Quan trọng nhất là định giá đúng

Mua bán và sáp nhập (M&A) doanh nghiệp (DN) đang là một xu thế đầu tư tại Việt Nam, trong đó có thu hút đầu tư nước ngoài. Định giá đúng giá trị DN được coi là yếu tố quyết định dẫn tới thành công của một thương vụ. Điều đáng nói là việc định giá đối với các chỉ tiêu tài chính dễ dàng hơn nhiều so với định lượng các giá trị vô hình như thương hiệu, yếu tố con người, tầm nhìn, mục tiêu...

Kinh nghiệm từ một số thương vụ

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, trong 10 năm qua, đã có gần 4.000 thương vụ M&A DN được tạo lập với tổng giá trị đạt khoảng 48,8 tỷ USD. Quy mô thị trường năm 2017 tăng 9 lần so với năm 2008. Riêng trong năm 2017, tổng giá trị M&A DN tại Việt Nam đạt 10,2 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị các thương vụ M&A DN tại Việt Nam đạt 3,35 tỷ USD (bằng 139% cùng kỳ năm 2017). Dự báo năm 2018, giá trị M&A có thể đạt 6,5 tỷ USD.

Đáng chú ý, kết quả thoái vốn tại Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tổng công ty Cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đưa giá trị thoái vốn năm 2017 đạt đỉnh, hay thương vụ thoái vốn của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) như là hình mẫu thành công của các đợt thoái vốn Nhà nước tại nhiều DN cổ phần hóa đang niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, yếu tố thành công ở hai thương vụ thoái vốn tại Sabeco và Vinamilk ở chỗ đây là hai công ty đầu ngành trong lĩnh vực sữa và sản xuất bia, đồng thời Nhà nước đã mạnh dạn giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần (dưới 51%), tổ chức công khai thông tin và đấu thầu minh bạch… Còn ở thương vụ thoái vốn tại Vietnam Airlines, ngoài các yếu tố nêu trên còn do kinh nghiệm xác định giá trị DN một cách chuyên nghiệp. Nhận thức được tầm quan trọng của việc xác định giá trị DN theo chuẩn mực quốc tế, Vietnam Airlines đã có chủ trương ngay từ đầu thuê tư vấn quốc tế để tư vấn, hỗ trợ quá trình cổ phần hóa và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, trong đó các nhà tư vấn đã tư vấn và hỗ trợ định giá giá trị DN phù hợp theo thông lệ quốc tế. Cũng nhờ cách thức định giá này, Vietnam Airlines có thể bán cổ phần với giá cao hơn so với kỳ vọng.

Cần có chiến lược trong việc thoái vốn

Hoạt động M&A DN tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, thực sự trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả. Điều này thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa DN Nhà nước. Hoạt động M&A DN cũng góp phần nâng cao năng lực quản trị và sức cạnh tranh của DN Việt Nam. Theo phân tích của giới chuyên gia, điểm đột phá của thị trường M&A DN tới đây sẽ được bùng nổ từ hàng nghìn DN Nhà nước đã hoàn tất cổ phần hóa, nhưng Nhà nước còn nắm giữ đa số phần vốn. “Cổ phần hóa DN Nhà nước hiện chỉ lớn về mặt số lượng DN Nhà nước được cổ phần hóa, nhưng trên thực tế, theo số liệu bán cổ phần lần đầu của 426 DN trong giai đoạn 2011-2016 cho thấy, tổng số vốn điều lệ Nhà nước vẫn tiếp tục nắm giữ còn đến 81,1%. Đáng chú ý, trong số chưa đầy 20% vốn điều lệ sau bán cổ phần lần đầu do các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước nắm giữ, các nhà đầu tư chiến lược cũng chỉ chiếm chưa đầy 8%” - ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Công ty Deloitte Việt Nam phân tích.

Thoái vốn Nhà nước tại những ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối là một chủ trương đúng. Hoạt động M&A DN cũng là xu hướng tất yếu trong nền kinh tế thị trường, qua đó các DN nói riêng và từng lĩnh vực kinh doanh phát huy lợi thế về quản lý, công nghệ, mạng lưới phân phối. Nhưng quá trình thực hiện cần có phương án thận trọng, có lộ trình, tránh để làm thất thoát tài sản của DN. Theo ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và Phát triển DN, Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) về đánh giá, xử lý tài sản, có một số trường hợp để lại những hậu quả không tốt, gây nên những nghi ngờ, hoài nghi về việc thất thoát tài sản Nhà nước, đặc biệt trong vấn đề về đánh giá giá trị tài sản, về xử lý đất đai, các khoản nợ trong quá trình cổ phần hóa, ví dụ như thương vụ tại Hãng Phim truyện Việt Nam, Công ty Giày Sài Gòn...

Có cùng quan điểm này, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho rằng, một trong những nguyên nhân chính khiến cổ phần hóa DN Nhà nước chưa thực sự thu hút các nhà đầu tư chiến lược là do việc xác định giá trị DN và giá bán cổ phần tại các DN Nhà nước chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, chưa phản ánh đúng giá trị thực của DN. Nghiên cứu của CIEM cũng nêu rõ, theo công bố của Kiểm toán Nhà nước, năm 2016, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành kiểm toán kết quả định giá DN và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi cổ phần hóa của 7 DN, đã xác định vốn Nhà nước tăng thêm 20.818 tỷ đồng. Kết quả này minh chứng cho những kẽ hở trong định giá DN tại Việt Nam. “Để định giá DN chính xác, một giải pháp là các DN quy mô lớn như các tập đoàn, tổng công ty có thể thuê tư vấn nước ngoài uy tín để xác định giá trị DN. Nếu làm được việc này thì DN Nhà nước có lợi thế hơn khi đàm phán với các đối tác chiến lược nước ngoài” - ông Phạm Đức Trung đề xuất.

Theo Phó viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu, Nhà nước cần có chiến lược trong việc thoái vốn. Tức là không phải khi có quyết định bán là bán ào ạt. “Nếu bung hàng cùng lúc sẽ không thành điểm cộng tốt mà sẽ triệt tiêu nhau. Điều này không có nghĩa là bán hàng nhỏ giọt mà cần biết phân tích và nắm bắt cơ hội. Kỳ vọng sự ra đời của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước sẽ giúp việc bán cổ phần DN Nhà nước có chiến lược tập thể, dài hạn hơn” - ông Phan Đức Hiếu đặt vấn đề.

Để tăng tính minh bạch cho hoạt động thoái vốn Nhà nước, nhất là hoạt động định giá DN, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 32/2018/NĐ-CP quy định về đầu tư vốn Nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN, trong đó có nhiều điểm mới liên quan đến xác định giá khởi điểm bán cổ phần. Nghị định này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiến độ thoái vốn tại các DN có vốn đầu tư của Nhà nước một cách hiệu quả. Nhiều ý kiến đề nghị, cơ quan quản lý nhà nước sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định số 32/2018/NĐ-CP.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/quan-trong-nhat-la-dinh-gia-dung-545221