Quan trọng nhất là anh giám sát!

Thật sáng suốt, sáng suốt… - Bác lại phấn khởi chuyện gì vậy?

- Tớ thấy việc Chủ tịch Quốc hội đề nghị chưa xem xét Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi tại kỳ họp tới, để trưng cầu ý kiến rộng rãi của cử tri là rất sáng suốt.

- Em tưởng bác nói chuyện gì, chứ chuyện này thì quá đúng. Trước thực trạng nền giáo dục của ta còn nhiều bất cập; lại đang dậy sóng chuyện gian lận trong thi cử, càng nhiều vấn đề cần bàn, nên trưng cầu ý kiến nhân dân là điều cần thiết.

- Đúng vậy, chỉ riêng chuyện bỏ kỳ thi tốt nghiệp PTTH, hay giữ nguyên kỳ thi THPT quốc gia (tức là 2 trong 1), hoặc thi cả hai kỳ như cũ đã bao nhiêu ý kiến trái chiều rồi.

- Em thấy, sau những sự cố nâng điểm thi tại một số tỉnh, rất nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp PTTH, chỉ cấp giấy chứng nhận, rồi tổ chức thi tuyển đại học, cao đẳng như trước, như vậy sẽ hạn chế được những tiêu cực như vừa rồi.

-Phương án này cũng còn nhiều điều đáng bàn. Tỷ như vì căn bệnh thành tích, các trường lại tha hồ “làm đẹp học bạ”, rồi cấp cái chứng nhận, ai cũng như ai, “hòa cả làng” như vậy là không được. Chỉ có thi cử mới đánh giá đúng năng lực của mỗi học sinh. Có học là phải có thi.

-Bác nói cũng có lý, nhưng cứ soi lại các kỳ thi TNPT trước đây thì thấy, hầu như các trường đều đỗ 100%. Vậy tổ chức thi làm gì cho tốn kém, lại dồn áp lực thi cử cho học sinh và phụ huynh. Có ý kiến còn cho rằng việc cấp giấy chứng nhận này sẽ xảy ra nhiều tiêu cực, thậm chí phạm tội của cán bộ, giáo viên.

-Tớ nghĩ, bỏ thi TNPT, học sinh vẫn có bài kiểm tra kết quả từng môn học qua nhiều hình thức và ghi nhận kết quả đó trong học bạ. HS nào không đạt chỉ tiêu sẽ không được xét cấp bằng, Sở GD có trách nhiệm giám sát việc dạy và học, tự câp bằng, tự chịu trách nhiệm trước Bộ GD kết quả của địa phương mình. Không ai chạy điểm làm đẹp học bạ nếu chỉ dùng nó để xét tốt nghiệp, chính vì dùng học bạ để xét vào đại học nên mới có tiêu cực bằng mọi giá.

-Nếu được như bác nói thì còn gì bằng. Em chỉ e rằng, tổ chức thi hẳn hoi đấy mà tốt nghiệp gần như 100% thì xét cấp chứng nhận càng dễ dàng, đơn giản hơn, vậy ai dám không có tiêu cực xảy ra. Mà giữa đã tốt nghiệp PTTH và chưa tốt nghiệp, giá trị khác nhau lắm đó bác.

-Tất nhiên là vậy rồi, nhưng tớ nghĩ nên có kỳ thi tuyển sinh đại học (không xét học bạ) riêng, sẽ chống lại các hành vi tiêu cực, đồng thời nó cũng khẳng định việc phân loại HS ngay từ lúc học, các trường ĐH cũng sẽ tuyển được những HS có chất lượng thật sự, mà không cần phải nơm nớp sợ ai thật ai giả như vụ nâng điểm vừa qua!

-Em thử phân tích thế thôi, chứ em cũng hoàn toàn ủng hộ 1 kỳ thi mà là kỳ thi đại học, vì ai có nhu cầu học đại học mới thi, không thì xét TNTHPT rồi học nghề hay đi làm... Không học nữa thi để làm gì? 12 năm học đâu có phải không thi. Sợ xét TN thì lo chạy học bạ. Vậy thì bây giờ nhiều trường đang xét tuyển ĐH bằng học bạ lại càng nguy hiểm hơn; dẫn đến nhiều tiêu cực hơn.

-Cũng phải nhắc lại một lần nữa, việc thi TNTHPT chỉ tìm ra 2% số thí sinh cả nước thi để trượt, rồi lại tổ chức thi lại cho đỗ hết, vậy hà cớ gì phải tổ chức thi, trong số đó nhiều em không học đại học cũng phải thi, trong khi chính các trường ĐH lại không kiểm soát được chất lượng đầu vào.

-Vấn đề là cho dù tổ chức thi như thế nào cũng có thể xảy ra tiêu cực, quan trọng là công tác quản lý và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Chứ nếu làm gì cũng sợ tiêu cực thì không thể đổi mới được. Như vậy tổ chức thi ĐH cùng 1 kỳ thi chung theo các cụm trường ĐH do Bộ quản lý là công bằng nhất.

-Đúng là bên cạnh việc tổ chức thi thế nào cho khoa học, công bằng, giảm được áp lực thi cử là rất cần thiết. Còn việc tiêu cực thì cho dù có thi theo hình thức nào nếu không quản lý chặt, không nâng cao đạo đức cán bộ thì cũng khó tránh khỏi.

-Bởi chuyện học hành không còn đơn giản như ta vẫn nghĩ nữa đó là bệnh thành tích, mà qua các vụ nâng điểm vừa rồi, cho thấy còn nghiêm trọng hơn nhiều đó là dấu hiệu hình thành cá đường dây mua bán điểm. Xem xét lại các dấu hiệu và phạm vi , tính chất và đối tượng vi pham đang nói lên điều đó.

-Chú nói đúng, các vụ nâng điểm vừa phát hiện tại một số tỉnh không còn là vì thành tích, mà rõ ràng là nhằm mục đích đỗ các trường HOT. Như vậy nếu cứ tổ chức kỳ thi 2 trong một như vửa rồi sẽ rất khó kiểm soát.

-Dù sao cũng cần bàn thêm về chuyện thi cử. Song cho dù thi thế nào, khoa học đến mấy cuối cùng cũng nhằm mục đích tìm ra được những học sinh xứng đáng thực thụ.

-Rõ là thế rồi và dù có thi thế nào vẫn phải quan tâm đến anh chấm thi; hiện đại đến mấy thì sự công bằng vẫn được quyết định từ phẩm chất của cán bộ từ coi thi đến chấm thi và quan trọng nhất là anh giám sát quản lý.

Thiện Tâm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/quan-trong-nhat-la-anh-giam-sat-78187.html