 3 đến 7 năm tù. Như vậy, hành vi đánh bạc này của cán bộ xã có thể bị xử lý với mức cao nhất của khung hình phạt là 7 năm tù.

Nói về việc các cán bộ tham gia đánh bạc này có bị cách chức hay không? Luật sư Tùng cho rằng, phải căn cứ vào kết quả điều tra cụ thể tính chất, mức độ vi phạm, hình thức xử lý như thế nào?

Theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 31 Quy định 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 quy định về xử lý kỉ luật đảng viên vi phạm, trường hợp đảng viên tham gia đánh bạc, đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách theo quy định tại Khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ). Ngoài ra, nếu hành vi vi phạm này đủ điểu kiện để khởi tố và bị xử lý phạt tù thì cũng sẽ bị cách chức.

“Có thể thấy, đánh bạc trái phép là một tệ nạn phổ biến, gây hậu quả nặng nề cho xã hội. Với vai trò là người lãnh đạo, việc cán bộ đảng viên tham gia đánh bạc dù dưới bất kỳ hình thức nào cũng tự mình làm mất đi hình ảnh, lòng tin và sự tín nhiệm của nhân dân. Do đó cần phải xử lý nghiệm khắc để răn đe, chấn chỉnh tác phong làm việc nghiêm túc của đội ngũ cán bộ, công chức”, Luật sư Hoàng Tùng cho biết.

Tâm Đức

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/quan-xa-o-thanh-hoa-danh-bai-an-tien-o-cong-so-co-bi-cach-chuc-1316705.html