Quản trị công ty, cần vượt qua sự hình thức

Có vai trò quan trọng trong mang lại những giá trị thực lâu bền cho công ty, nhưng góc nhìn của chuyên gia cho thấy, hoạt động quản trị công ty ở Việt Nam vẫn còn mang tính hình thức, chiếu lệ...

Còn hình thức

Khác với hoạt động điều hành có độ “động” cao để kịp xử lý các sự vụ phát sinh hàng ngày, hoạt động quản trị công ty vốn đòi hỏi tính ổn định, nhằm giúp doanh nghiệp có một chiến lược dài hơi trên đường hướng phát triển.

Thế nhưng, trong môi trường kinh doanh đầy biến động như hiện tại, theo góc nhìn của chính những nhà quản trị doanh nghiệp, cũng như các chuyên gia, quản trị công ty cũng phải có độ “động” cao mới bắt kịp xu thế phát triển.

Chia sẻ tại Diễn đàn thường niên “Nâng cao năng lực lãnh đạo hội đồng quản trị hướng tới thành công tương lai”, do Viện Thành viên hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) vừa tổ chức, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Hội đồng quản trị Dragon Capital, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị VIOD nhìn nhận, bài toán khó giải với hoạt động quản trị công ty ở thời điểm hiện tại, cũng như thời gian tới là cuộc chiến thương mại đang diễn biến phức tạp, khó lường, khi mà nó không dừng lại ở Mỹ - Trung, mà còn là Nhật - Hàn, Mỹ - EU, rồi Brexit…

Trong bối cảnh đó, suy giảm kinh tế toàn cầu đã hiển hiện. Tuy nhiên, dường như Việt Nam là một “ốc đảo”, khi tăng trưởng kinh tế tiếp tục duy trì ở tốc độ cao hàng đầu thế giới, nền tảng vĩ mô tiếp tục tích cực.

“Với những dữ liệu đầu vào trái chiều như vậy, việc đưa ra lời giải cho bài toán quản trị công ty hiệu quả là không đơn giản với những người ngồi trong hội đồng quản trị ở các công ty tại Việt Nam. Điều này đòi hỏi hoạt động quản trị doanh nghiệp thời này phải có nhiều đổi mới để giúp doanh nghiệp sẵn sàng thích ứng, vượt qua khó khăn, thách thức của môi trường kinh doanh”, ông Dominic Scriven chia sẻ.

Một cái khó khác với nghề quản trị công ty ở Việt Nam là mặt bằng trình độ quản trị đang thấp, khiến cho các nỗ lực cải cách, nâng cao chất lượng quản trị công ty đối mặt với nhiều lực cản.

Là chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục điều hành và nguồn nhân lực chiến lược trên toàn cầu, bà Elisa Mallis, Giám đốc điều hành kiêm Phó chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung tâm lãnh đạo sáng tạo (CCL) cho hay, kết quả nghiên cứu về trình độ phát triển quản trị công ty ở khu vực châu Á cho thấy đã trải qua ba giai đoạn rõ nét.

Ở giai đoạn 1, với sự tham gia của cổ đông tập trung ở các doanh nghiệp gia đình, doanh nghiệp nhà nước, nhiều hội đồng quản trị ở các công ty còn hoạt động hình thức, thiếu vắng vai trò của các thành viên hội đồng quản trị độc lập. Điều này khiến cho các hoạt động quản trị công ty bộc lộ nhiều khiếm khuyết.

Với giai đoạn 2, hội đồng quản trị ở các công ty dần trở nên độc lập hơn khi có thêm cơ cấu tổ chức mới, mà điển hình là ủy ban kiểm toán.

Ở giai đoạn 3, trách nhiệm của hội đồng quản trị được phân định rõ nét so với vai trò điều hành thường nhật của ban điều hành, tổng giám đốc. Cùng với đó, trách nhiệm giải trình của hội đồng quản trị cũng được nâng cao...

“Soi chiếu vào đặc điểm của ba giai đoạn phát triển đó, hoạt động quản trị công ty ở Việt Nam đa phần đang ở giai đoạn 1, chỉ manh nha giai đoạn 2, có nghĩa là còn mang tính hình thức, nhất là hoạt động của thành viên hội đồng quản trị độc lập.

Thêm vào đó, do chi phối bởi các yếu tố văn hóa bản địa, một khiếm khuyết khác trong hoạt động quản trị công ty ở Việt Nam là các thành viên trong hội đồng quản trị thường e ngại làm mất mặt nhau, cả nể, nên ít đặt ra những câu hỏi chất vấn cho nhau để làm sáng tỏ mọi điều.

Đây là một trong những cản trở lớn nhất đối với nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng quản trị”, bà Elisa Mallis cho hay.

Một khiếm khuyết nữa của nhiều hội đồng quản trị hiện nay là đôi khi quá tập trung vào giải quyết các sự vụ vụn vặt, mang tính ngắn hạn, mà không còn thời gian cho quan tâm những vấn đề mang tính chiến lược, dài hạn, đúng như vai trò của mình.

Làm giả, kết quả không thật

Để hoạt động quản trị công ty đạt hiệu quả, các doanh nghiệp phải tự thay đổi nhận thức và tư duy, để thay thế các hoạt động quản trị hình thức, chiếu lệ sang nói thật, làm thật.

Muốn thế, theo ông Dominic Scriven, trong số 5 yếu tố quan trọng mà hội đồng quản trị cần hướng tới, thì đạo đức có vai trò rất quan trọng.

“Tiền mất có thể kiếm lại, tình yêu mất cũng có thể có lại. Tuy nhiên, uy tín mà mất thì không thể có lại được. Điều đó đòi hỏi yếu tố đạo đức trong hội đồng quản trị cần phải luôn được coi trọng, thì mới bồi đắp được niềm tin trong cổ đông, nhà đầu tư, đối tác”, ông Dominic nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo lãnh đạo Dragon Capital, để nâng cao chất lượng quản trị, doanh nghiệp cần hướng tới thực thi 4 yếu tố, gồm: làm rõ vai trò của hội đồng quản trị trong xác định chiến lược hoạt động của công ty; định vị rõ chuỗi giá trị của công ty; tường minh chiến lược phân phối nguồn lực, nhất là nguồn lực về con người, về vốn; xác định khẩu vị và theo dõi sát sao quá trình quản trị rủi ro.

“Có một vị trong hội đồng quản trị của Dragon Capital chia sẻ, muốn nghĩ về khẩu vị rủi ro và khả năng ứng phó với các rủi ro đó của công ty, hãy nghĩ về những cái gì xấu nhất có thể xảy ra với doanh nghiệp. Sau đó, hãy hình dung nó sẽ xảy ra ngày mai, để sẵn sàng vào cuộc ứng phó…”, ông Dominic Scriven nói.

Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp cần triệt để “nói không” với những nhân sự ghi tên vào hội đồng quản trị cho đủ ban, bệ, mà trên thực tế không có những hoạt động đáng kể, chuyên nghiệp.

Bởi nếu không làm thế, vừa gây tốn kém chi phí hoạt động, vừa tạo ra lực cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

Ý kiến từ chuyên gia cũng cho rằng, trong thời đại cách mạng 4.0, các công ty nếu không muốn bị tụt hậu về trình độ quản trị thì một mặt phải đầu tư cho công nghệ đáp ứng yêu cầu cho quản trị hiện đại, mặt khác bản thân các nhân sự quản trị công ty phải nâng cao trình độ về sử dụng công nghệ, phản ứng nhanh nhạy hơn trước các biến động khó lường của môi trường kinh doanh.

Nguyễn Hữu

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/quan-tri-cong-ty-can-vuot-qua-su-hinh-thuc-306204.html