Quản trị công ty là lựa chọn chứ không phải bắt buộc

Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam Hà Thu Thanh khẳng định: 'Quản trị công ty là lựa chọn chứ không phải bắt buộc nên doanh nghiệp một khi đã tham gia cần phải vượt qua mức yêu cầu thấp nhất là tuân thủ pháp luật để tối ưu hóa lợi ích từ quản trị công ty'.

Chia sẻ tại hội thảo “Tư duy lãnh đạo và Thực thi quản trị hiệu quả về Biến đổi khí hậu gắn với Phát triển bền vững” vừa diễn ra, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đánh giá quản trị công ty như một công việc tất yếu doanh nghiệp phải làm, có gắn bó mật thiết với năng lực cạnh tranh của công ty. Với một thị trường mới nổi như thi trường chứng khoán Việt Nam, việc áp dụng và cải thiện quản trị công ty yêu cầu một lộ trình thay đổi đầy đủ mà HĐQT giữ vai trò chủ động tiếp cận với xu thế toàn cầu, tích hợp nội dung vào chương trình nghị sự và cần chủ động hành động”.

Cùng với cam kết phát thải ròng bằng “0” được đưa ra bởi Chính phủ, hệ thống quy định pháp luật sẽ tiếp tục được kiện toàn. Theo đó, đây cũng chính là con đường tất yếu và là một cơ hội trên hành trình phát triển doanh nghiệp một cách bền vững. Tại quốc gia nơi phát triển bền vững vẫn chưa đi sâu vào thực tiễn như Việt Nam, HĐQT thay đổi tư duy một cách đồng nhất với cam kết để có thể quản trị công ty một cách hiệu quả từ đó thúc đẩy mục tiêu này trở thành ưu tiên dài hạn ở cấp độ toàn doanh nghiệp và đảm bảo một tương lai bền vững.

Bà Hà Thu Thanh khẳng định: “Quản trị công ty là lựa chọn chứ không phải bắt buộc nên doanh nghiệp một khi đã tham gia cần phải vượt qua mức yêu cầu thấp nhất là tuân thủ pháp luật để tối ưu hóa lợi ích từ quản trị công ty”.

Cùng với xu thế tất yếu của phát triển bền vững, Deloitte Toàn cầu đã triển khai nhiều chiến lược nhằm thúc đẩy lựa chọn có trách nhiệm với khí hậu trong tổ chức và lan tỏa đến cả hệ sinh thái gồm khách hàng, đối tác và các bên liên quan khác, điển hình là chiến dịch WorldClimate.

Ngoài ra, Deloitte Toàn cầu đầu tư một tỷ USD vào nghiên cứu Phát triển bền vững & Biến đổi khí hậu (Sustainability & Climate), bao gồm phát triển các dịch vụ liên quan đến khách hàng, nghiên cứu và năng lực dựa trên dữ liệu. Deloitte Việt Nam chính thức ra mắt dịch vụ Phát triển Bền vững & Biến đổi Khí hậu (Sustainability & Climate), nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đa quốc gia, cũng như các doanh nghiệp Việt Nam xác định và triển khai lộ trình phát triển bền vững hơn.

Cụ thể từ việc xác định lại chiến lược, lồng ghép các cân nhắc bền vững vào hoạt động, đáp ứng các yêu cầu về thuế, công bố thông tin và quy định, đến giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của các tổ chức và chuỗi giá trị.

Ông Guy William, Giám đốc Phát triển bền vững Deloitte Việt Nam cho rằng, khí hậu và phát triển bền vững là vấn đề quan trọng đối với doanh nghiệp.

Cụ thể, khí hậu và phát triển bền vững có thể mang lại lợi ích cao cho chất lượng cuộc sống của người dân, bao gồm các bên có lợi ích liên quan trực tiếp và gián tiếp trung chuỗi cung ứng của công ty, bảo vệ hệ sinh thái và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên cho các thế hệ tương lai; gắn với cách tiếp cận toàn diện của tổ chức bao gồm các khâu trong quy trình từ sản xuất, hậu cần, đến dịch vụ khách hàng; việc tạo dựng giá trị chính là tác động của tính bền vững lên chi phí vốn của một công ty. Khi các công ty tập trung vào tính bền vững thì xu hướng ít bị tổn thương hơn trước các rủi ro hệ thống. Các doanh nghiệp có thể đạt được tiến bộ trong việc mang lại giá trị bền vững cho các bên có lợi ích liên quan.

 (Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

“Sự tập trung vào khí hậu và phát triển bền vững chủ yếu chịu sự thúc đẩy từ người tiêu dùng, các cơ quan quản lý và nhà đầu tư, vì ngày càng có nhiều nhu cầu về các thực hành môi trường bền vững và công bằng từ các công ty trên khắp Việt Nam, khắp Đông Nam Á và trên toàn cầu”, ông Guy Williams cho hay.

Theo khảo sát của Deloitte, 54% các nhà đầu tư toàn cầu được khảo sát coi đầu tư bền vững là nền tảng cho các quy trình và kết quả đầu tư; 77% những người chọn quỹ được khảo sát coi phân tích yếu tố khí hậu và phát triển bền vững là một phần không thể thiếu của đầu tư có trách nhiệm; 52% các nhà đầu tư toàn cầu được khảo sát tin rằng tiêu chuẩn hóa các phương pháp đo lường khí hậu là một trong những lĩnh vực cần được phát triển nhất.

Phát triển bền vững, bao gồm các mối quan tâm về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) không phải là một khái niệm mới. Tuy nhiên, thế giới đang thực sự thức tỉnh khi biết rằng cần phải hành động nhanh và mạnh mẽ hơn nữa nhằm giải quyết những thách thức đang phải đối mặt trước khi quá muộn. Trách nhiệm thuộc về tất cả mọi người, từ chính phủ, doanh nghiệp, nhà đầu tư đến từng cá nhân, trong đó HĐQT đóng vai trò chính để thúc đẩy hành động trong mỗi doanh nghiệp.

Theo báo cáo Phát triển bền vững CxO của Deloitte 2022, khoảng cách giữa tham vọng và hành động, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao trên toàn cầu ngày càng quan ngại đến tác động của biến đổi khí hậu. Dẫu vậy, họ cũng đang gặp nhiều thách thức trong việc lồng ghép yếu tố bền vững vào chiến lược kinh doanh, hoạt động điều hành và văn hóa cốt lõi của doanh nghiệp.

Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Các nhà lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp, các Giám đốc điều hành (CEO) và ban điều hành đang nhận thấy những cách thức mới trong chương trình hành động chống biến đổi khí hậu và đưa mục tiêu phát triển bền vững vào doanh nghiệp của họ.

Các doanh nghiệp có thể ở những mức độ thách thức và có những mối quan ngại khác nhau trên hành trình chống biến đổi khí hậu, nhưng tất cả đều cần nhanh chóng chuyển từ giai đoạn “tại sao” sang “làm thế nào” với những phương thức tiếp cận riêng. Một trong những thách thức lớn nhất mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt hiện nay là “Làm thế nào để tiếp cận và thực thi các thông lệ tốt trên thế giới về quản trị biến đổi khí hậu một cách hiệu quả?”.

An Nhiên

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/quan-tri-cong-ty-la-lua-chon-chu-khong-phai-bat-buoc-d33241.html