Quan trọng nhất là học sinh phải phân biệt được sai - đúng và dám nói thẳng

Tiến sĩ Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học thanh tra - Thanh tra Chính phủ trong buổi tập huấn, quán triệt quán triệt về Luật Tố cáo năm 2018 với cán bộ Sở Tư pháp TP Hà Nội chia sẻ: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) trong nhà trường hiện nay có lẽ cần phải xem lại về tính hiệu quả. Bởi chúng ta phải giáo dục làm sao để các em biết lên án, tố cáo hành vi xấu, bảo vệ mình và bạn bè trước những điều sai. Nhìn vào những vụ việc gần đây nhất tại các trường học, có thể thấy rằng, các em chưa thực sự hiểu về Luật, để bảo vệ quyền của bản thân, cũng như lên án cái xấu.

Lấy ví dụ về vụ việc cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng tại Hải Phòng, TTPBGDPL của chúng ta đã không dạy các em “phản ứng” trước những điều chưa đúng. Học trò đa phần sợ thầy cô giáo, giáo dục một chiều, cô bảo gì, trò làm nấy. Và cô bắt trẻ uống nước vắt ra từ giẻ lau bảng trò cũng uống, thậm chí sợ sệt về không dám thông báo lại với gia đình, chỉ đến khi có một bạn trong lớp nói ra, mọi việc mới được làm rõ. Nếu không có học sinh vô tình kể lại, thì hình phạt này sẽ kéo dài bao lâu, không ai biết.

Tương tự, cô giáo yêu cầu các bạn trong lớp tát một học sinh hư 231 cái tát, các em đều đã là học sinh lớp 6 nhưng không một ai “dám” trái lời cô mà không thực hiện, lần lượt từng bạn một tát bạn trong lớp, ai không nghe sẽ bị tát lại. Học sinh bị phạt chỉ biết đứng chịu trận, hứng những cái tát đến bỏng rát má. Chuyện cô giáo yêu cầu học sinh trong lớp “tát” bạn hư không chỉ ở riêng Quảng Bình, ở một vài nơi khác, thậm chí ở Hà Nội cũng có. Vậy sao, không ai trong các em dám lên tiếng? Đáng suy nghĩ nhất là 10 cái tát trong nước mắt của một người em họ dành cho người anh. Cũng như các bạn, cậu em họ của em học sinh bị tát ở Quảng Bình phải thực hiện lệnh của cô giáo “tát bạn 10 cái”. Dù không muốn, nhưng cậu em vẫn phải thực hiện, vì sợ bị cô phạt cho tát ngược trở lại. Và cậu em vừa tát anh vừa khóc.

Công tác TTPBGDPL cho học sinh cần thiết thực, có trọng tâm, gắn đến những vấn đề gần gũi với các em hơn. Ảnh tư liệu

Công tác TTPBGDPL cho học sinh cần thiết thực, có trọng tâm, gắn đến những vấn đề gần gũi với các em hơn. Ảnh tư liệu

TS Trần Thành Nam (giảng viên ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Giáo dục học sinh theo kiểu “tiếp thu thông tin một chiều” sẽ tạo ra những con người chỉ biết “cúi đầu", chỉ biết làm theo mà không có sự nhận biết đúng - sai, hoặc dù biết sai nhưng không dám phản biện, không dám phản ứng lại.

Mới đây nhất, những thông tin tố cáo về việc thầy giáo có hành vi sờ soạng học sinh nữ tại Bắc Giang, giáo viên nhắn tin gạ tình với nữ sinh ở Thái Bình, thậm chí giáo viên nữ có quan hệ với nam sinh chưa đủ 16 tuổi khiến dư luận xôn xao bàn luận, đánh giá. Nhưng có một điều mà chúng ta không mấy khi để ý đến: Là tại sao các em gần như hoàn toàn bị “cuốn” theo hành vi của người lớn, ít dám lên tiếng, ít thậm chí không biết bản thân mình là những người được pháp luật bảo vệ nếu bị đối xử bằng hành động sai trái, chưa đúng luật. Có phải hiệu quả của TTPBGDPL trong nhà trường chưa thật hiệu quả hay không? Đặt trong bối cảnh ở một nền giáo dục khác, trẻ em có ý thức rất cao về quyền riêng tư, quyền bảo vệ bản thân và sẵn sàng nhấc máy gọi cho cảnh sát nếu bản thân bị tát, đánh mới thấy học sinh của chúng ta “bị động” trước ý thức bảo vệ bản thân mình và thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu tư duy phản biện.

Trong phiên họp của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Trung ương về triển khai nhiệm vụ công tác năm 2019. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, trên cơ sở Đề án “Nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường”, ngành đã triển khai sâu rộng công tác này và gần đây ngành giáo dục cũng thông qua Đề án 3957 về nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường đến năm 2021. Theo đó, đã thường xuyên tuyên truyền các luật mới, phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành khác để triển khai; rà soát giáo viên dạy bộ môn Giáo dục công dân để bồi dưỡng, nâng cao năng lực… Với hình thức mới mẻ, ông Độ mong thời gian tới tiếp tục tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến vừa giúp học sinh thư giãn vừa cung cấp kiến thức bổ ích một cách hiệu quả.

Trên thực tế, các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác này đa phần còn khá chung chung, việc TTPBGDPL trong nhà trường, đối tượng hướng đến phải cân bằng giữa cán bộ giáo viên nhân viên nhà trường và học sinh. Trước hết phải chọn cho các em những vấn đề sát, thường gặp để giáo dục, đó là quyền được bảo vệ bản thân, tránh xâm hại và tư duy dám nói, dám lên tiếng. Bởi nếu chỉ chung chung một chiều, thì việc giúp các em có nhận thức đúng đắn về pháp luật để biết cách bảo vệ mình khó sâu sắc được.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/quan-trong-nhat-la-hoc-sinh-phai-phan-biet-duoc-sai-dung-va-dam-noi-thang-139402.html