Quan trọng là niềm tin

Tại diễn đàn kinh tế diễn ra gần đây, ông Ketut Kusuma, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), cho rằng ở Việt Nam nguồn tiền nhàn rỗi 60 tỷ USD trong dân vẫn chưa được huy động.

Bởi lẽ Việt Nam vẫn chưa có nhiều kênh đầu tư sinh lời an toàn, hấp dẫn cho người dân. Bình luận về vấn đề này, một số chuyên gia kinh tế cho rằng đây là vấn đề không mới, nhưng “nói thì dễ, làm mới khó”.

Người dân chỉ có thể yên tâm bỏ tiền ra để mở rộng kinh doanh hoặc mua trái phiếu chính phủ khi môi trường kinh doanh thực sự an toàn. Vì thế, Nhà nước cần cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường tính minh bạch, tạo điều kiện để sản xuất kinh doanh phát triển.

Theo TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển, khi người dân chưa tin vào thị trường, chưa tin vào cách làm của Nhà nước sẽ rất khó huy động được vốn của người dân.

Muốn nguồn lực ẩn trong dân không nằm trong tủ, vấn đề đặt ra là Nhà nước phải ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Khi môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, sẽ kích thích người dân tự bỏ kinh doanh. Từ việc đầu tư sinh lợi nhuận, người dân sẽ có nghĩa vụ và trách nhiệm đóng thuế cho nhà nước.

Ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nói: “Cách đây không lâu, tôi đã nhiều lần nghe nói người Việt hàng năm bỏ ra hàng tỷ USD để mua nhà và đầu tư vào Hoa Kỳ, trong khi đất nước còn đang rất thiếu vốn để đầu tư phát triển, phải đi vay và tìm mọi cách để thu hút đầu tư.

Tình hình như vậy là không tốt, không bình thường và báo hiệu niềm tin trong đầu tư, làm ăn và sinh sống của người Việt trên đất nước đang giảm sút hoặc là có vấn đề tiêu cực khác”.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nếu xây dựng và củng cố lại niềm tin của người dân thành công, tự khắc người dân sẽ tự giác yên tâm bỏ vốn ra để đầu tư thay vì đợi Nhà nước phải kêu gọi như hiện nay.

Vì thế, ngoài tạo dựng và củng cố niềm tin với người dân bằng những chính sách đồng bộ và cụ thể như cải thiện môi trường đầu tư, tính minh bạch, cơ chế đảm bảo vốn đầu tư cho người dân, Nhà nước cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa việc chống tham nhũng, xây dựng Nhà nước trong sạch, giữ vững tính chất “vì dân” và phải coi đó là nhiệm vụ quan trọng nhất.

Lưu Thủy

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/tai-chinh/quan-trong-la-niem-tin-60995.html