Quản trị tài chính của các doanh nghiệp xây lắp ngành GTVT trong công tác tăng cường quản lý CLCTGT năm 2011

Báo cáo của Vụ Tài chính tại Hội nghị tăng cường quản lý chất lượng công trình giao thông năm 2011 về vấn đề quản trị tài chính của các doanh nghiệp xây lắp ngành GTVT

I - Một số vấn đề về cơ chế tài chính của Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu

Để thực hiện chuyển đổi DNNN, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19/3/2010 về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên và tổ chức quản lý công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ 05/5/2010.

Căn cứ quy định tại Nghị định trên, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 117/2010/TT-BTC ngày 05/8/2010 hướng dẫn cơ chế tài chính của công ty TNHH một thành viên và tổ chức quản lý công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2010. Trong đó có một số nội dung liên quan đến quản trị tài chính doanh nghiệp xây lắp (công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu) ngành GTVT như sau:

1. Xác định vốn điều lệ

- Vốn điều lệ của công ty TNHH một thành viên tại thời điểm chuyển đổi là số vốn chủ sở hữu thực có sau khi xử lý tài chính theo quy định.

- Vốn điều lệ của công ty TNHH một thành viên thành lập mới được xác định bằng 30% tổng mức vốn đầu tư để đảm bảo cho công ty hoạt động bình thường theo quy mô, công suất thiết kế.

- Công ty TNHH một thành viên đang hoạt động có nhu cầu tăng vốn điều lệ: Vốn điều lệ điều chỉnh tăng thêm = Vốn điều lệ được duyệt + 30% tổng mức vốn đầu tư các dự án đầu tư thuộc ngành nghề kinh doanh chính được cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện trong năm báo cáo.

- Đối với Công ty TNHH một thành viên do Bộ GTVT là chủ sở hữu thì thẩm quyền và nghĩa vụ liên quan đến vốn điều lệ thuộc về Bộ GTVT.

2. Huy động vốn

- Hình thức huy động vốn: Phát hành trái phiếu, vay vốn của các tổ chức ngân hàng, tín dụng, các tổ chức tài chính khác, của cá nhân, tổ chức ngoài công ty, vay vốn của người lao động và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của pháp luật.

- Công ty được quyền chủ động huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh trong phạm vi hệ số nợ phải trả trên vốn điều lệ của công ty không vượt quá 3 lần.

- Bộ GTVT sẽ quyết định các vấn đề liên quan đến huy động vốn trong trường hợp:

+ Hợp đồng huy động vốn có giá trị lớn hơn hoặc bằng 50% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp; hoặc nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ.

+ Công ty vay vốn vượt quá 3 lần vốn điều lệ.

3. Đầu tư vốn ra ngoài Công ty TNHH một thành viên

- Các công ty phải sử dụng tối thiểu 70% tổng nguồn vốn đầu tư vào các hoạt động trong các lĩnh vực thuộc ngành nghề kinh doanh chính của công ty. Tổng mức đầu tư ra ngoài công ty (bao gồm đầu tư ngắn hạn và dài hạn) không vượt qua mức vốn điều lệ của công ty (bao gồm công ty mẹ trong Tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ - công ty con, công ty thành viên hạch toán độc lập). Riêng đối với hoạt động đầu tư góp vốn vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, công ty chỉ được đầu tư vào mỗi lĩnh vực một doanh nghiệp, mức đầu tư không vượt quá 20% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn nhưng phải đảm bảo mức vốn góp của công ty mẹ và các công ty con trong Tập đoàn, Tổng công ty không vượt quá 30% vốn điều lệ của tổ chức nhận vốn góp.

- Công ty không được tham gia góp vốn mua cổ phần của các doanh nghiệp khác mà người quản lý, điều hành hoặc người chủ sở hữu chính của doanh nghiệp này là vợ hoặc chồng, bố mẹ, con, anh chị em ruột của thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Ban Giám đốc, Kế toán trưởng công ty đó; không được góp vốn hoặc mua cổ phần tại Quỹ đầu tư mạo hiểm, Quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán.

- Công ty có mức vốn đầu tư ra ngoài vượt quá mức vốn điều lệ hoặc đã đầu tư vào Quỹ đầu tư mạo hiểm, Quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán thì trong thời gian 2 năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực phải thực hiện điều chỉnh lại mức đầu tư theo quy định tại Thông tư này.

- Đối với việc đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp, Bộ GTVT sẽ quyết định:

+ Quyết định việc góp vốn vào công ty khác.

+ Phê duyệt hợp đồng cho vay có giá trị từ 50% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp trở lên.

+ Quyết định các dự án đầu tư ra ngoài có giá trị từ 50% vốn điều lệ trở lên.

+ Quyết định việc góp vốn liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài.

4. Quản lý các khoản nợ phải thu, nợ phải trả

- Nợ phải thu

+ Công ty có trách nhiệm xây dựng, ban hành quy chế quản lý các khoản phải thu, phân công và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc theo dõi, thu hồi, thanh toán các khoản công nợ; mở sổ theo dõi các khoản nợ theo từng đối tượng nợ, thường xuyên phân loại các khoản nợ, đôn đốc thu hồi nợ.

+ Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc công ty có trách nhiệm xử lý kịp thời các khoản nợ phải thu khó đòi, nợ không thu hồi được. Nếu không xử lý kịp thời các khoản nợ không thu hồi được nêu trên thì Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc công ty sẽ bị miễn nhiệm như trưởng hợp báo cáo không trung thực tình hình tài chính của công ty từ 02 lần trở lên. Nếu vì không xử lý kịp thời dẫn đến thất thoát vốn của chủ sở hữu tại công ty thì phải chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu và trước pháp luật.

- Nợ phải trả

+ Công ty phải mở sổ theo dõi đầy đủ các khoản nợ phải trả gồm cả các khoản lãi phải trả.

+ Thường xuyên xem xét, đánh giá, phân tích khả năng thanh toán nợ của công ty, phát hiện sớm tình hình khó khăn trong thanh toán nợ để có giải pháp khắc phục kịp thời, không để phát sinh các khoản nợ quá hạn.

5. Quản lý chi phí

Công ty phải quản lý chặt chẽ các khoản chi phí để giảm chi phí và giá thành sản phẩm nhằm tăng lợi nhuận bằng các biện pháp quản lý chủ yếu sau:

- Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các định mức kinh tế - kỹ thuật phù hợp với đặc điểm kinh tế - kỹ thuật, ngành, nghề kinh doanh, mô hình tổ chức quản lý, trình độ trang bị của công ty.

- Phải định kỳ tổ chức phân tích chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm của công ty nhằm phát hiện những khâu yếu, kém trong quản lý, những yếu tố làm tăng chi phí, giá thành sản phẩm để có giải pháp khắc phục kịp thời.

6. Báo cáo tài chính

Cuối kỳ kế toán, công ty phải lập, trình bày và gửi các báo cáo tài chính và báo cáo thống kê theo quy định của pháp luật. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty (đối với công ty không có Hội đồng thành viên) chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các báo cáo này. Công ty phải thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính năm theo quy định của pháp luật.

II - Một số vần đề về thực trạng quản lý tài chính của các Tổng công ty xây lắp giao thông

Căn cứ các quy định tại Thông tư số 117/2010/TT - BTC ngày 05/8/2010 của Bộ Tài chính nêu ở phần trên; Căn cứ báo cáo tài chính năm 2009 đã được kiểm toán, báo cáo nhanh tình hình tài chính 6 tháng đầu năm 2010 của các Tổng công ty xây lắp giao thông và các tài liệu có liên quan cho thấy thực trạng quản lý tài chính (Vốn điều lệ, huy động vốn, đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, quản lý công nợ) của các Tổng công ty xây lắp như sau:

1. Các Tổng công ty xây lắp có đặc điểm chung là vốn điều lệ thấp, hệ số nợ lớn, gánh chịu hậu quả của thời gian trước đề lại vì vậy kết quả kinh doanh còn hạn chế. Mặc dù qua báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của 7 Công ty mẹ Tổng công ty xây lắp có lãi, nhưng vẫn tiềm ẩn khả năng rủi ro; đặc biệt, các doanh nghiệp thành viên 100% vốn nhà nước và một số công ty con là công ty cổ phần của các Tổng công ty này hoạt động hiệu quả thấp (trong đó đặc biệt là 18 doanh nghiệp thuộc 07 Tổng công ty đã thua lỗ âm vốn nhà nước và đã được Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh sách cơ cấu nợ để chuyển đổi). Vì vậy, về tổng thể khi hợp nhất toàn Tổng công ty thì một số Tổng công ty xây lắp có tình hình tài chính còn khó khăn. Đặc biệt là Tổng công ty xây dựng đường thủy, Tổng công ty Xây dựng Thăng Long khi hợp nhất báo cáo tài chính thì 6 tháng đầu năm 2010 có kết quả kinh doanh bị lỗ; vốn chủ sở hữu âm. Đối với 18 doanh nghiệp thua lỗ nêu trên, đến nay Bộ Giao thông vận tải đã xử lý tồn tại tài chính (thông qua hoạt động mua bán nợ) được 7 công ty thuộc 4 Tổng công ty. Việc xử lý đối với các doanh nghiệp còn lại cũng hết sức khó khăn do vướng mắc về cơ chế, thủ tục (đặc biệt là vấn đề cơ chế xử lý nợ, về đất đai); do các đơn vị kinh doanh thua lỗ quá lớn…

2. Về huy động vốn (công nợ phải trả): Đối với các Tổng công ty xây lắp nhìn chung hệ số nợ cao, đều quá 3 lần vốn điều lệ. Trong đó có những Tổng công ty có hệ số nợ phải trả lớn như Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6.... Hệ số nợ lớn ngoài nguy cơ mất khả năng thanh toán còn làm cho chi phí lãi vay lớn, doanh nghiệp bị động dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp, không có tích lũy.

3. Về đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp:

- Nhìn chung, các Tổng công ty xây lắp đầu tư ra ngoài doanh nghiệp theo đúng quy định. Tuy nhiên, còn có trường hợp như Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 có tổng mức đầu tư ra ngoài doanh nghiệp vượt quá vốn điều lệ. Đơn vị cần tập trung xây dựng lộ trình xử lý trong năm 2011 và giám sát chặt chẽ các khoản đầu tư để tránh rủi ro.

- Ngoài ra, một số Tổng công ty xây lắp có hoạt động đầu tư ( không phải đầu tư ra ngoài) vào các lĩnh vực bất động sản, thủy điện…Do đây là những lĩnh vực có hiệu quả những cũng ẩn chứa nhiều rủi ro vì vậy các Tổng công ty cần giám sát chặt chẽ để kiểm soát các dự án đã đầu tư.

III - Kiến nghị

Để nâng cao chất lượng xây dựng các công trình giao thông, một trong những điều kiện quan trọng là phải nâng cao năng lực tài chính của các Tổng công ty xây lắp ngành giao thông. Vì vậy trong thời gian tới cần có các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản trị tài chính của các Tổng công ty xây lắp như sau:

1. Cần tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp đặc biệt là công tác quản lý các đội thi công. Đối với các đội thi công hạch toán phụ thuộc cần tăng cường cán bộ kế toán đủ năng lực để thực hiện công tác hạch toán đầy đủ, chính xác, cung cấp thông tin kịp thời, hiệu quả cho công tác quản lý sản xuất kinh doanh. Đối với các đội thi công hoạch toán ghi sổ cần tăng cường cán bộ đủ năng lực có khả năng làm tốt công tác thống kế, báo cáo kịp thời về công ty để phục vụ công tác hạch toán kế toán.

2. Cần tập trung đầu tư bổ sung có hiệu quả cho thiết bị thi công đặc biệt ở cấp tổng công ty để năng cao năng lực thi công các dự án với quy mô lớn. Thực hiện áp dụng phương pháp trích khấu hao tài sản cho phù hợp và đúng quy định. Các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả kinh tế cao cần xem xét khả năng trích khấu hao nhanh nhưng phải đảm bảo kinh doanh có lãi.

3. Cần chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, kế toán tại các doanh nghiệp; tăng cường công tác quản lý chi phí, đảm bảo quản lý công nợ đặc biệt là các khoản tạm ứng cho các Đội thi công để nâng cao hiệu quả kinh doanh; Có biện pháp quản lý chặt chẽ công nợ để trước mắt không tăng thêm hệ số nợ, thực hiện các giải pháp quyết liệt để giảm dần hệ số nợ theo quy định. Thực hiện phân loại công nợ phải thu và có biện pháp thu hồi đối với các khoản nợ đã quá hạn; thực hiện việc trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo quy định.

4. Sau khi chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên đề nghị các đơn vị khẩn trương hoàn thành các thủ tục pháp lý; xây dựng điều lệ, quy chế tài chính và ổn định tổ chức để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Trong đó cần chú trọng đến công tác quản trị doanh nghiệp; quản lý chặt chẽ các vấn đề về công nợ, các hoạt động đầu tư đặc biệt là đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành sản xuất kinh doanh chính. Đối với các doanh nghiệp có số vốn đầu tư ra ngoài vượt quá quy định phải xây dựng lộ trình xử lý theo quy định.

5. Hiện nay, việc huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây lắp đã vượt thẩm quyền quyết định của Hội đồng thành viên (hệ số nợ phải trả lớn hơn 3 lần vốn điều lệ). Vì vậy, đối với các doanh nghiệp này tiếp tục có nhu cầu huy động vốn, yêu cầu doanh nghiệp phải xây dựng phương án huy động vốn có hiệu quả trình Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định.

6. Đối với doanh nghiệp có đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp vượt quy định tại Thông tư số 117/2010/TT-BTC (Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1) cần xây dựng lộ trình cơ cấu lại danh mục đầu tư vốn để đảm bảo việc đầu tư ra ngoài doanh nghiệp theo đúng quy định.

7. Tập trung quản lý, giám sát các dự án đầu tư của doanh nghiệp có quy mô lớn, đầu tư vào các lĩnh vực không thuộc ngành nghề kinh doanh chính hoặc chưa phát huy hiệu quả.

8. Cần tăng cường quản lý, giám sát các công ty con là công ty cổ phần đặc biệt là quản lý, giám sát thông qua người đại diện tránh hiện tượng việc giám sát không có hiệu lực, hiệu quả (hiện có khá nhiều công ty con đang hoạt động kém hiệu quả). Đối với những công ty con kinh doanh thua lỗ, có lỗ lũy kế cần kiểm tra, rà soát và có biện pháp khắc phục kịp thời hoặc thoái vốn để tập trung vốn vào các lĩnh vực có hiệu quả theo quy định.

9. Các doanh nghiệp cần thường xuyên tự kiểm tra, rà soát nghiêm túc và có báo cáo đầy đủ, kịp thời và trung thực tình hình tài chính, đặc biệt là tình hình tài chính của các công ty con, trong đó cần có giải pháp kiến nghị cụ thể.

10. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có giá trị đầu tư lớn; tình hình tài chính có biểu hiện khó khăn, năng lực quản lý hạn chế để kịp thời nắm bắt tình hình, giúp doanh nghiệp kịp thời phát hiện những hạn chế đồng thời đưa ra những cảnh báo, biện pháp chấn chỉnh phù hợp.

Vụ Tài chính

Nguồn Bộ GTVT: http://mt.gov.vn/vn/tin-tuc/8485/quan-tri-tai-chinh-cua-cac-doanh-nghiep-xay-lap-nganh-gtvt-trong-cong-tac-tang-cuong-quan-ly-clctgt-nam-2011.aspx