Quan trọng là cách bạn ăn chứ không phải ăn gì?

Trong phương pháp ăn uống của vị bác sỹ người Nhật nổi tiếng Shinya, tỉ lệ giữa thức ăn thực vật chiếm 85%. Vô số người hay hỏi: 'Ăn ít thức ăn động vật như vậy thì cơ thể có bị thiếu protein không? Nhưng bí quyết không nằm ở chất xơ hay protein mà là nguyên tắc hàng đầu: Đồ ăn tươi sống!

Ăn chay vẫn giúp chúng ta khỏe mạnh

Với hơn 40 năm cống hiến cho ngành y, giáo sư Hiromi Shinya, một bác sĩ người Nhật hiện là giáo sư chuyên ngành phẫu thuật tại ĐH Y Albert Einstein, và là trưởng khoa nội soi BV Beth Israel (Mỹ) đã chữa bệnh cho hàng trăm nghìn bệnh nhân.

Qua quá trình nhận thông tin về chế độ ăn và dinh dưỡng của người bệnh trong suốt gần nửa thập kỷ làm nghề, cùng với việc so sánh với kết quả nội soi ruột già của họ, ông đã đưa ra một loạt các gợi ý về 1 phong cách sống và chế độ ăn uống giúp sống khỏe, tràn đầy sinh lực.

Ông gọi phong cách sống này là Shinya Biozyme. "Bác sỹ cho rằng bạn có thể sống thọ và khỏe mạnh mà không bị bệnh tật chỉ khi đường ruột sạch và chế độ ăn uống lành mạnh. Người có sức khỏe tốt là người có dạ dày đẹp, ngược lại, người có sức khỏe kém là người có dạ dày không đẹp.

Theo ông Shinya, protein không được tổng hợp trực tiếp mà từ mọi nguồn dinh dưỡng ta ăn vào. Cơ thể con người cũng giống như các loài động thực vật khác, được cấu thành từ thành phần chủ yếu là các protein. Tuy nhiên, dù có ăn các thực phẩm giàu protein như thịt, cá thì các chất protein trong đấy cũng chưa hẳn có thể sử dụng trực tiếp trong cơ thể con người.

Nguyên nhân là do dù có gọi chung là "protein" nhưng cấu trúc các axit amin cấu thành nên chúng lại rất khác nhau. Chính vì vậy, tại ruột của người, các protein được hấp thu từ bên ngoài sẽ được các enzyme tiêu hóa phân giải thành các đơn vị nhỏ nhất là các axit amin và các axit amin này sẽ được hấp thu vào thành ruột. Sau đó, các axit amin được hấp thu sẽ được tái tổ hợp lại trong cơ thể, tạo ra các protein cần thiết cho cơ thể con người..

Có khoảng 20 loại axit amin cấu thành nên protein trong cơ thể con người, trong đó có tám loại cơ thể không thể tự tổng hợp được. Tám loại này gồm có: "lysine", "methionine", "tryptophan", "valine", "threonine", "leucine", "isoleucine", "phenylalanine" và được gọi chung là các "axit amin thiết yếu".

Các axit amin thiết yếu này quan trọng đến mức dù chỉ thiếu một loại cũng có khả năng gây suy dinh dưỡng nghiêm trọng nên cần phải hấp thu qua các bữa ăn hàng ngày. Nơi tập trung toàn bộ các axit amin thiết yếu này chính là các protein động vật hay còn được gọi là "protein chất lượng cao".

Đó cũng là nguyên nhân vì sao dinh dưỡng học hiện đại luôn khuyên phải hấp thu protein động vật hàng ngày. Tuy nhiên, trong protein thực vật, mặc dù không có đầy đủ nhưng cũng chứa rất nhiều các axit amin thiết yếu. Trong các loại ngũ cốc, đậu, rau, nấm, rong biển… cũng có chứa rất nhiều các axit amin. Nhiều người phải kinh ngạc khi biết 37% rong biển chính là protein, hay một loại khác là tảo bẹ cũng được nhiều người biết đến là kho chứa axit amin.

Bác sỹ Shinya đưa ra lời khuyên về cách ăn uống lành mạnh.

Cách ăn quan trọng hơn ăn gì

Vậy, làm thế nào để có thể sống lâu và khỏe mạnh? Theo giáo sư Shinya, đơn giản là sống mà không tiêu tốn hết "enzyme diệu kỳ", là enzyme nguyên mẫu của hơn 5.000 loại enzyme trong cơ thể, đảm nhiệm các hoạt động duy trì sự sống của con người.

Các enzyme cần thiết này hình thành ngay trong tế bào của cơ thể sống và chúng ta còn có thể tự tổng hợp enzyme qua các bữa ăn hàng ngày.

Cách tiết kiệm ezyme đơn giản nhất là nhai kỹ. Các thức ăn thông thường được nhai kỹ sẽ tiêu hóa tốt hơn so với món cháo không được nhai. Tuy nhiên, lợi ích của việc nhai kỹ với cơ thể không chỉ dừng lại ở đấy.

Không cần ăn nhiều thịt cũng có thể có cơ thể săn chắc.

Lợi ích lớn nhất của thói quen này chính là giúp cơ thể tiết kiệm được enzyme diệu kỳ.

Khi ăn, mỗi lần tôi đều nhai 30 đến 50 lần. Như vậy, các loại thức ăn thông thường sẽ được nghiền nát hoàn toàn và sẽ tự trôi xuống cuống họng. Với các loại thức ăn cứng hay đồ khó tiêu, tôi sẽ nhai 70 đến 75 lần.

Nguyên nhân là cơ thể con người hoạt động theo cơ chế càng nhai kỹ càng kích thích tiết nước bọt, đồng thời giúp thức ăn được trộn đều với dịch dạ dày và dịch mật, hỗ trợ quá trình tiêu hóa.

Kích thước thức ăn mà thành ruột có thể hấp thu được là 15 micron (tương đương 0,015 millimeter). Với những thức ăn lớn hơn kích thước này sẽ không được hấp thu mà bị đào thải ra ngoài. Chính vì vậy, nếu không nhai kỹ, dù bạn có ăn no mười phần thì cơ thể cũng chỉ hấp thu được ba phần mà thôi.

Khi nghe đến chuyện này, nhiều cô gái trẻ cho rằng: "nếu không hấp thu được thì không bị béo, thế chẳng phải tốt hơn sao". Tuy nhiên, vấn đề lại không đơn giản như vậy.

Bởi những thức ăn không được tiêu hóa, hấp thu sẽ bị thối và lên men bất thường trong ruột. Khi thức ăn bị thối sẽ sinh ra các chất độc hại và các chất độc này khiến cơ thể phải tiêu một lượng lớn enzyme để giải độc. Hơn nữa, các loại thức ăn dễ tiêu cũng sẽ biến thành khó tiêu, làm thay đổi tỷ lệ hấp thu của cơ thể.

Do đó, dù bạn có thực hiện chế độ ăn cân đối thì cũng có khả năng bị thiếu chất. Đặc biệt, với các chất vi lượng, nguy cơ bị thiếu chất là rất cao. Trong những năm gần đây, số lượng người bị béo phì do thừa calo song vẫn bị thiếu chất ngày càng tăng.

Chắc chắn một điều, bản thân mỗi loại thực vật đều không chứa đầy đủ các axit amin thiết yếu. Tuy nhiên, bạn hãy nghĩ xem, chúng ta không thể chỉ ăn một loại rau trong bữa ăn của mình đúng không. Trong bữa ăn của người Nhật đều có món chính là ngũ cốc, các món phụ và súp. Chính vì vậy, nếu khéo léo kết hợp các món thực vật trong bữa ăn, bạn vẫn có thể hấp thu đủ các axit amin thiết yếu cho cơ thể. Có thể khẳng định, bạn sẽ giảm cân nếu thực hiện đúng chế độ dinh dưỡng của giáo sư Shinya. Đơn giản là cơ thể giảm tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, nhai kỹ no lâu.

Từ đó, bạn sẽ kiểm soát được các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, cholesterol máu cao và bệnh tim. Còn lý thuyết dinh dưỡng học của vị bác sỹ này chưa được công nhận chính thức mà chỉ được các bệnh nhân của ông và chính bản thân ông kiểm chứng bằng cơ thể khỏe mạnh và được chữa lành nhiều căn bệnh của thời đại, bao gồm cảm cúm, sổ mũi, sốt và thậm chí là cả ung thư.

Chí Tùng

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/quan-trong-la-cach-ban-an-chu-khong-phai-an-gi-111733.html