Quận trung tâm Thủ đô có sản phẩm đầu tiên tham gia Chương trình OCOP

Lần đầu tiên một sản phẩm bánh truyền thống tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) được công nhận là sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), mở ra cơ hội giới thiệu những nét văn hóa ẩm thực Hà Nội.

Bà Trịnh Hồng Giang giới thiệu sản phẩm bánh truyền thống tại sự kiện quảng bá sản phẩm OCOP Hà Nội.

Bà Trịnh Hồng Giang giới thiệu sản phẩm bánh truyền thống tại sự kiện quảng bá sản phẩm OCOP Hà Nội.

Hà Nội vốn có nhiều nhà bánh sản xuất bánh cổ truyền. Trước sự thay đổi của thị trường, một số chuyển đổi đi theo hướng sản xuất công nghiệp, một số vẫn theo lối sản xuất truyền thống gia đình. Tuy nhiên, cả hai hướng đi đều có những hạn chế riêng, nếu theo hướng công nghiệp thì việc lưu giữ hương vị bánh truyền thống rất khó, trong khi sản xuất theo lối truyền thống gia đình thì sẽ không có nhiều khả năng để phát triển, mở rộng quy mô, sản phẩm vẫn chỉ mang tính truyền miệng và yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được đảm bảo.

Để khắc phục những nhược điểm trên, bà Trịnh Hồng Giang, Giám đốc Công ty cổ phần Gia Trịnh Bakery đã chọn một hướng đi riêng với việc đăng ký sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO 2022 và đăng ký các sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP. Điều này đồng nghĩa với việc trong sản xuất, khâu nào cần hiện đại thì sẽ sản xuất theo công nghệ hiện đại, khâu nào cần thủ công thì vẫn áp dụng quy trình sản xuất thủ công để đảm bảo đúng tôn chỉ.

Bà Trịnh Hồng Giang chia sẻ, trước nhu cầu thị trường thay đổi, vừa làm bánh có sự hội tụ của hương vị truyền thống và áp dụng công nghệ tiên tiến trong các loại bánh Âu đòi hỏi quy trình nghiêm ngặt. Thêm vào đó, chất lượng bánh luôn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm do áp dụng quy trình sản xuất khép kín và phân phối sản phẩm theo quy định của Bộ Y tế, Bộ Công Thương. Hơn nữa, để đảm bảo chất lượng và chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào và đáp ứng tiêu chí của sản phẩm OCOP, Công ty có vùng nguyên liệu riêng, rộng tới 10.000 m2 tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội. Trung bình mỗi ngày, Công ty tiêu thụ khoảng 2.000 sản phẩm, thị trường chủ yếu là Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa

Bà Trịnh Hồng Giang chia sẻ: "Khi được vận động tham gia OCOP, tôi có tìm hiểu và biết đây là chương trình phát triển kinh tế với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân, doanh nghiệp, hộ sản xuất và kinh tế tập thể thực hiện".

Các sản phẩm OCOP là các sản phẩm đã được đánh giá theo Bộ tiêu chí OCOP về tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm, sức mạnh cộng đồng, khả năng tiếp thị và quan trọng nhất là về chất lượng sản phẩm như các chỉ tiêu cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo cũng như khả năng xuất khẩu, phân phối tại thị trường quốc tế.

Sau khi tìm hiểu về chương trình OCOP, Công ty Cổ phần Gia Trịnh đã đăng ký tham gia chương trình OCOP năm 2021 và nhận được danh hiệu 4 sao cho 8 sản phẩm chủ lực. Đây cũng là những sản phẩm đầu tiên đăng ký tham gia Chương trình OCOP của quận Hoàn Kiếm nên được chọn lựa rất kỹ từ mẫu mã đến chất lượng.

“Thông qua chương trình, chúng tôi mong muốn lựa chọn được các sản phẩm mang đặc trưng, lợi thế của quận, góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước và là tiền đề cho việc phát triển nhiều sản phẩm OCOP của quận trong thời gian tới”, bà Trịnh Hồng Giang chia sẻ.

Từ sau khi tham gia chương trình, đơn vị đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ về quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường kinh doanh. Tại thời điểm này, Công ty cũng đang làm việc với Phòng Kinh tế UBND quận Hoàn Kiếm để xây dựng điểm bán hàng OCOP ngay tại cơ sở chính của công ty nằm trên đường Lý Nam Đế, phường Hàng Mã, nhằm quảng bá các sản phẩm tham gia chương trình OCOP tới người tiêu dùng.

Bên cạnh những thuận lợi sau khi tham gia chương trình, theo bà Trịnh Hồng Giang, đơn vị cũng gặp phải những khó khăn trong việc nhận diện thương hiệu là sản phẩm thuộc chương trình OCOP. Do trước khi tham gia chương trình, đơn vị đã đặt làm một lượng lớn bao bì sản phẩm. Tuy nhiên, những bao bì này chưa thể hiện sản phẩm là sản phẩm thuộc chương trình OCOP. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý và Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp in các tem nhận diện sản phẩm thuộc chương trình OCOP rời ngoài, có thể dán vào bao bì sẵn có, để đơn vị giảm được chi phí in bao bì.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng Nông thôn mới Thành phố Hà Nội, năm 2021, Thành phố có thêm 171 chủ thể với 595 sản phẩm được chứng nhận OCOP, gồm 367 sản phẩm đạt 4 sao, 228 sản phẩm đạt 3 sao, nâng tổng số sản phẩm OCOP được công nhận trên địa bàn Thành phố từ 2019 đến nay là 1.649, dẫn đầu cả nước về số sản phẩm OCOP được công nhận, chiếm số lượng lớn là nhóm ngành nông sản, thực phẩm, đồ uống; hàng thủ công mỹ nghệ... Hoàn Kiếm là quận trung tâm của thành phố và có sản phẩm đầu tiên tham gia chương trình OCOP là điều đáng ghi nhận với sự vào cuộc quyết liệt các phòng ban trong quận và sự quyết tâm của chủ thể khi triển khai thực hiện chương trình.

“Các chủ thể có sản phẩm tham gia chương trình OCOP đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn cũng như được hưởng lợi từ sản phẩm OCOP, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới của thủ đô Hà Nộ. Thành công của Gia Trịnh, đơn vị đầu tiên của Hoàn Kiếm cũng chính là thành công của Chương trình OCOP Hà Nội với sự lan tỏa. Do đó, thời gian tới, Công ty cần tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị để đưa sản phẩm OCOP ngày càng phát triển vững mạnh”, ông Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh.

Bài, ảnh: XM/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ha-noi/quan-trung-tam-thu-do-co-san-pham-dau-tien-tham-gia-chuong-trinh-ocop-20221005085632166.htm