Quán Văn ra số đặc biệt về nhà văn Mường Mán

Sáng Chủ nhật (22/4), tập san Quán Văn đã tổ chức buổi giao lưu – giới thiệu chân dung văn học: nhà văn Mường Mán.

Quán Văn là tên một tập san (sáng tác - tư liệu - nghiên cứu văn học) do nhà văn Nguyên Minh và một số văn hữu tổ chức, ra đời cách đây 6 năm (2012) và đã ra được hơn 50 số (NXB Hội Nhà Văn cấp giấy phép), mỗi số đều có phần giới thiệu chân dung và tác phẩm của nhiều tác giả đương đại trong và ngoài nước.

Quán Văn số 54 với tranh bìa do Mường Mán vẽ

Ở Quán Văn số 54 (tháng 4/2018), sách dày 230 trang thì nhóm chủ biên đã dành ra 100 trang để giới thiệu chân dung và tác phẩm của nhà văn Mường Mán, đó là một sự trọng thị mà không phải một tạp chí văn học nào làm được (trước đó, Quán Văn số 53 cũng đã giới thiệu chân dung và tác phẩm của nhà văn Đoàn Thạch Biền).

Nhà văn Mường Mán (bìa trái) trả lời phỏng vấn của nhà văn Nguyên Minh (giữa)

Mường Mán tên thật là Trần Văn Quảng, sinh năm 1947 tại Thừa Thiên-Huế. Ông khởi nghiệp văn chương từ trước năm 1975, từng có một thời gian sinh sống tại Cần Thơ, cách đây 20 năm gia đình ông chuyển về sinh sống ở TP.HCM.

Người hâm mộ hát ca khúc "Chăn vịt ở phương Nam" phổ nhạc từ thơ của Mường Mán

Mường Mán là tác giả của 9 truyện dài, 6 tiểu thuyết, 6 tập truyện ngắn và 2 tập thơ (trong đó có bài Qua mấy ngõ hoa nổi tiếng) và 5 kịch bản phim: Người trong cuộc (phim nhựa, 1988, hãng phim Nguyễn Đình Chiểu), Tiếng đờn kìm (1997. Hãng phim Truyền hình TP.HCM), Trăng không mùa (1998, hãng phim Giải Phóng), Gió qua miền tối sáng (viết chung, 30 tập, 1995, hãng phim truyện Truyền hình Việt Nam, Duyên phận (15 tập, 2003, hãng phim Truyền hình Bình Dương)... Ngoài sáng tác thơ văn, Mường Mán còn vẽ tranh. Tranh của ông treo đầy ở quán Ruốc (đặc sản Huế) do vợ chồng ông kinh doanh tại số 145 Nguyễn Đinh Chinh (Phú Nhuận-TP.HCM).

Nhà văn Đoàn Thạch Biền kể lại những kỷ niệm với nhà văn Mường Mán

Mường Mán tâm sự: “Tôi khởi nghiệp cầm bút vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ 20. Hồi đó hầu hết báo chí của miền Nam tập trung ở thành phố Sài Gòn. Một tác giả ở tỉnh lẻ tận Huế như tôi, thơ văn phải viết tay hoặc đánh máy gởi bưu điện vào Sài gòn, chen chân được vào giới văn chương Sài Gòn quả là rất khó khăn nhưng rồi cái tên Mường Mán dần trở nên quen thuộc trên các tạp chí, tuần báo văn học nghệ thuật như: Nghệ thuật, Văn, Ý Thức, Bách Khoa, Tuổi Ngọc, Trình Bày... Một hôm, mẹ tôi gọi tôi, nghiêm giọng bảo: “Nghe nói con viết văn chi đó gửi vô Sài Gòn đăng báo và được người ta trả tiền công, có không?”. Tôi nói vui: Dạ có! Bà nhìn xoáy vào mắt tôi, khẽ lắc đầu: “Không nên con à,răng con dám mang chữ nghĩa của thánh hiền đi bán? Tội chết! Bõ đi đừng viết nữa, lo học hành thì tốt hơn!”. Tôi giải thích mãi bà mới yên tâm...Từ đó, mỗi lần cầm bút để viết một bài văn ngắn hay dài, tôi đầu nhớ đấn lời của mẹ, cân nhắc cẩn trọng từng câu, từng chữ”...

Bạn bè, văn hữu chia vui cùng nhà văn Mường Mán

Đến chia vui và giao lưu với nhà văn Mường Mán có khá nhiều nhà thơ, nhà văn: nhạc sĩ Tôn Thất Lan, nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên, các nhà thơ, nhà văn: Đoàn Thạch Biền, Trương Văn Dân (từ Ý), Kinh Dương Vương (tức họa sĩ Rừng, từ Mỹ), Lương Minh, Lê Viết Yên, Nguyễn Thị Liên Tâm, Mã Lam...

Bài và ảnh: Hà Đình Nguyên

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/quan-van-ra-so-dac-biet-ve-nha-van-muong-man-d66933.html