Quản trị tài chính theo hướng tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình

Sáng 12/12, khóa bồi dưỡng tập huấn cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán mô – đun 3 về quản trị tài chính theo hướng tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình được khai mạc tại TP Đà Nẵng.

Toàn cảnh buổi khai mạc khóa bồi dưỡng, tập huấn.

Toàn cảnh buổi khai mạc khóa bồi dưỡng, tập huấn.

Khóa tập huấn, bồi dưỡng được Bộ GD&ĐT giao cho Học viện Quản lý Giáo dục tổ chức thực hiện.

Phát biểu khai mạc, GS.TS Phạm Quang Trung – Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục nhấn mạnh, bất kỳ lãnh đạo nào cũng cần quản trị được con người và tài chính. Mô – đun 3 là một trong những nội dung của khóa tập huấn cho cán bộ quản lý để triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trước khóa tập huấn này, cán bộ quản lý cơ sơ giáo dục phổ thông được tập huấn 2 mô – đun: quản trị hoạt động dạy – học, giáo dục và quản trị nhân sự trong nhà trường. Vì thế tài liệu mô – đun 3 được xây dựng có sự kết nối, liên thông của 2 mô – đun trước.

GS.TS Phạm Quang Trung phát biểu khai mạc khóa bồi dưỡng.

Ngay sau lễ khai mạc, 200 cán bộ quản lý giáo dục trường tiểu học đến từ 6 địa phương: Gia lai, Đắc Lắk, Đắc Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận và Kon Tum - bước buổi học đầu tiên của khóa bồi dưỡng, tập huấn này.

Theo kế hoạch, các học viên được tập huấn, bồi dưỡng 5 nội dung chính gồm: Cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong giáo dục và các yêu cầu nhiệm vụ của hiệu trưởng trường tiểu học trong quản trị tài chính; Quản trị tài chính trường tiểu học theo hướng tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình, hướng tới nâng cao kết quả giáo dục học sinh; hoạt động quản trị tài chính trong tường tiểu học hướng tới kết quả giáo dục học sinh tốt hơn; Huy động và sử dụng các nguồn tài trợ cho trường tiểu học; xây dựng kế hoạch tự học và hỗ trợ đồng nghiệp trong quản trị tài chính trường tiểu học.

Thầy Nguyễn Trọng Ngoạn – Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Phú Hòa (Chư Păh, Gia Lai).

Tham dự lớp tập huấn, thầy Nguyễn Trọng Ngoạn – Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Phú Hòa (Chư Păh, Gia Lai) mong muốn có thêm nhiều kiến thức về quản trị tài chính để vận dụng vào công việc của mình tại nhà trường. Đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch tài chính của đơn vị theo từng năm.

“Trước đây, công việc này chủ yếu do kế toán xây dựng; sau đó trình hiệu trưởng phê duyệt; nhưng qua lớp tập huấn này; mình sẽ có kiến thức, năng lực để kiểm tra, thẩm định lại kế hoạch tài chính của nhà trường; tránh những sai sót không đáng có. Mặt khác, có cơ sở để báo cáo, giải trình với cấp trên cũng như phụ huynh và xã hội” – thầy Ngọan chia sẻ.

Yêu cầu cần đạt được của mô – đun 3 là: Khái quát được nguyên tắc, quy định chung về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và yêu cầu, nhiệm vụ của hiệu trưởng trường tiểu học; phân tích được mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ quản trị tài chính ở trường tiểu học theo hướng tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình, hướng tới nâng cao kết quả giáo dục học sinh; phác thảo hoạt động quản trị tài chính trong trường tiểu học hướng tới kết quả giáo dục học sinh; xây dựng được kế hoạch vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cho trường tiểu học; xây dựng được kế hoạch tự học và hỗ trợ đồng nghệp về quản trị tài chính trường tiểu học.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/quan-tri-tai-chinh-theo-huong-tang-cuong-tu-chu-va-trach-nhiem-giai-trinh-VzDpIp1Gg.html