Quán triệt nội dung cơ bản của Luật Tố cáo và Luật bảo vệ bí mật Nhà nước

Ngày 7-3, Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP Hà Nội tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt một số nội dung cơ bản của Luật Tố cáo và Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước cho cán bộ, viên chức, người lao động đang làm việc tại Sở Tư pháp. Báo cáo viên là TS. Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ.

Thông tin về những nội dung cơ bản của Luật Tố cáo, TS. Đinh Văn Minh nêu sự cần thiết xây dựng Luật Tố cáo, trong đó nêu rõ: Việc xây dựng Luật Tố cáo năm 2018 nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Tố cáo năm 2011. Đó là thẩm quyền giải quyết tố cáo của Luật Tố cáo năm 2011 chưa quy định nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo trong các trường hợp tố cáo việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác hoặc không còn là cán bộ, công chức viên chức…

Luật Tố cáo năm 2011 quy định những nội dung cơ bản về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo nhưng một số quy định thiếu chặt chẽ, chưa cụ thể trong việc xử lý đối với một số tình huống như tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo; quy định việc rút đơn tố cáo; tạm dừng, đình chỉ giải quyết tố cáo, tố cáo tiếp và giải quyết tố cáo tiếp.

Về tổ chức thi hành kết luận nội dung tố cáo, Luật năm 2011 chưa quy định rõ nên diễn ra tình trạng có nhiều kết luận, quyết định xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo đã ban hành có hiệu lực pháp luật nhưng không được cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm minh.

Đồng chí Hồ Xuân Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội phát biểu khai mạc Hội nghị (ảnh T.A)

Đồng chí Hồ Xuân Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội phát biểu khai mạc Hội nghị (ảnh T.A)

Về bảo vệ người tố cáo, Luật Tố cáo năm 2011 và các văn bản hướng dẫn thi hành bước đầu đã đưa ra quy định về các biện pháp bảo vệ người tố cáo. Tuy nhiên, các quy định này còn khó thực hiện, chưa tạo được cơ chế pháp lý cần thiết để bảo vệ người tố cáo một cách hiệu quả và thực chất. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là cần có các quy định pháp luật cụ thể, chi tiết nhằm bảo vệ kịp thời, hiệu quả người tố cáo và người thân của người tố cáo.

Việc xây dựng Luật Tố cáo mới nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền tổ cáo của công dân là quyền con người; đồng thời nhằm tiếp tục quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Luật Tố cáo năm 2018 gồm 9 chương, 67 điều tiếp tục kế thừa quy định của Luật năm 2011 về phạm vi điều chỉnh, trong đó quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo với 2 nhóm hành vi vi phạm pháp luật: Tố cáo hành vi vi phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Bên cạnh đó, Luật Tố cáo còn quy định vấn đề bảo vệ người tố cáo; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo.

Đối với Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, theo TS. Đinh Văn Minh, Luật quy định bí mật Nhà nước là thông tin quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định, chưa công khai, nếu bị lộ, bí mật có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia dân tộc.

TS. Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện KHoa học Thanh tra, Thanh tra Chính phủ trình bày những nội dung cơ bản của 2 Luật tại Hội nghị (ảnh T.A)

Các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Làm lộ, chiếm đoạt, mua bán bí mật nhà nước; làm sai lệch, hư hỏng, mất tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; thu thập, trao đổi, cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước trái pháp luật; soạn thảo, lưu giữ tài liệu chứa nội dung bí mật nhà nước trên máy tính hoặc thiết bị khác đã kết nối hoặc đang kết nối với mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông…; truyền đưa bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin, viễn thông trái quy định; đăng tải, phát tán bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, internet, mạng máy tính và mạng viễn thông…

Báo cáo viên cũng thông tin về phạm vi bí mật nhà nước, danh mục bí mật nhà nước, thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước/gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước; giải mật; hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước.

Với mỗi nội dung sửa đổi, đáng chú ý của các Luật, báo cáo viên đều nêu ra những ví dụ, dẫn chứng cụ thể về những vướng mắc gặp phải trong quá trình thực thi Luật.

T. An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/quan-triet-noi-dung-co-ban-cua-luat-to-cao-va-luat-bao-ve-bi-mat-nha-nuoc-139220.html