Quân ủy Trung ương Triều Tiên họp bàn các vấn đề quan trọng

Ngày 22-12, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) và Đài Truyền hình Nhà nước Triều Tiên (KRT) đưa tin nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un đã chủ trì cuộc họp mở rộng của Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, trong đó thảo luận về 'các biện pháp chính trị và cơ cấu tổ chức quan trọng cũng như các bước đi quân sự nhằm tăng cường' các lực lượng vũ trang.

Cuộc họp diễn ra vào thời điểm quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên gia tăng căng thẳng liên quan đến việc Bình Nhưỡng đe dọa tìm kiếm "con đường mới" trong trường hợp Washington đến cuối năm nay vẫn không đưa ra đề xuất có thể chấp nhận được trong đàm phán hạt nhân.

KCNA cho biết: “Nhà lãnh đạo tối cao Kim Jong-un đã đưa ra những phân tích và tóm tắt về tình hình phức tạp trong và ngoài nước, đồng thời nhấn mạnh cuộc họp này sẽ đưa ra quyết sách về các biện pháp chính trị và cơ cấu tổ chức quan trọng cũng như các bước đi quân sự nhằm tăng cường” các lực lượng vũ trang.

Ngoài ra, cuộc họp cũng thảo luận về nhiều vấn đề trọng yếu định hướng củng cố nền quốc phòng và những vấn đề cốt lõi để phát triển năng lực của quân đội trong phòng vệ một cách nhanh chóng và liên tục. Cũng theo KCNA, cuộc họp này cũng đã quyết định về các vấn đề quân sự quan trọng và các giải pháp trong công tác tổ chức, mở rộng, tái cơ cấu các đơn vị sao cho phù hợp với kế hoạch chiến lược và quân sự của Đảng Lao động Triều Tiên.

Theo giới quan sát, cuộc họp này dường như phát đi tín hiệu Triều Tiên có thể sớm tổ chức một phiên họp toàn thể của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên. Năm ngoái, sau phiên họp toàn thể của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã thông báo ngừng các hoạt động thử hạt nhân và tên lửa tầm xa, động thái mở đường cho cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 6-2018 tại Singapore.

Nếu diễn ra vào thời điểm này, phiên họp năm nay có thể là để ra quyết định về việc rút lại lệnh tạm ngừng nói trên.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu trong cuộc họp ngày 22-12. Ảnh: KCNA.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu trong cuộc họp ngày 22-12. Ảnh: KCNA.

Về phía Mỹ, trong cuộc điện đàm tối 21-12, Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo đã dành nhiều thời gian phân tích thông tin mới nhất về Triều Tiên và điều phối chặt chẽ các kế hoạch ứng phó với Bình Nhưỡng. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác để giải quyết vấn đề bắt cóc công dân Nhật Bản cũng như chương trình tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên.

Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper bày tỏ hy vọng nước này có thể tái khởi động quan hệ ngoại giao với Triều Tiên, trong bối cảnh đang gần tới hạn chót cuối năm mà Bình Nhưỡng đưa ra để Washington thay đổi lập trường trong đàm phán. Tuy nhiên, ông Mark Esper cùng giới chức cấp cao quốc phòng Mỹ đều khẳng định, Mỹ đang ở “trong trạng thái sẵn sàng cao độ, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng”.

“Giải pháp chính trị là cách tốt nhất để thúc đẩy phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và giải quyết các chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Như tôi đã tuyên bố, nước Mỹ có hai nhiệm vụ: Một là luôn trong tình trạng sẵn sàng chuẩn bị cho một cuộc chiến và chắc chắn sẽ giành chiến thắng vào bất cứ thời điểm nào nếu cần thiết. Nhiệm vụ thứ 2 đó là thúc đẩy con đường đối thoại ngoại giao”, Bộ trưởng Mark Esper khẳng định.

Trong tuần qua, Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Bigun đã thực hiện chuyến thăm Đông Bắc Á trong nhiều ngày, mang theo “sứ mệnh cao cả” là níu giữ tiến trình đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều, đảm bảo rằng “Triều Tiên sẽ không tìm một ngã rẽ mới” khi tiến trình này đang bế tắc.

Sau khi tới Hàn Quốc và Nhật Bản, Đặc phái viên Mỹ tới thăm Bắc Kinh, Trung Quốc. Tại đây, ông có các cuộc gặp riêng với 2 Thứ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà là Lạc Ngọc Thành và La Chiếu Huy, để cùng bàn về tình hình trên Bán đảo Triều Tiên. Dù chi tiết nội dung các cuộc gặp không được tiết lộ, song Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận hai bên đều nhất trí về sự cần thiết của việc duy trì đối thoại Mỹ - Triều.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết: “Qua các cuộc gặp với phía Mỹ, chúng tôi một lần nữa kêu gọi cả Mỹ và Triều Tiên nhanh chóng khôi phục tiến trình đối thoại và xúc tiến các cuộc gặp, để tìm ra giải pháp xây dựng lòng tin, hóa giải sự khác biệt. Mỹ và Trung Quốc cũng nên làm việc với nhau, từng bước một, để đẩy mạnh việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên, thiết lập cơ chế hòa bình cho bán đảo. Hiện Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý duy trì liên lạc với nhau trong vấn đề Triều Tiên”.

Đến nay, lời kêu gọi đàm phán của Mỹ vẫn chưa được phía Triều Tiên chính thức trả lời. Tuy nhiên, trong ngày 20-12, Bình Nhưỡng tuyên bố “Mỹ sẽ phải trả giá đắt” khi đã động đến vấn đề nhân quyền của nước này.

Hiện có nhiều quan ngại Triều Tiên có thể sẽ nối lại hoạt động thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa nếu Mỹ không đưa ra các đề xuất mới trong các cuộc đối thoại. Trung Quốc và Nga đang kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nới lỏng trừng phạt Triều Tiên, cho rằng đây là giải pháp tốt nhất để hạ nhiệt căng thẳng, cũng như hóa giải thế bế tắc hiện nay trong đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/quan-uy-trung-uong-trieu-tien-hop-ban-cac-van-de-quan-trong-575134/