Quan trắc môi trường của TP HCM vẫn bằng biện pháp thủ công

Giám đốc Sở TN-MT TP HCM thừa nhận, việc cung cấp thông tin liên quan đến ô nhiễm không khí còn hạn chế do biện pháp quan trắc còn thủ công.

Tiếp tục diễn biến kỳ họp thứ 17, HĐND TP HCM khóa 9, sáng 9/12, các đại biểu chất vấn về vấn đề ô nhiễm không khí, tình trạng khai thác nước ngầm, việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm ở ngoại thành. Liên quan đến vấn đề ô nhiễm không khí, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM thừa nhận việc cung cấp thông tin liên quan đến ô nhiễm không khí còn hạn chế do biện pháp quan trắc hiện nay còn mang tính thủ công.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM trả lời chất vấn.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM trả lời chất vấn.

Tại phiên chất vấn, các vấn đề được đại biểu nêu lên như: việc thúc đẩy tiến độ các dự án xây dựng công trình giao thông, một trong những nguyên nhân gây bụi; chuyển đổi mô hình thu gom rác từ các tổ thu gom dân lập sang hợp tác xã và doanh nghiệp; lộ trình thực hiện mục tiêu đến năm 2020 thì 100% người dân thành phố được tiếp cận nước sạch, không còn tình trạng khai thác nước ngầm; chế tài bắt buộc di dời các cơ sở gây ô nhiễm ở ngoại thành. Đối với vấn đề chất lượng không khí, đại biểu Nguyễn Mạnh Trí cho rằng, TP HCM đang ở trong nhóm những địa phương ô nhiễm nhất, tuy nhiên thời gian qua việc cung cấp thông tin tổng thể về chất lượng môi trường còn hạn chế.

"Đánh giá của Giám đốc Sở như thế nào về chất lượng không khí, nước và các vấn đề khác? Sở có giải pháp gì trong thời gian tới để khi xảy ra những vấn đề như ô nhiễm không khí, bụi mịn hoặc chất lượng nguồn nước để có thông tin kịp thời, phối hợp với các ngành cung cấp thông tin và khuyến cáo người dân giải pháp bảo vệ sức khỏe?" - Đại biểu Trí chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Trí.

Trả lời ý kiến của các đại biểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng chia ra từng nhóm vấn đề. Đó là: đối với việc quan trắc môi trường, toàn thành phố có 327 điểm đặt trạm, hiện đang dùng biện pháp thủ công. Thành phố đang ghi vốn đầu tư cho việc quan trắc tự động, đến cuối năm 2019 đưa vào vận hành thử nghiệm 6/58 trạm tự động đối với các yếu tố như đất đai, nguồn nước, không khí, độ lún… Giám đốc sở thừa nhận do các trạm quan trắc còn ít nên thời gian qua việc công bố tình trạng chất lượng môi trường còn chậm so với thực tế diễn ra.

Theo ông Thắng, hiện tượng mù quang hóa thời gian qua là ô nhiễm của khí thải giao thông, khí thải công nghiệp và hoạt động xây dựng tạo nên bụi mịn gây ảnh hưởng tới người dân. Ông Thắng cho biết, hiện nay TP HCM có 800.000 ô tô và 8 triệu xe gắn máy, để giảm lượng khí thải từ các phương tiện cần phải phối hợp với ngành giao thông:

"Đây là một nguồn ô nhiễm cần được kiểm soát. Trong các đề án của Hà Nội và TP HCM cũng muốn kiểm soát lượng phương tiện giao thông cá nhân và xe gắn máy để giảm ô nhiễm cho người dân, quan trọng nhất là kiểm soát được tình hình và có phương án xử lý", ông Thắng nói.

Đối với việc di dời cơ sở ô nhiễm, theo ông Thắng, TP HCM có 114 cơ sở phải di dời. Ngoài ra còn 70 cơ sở có hệ thống xử lý nước thải, khí thải nhưng không đưa vào vận hành. "Đây là việc không thể chấp nhận và chúng tôi sẽ cương quyết xử lý. Vừa rồi, chúng tôi đã xử phạt các doanh nghiệp tổng số tiền là 15 tỷ, nếu tái kiểm tra vẫn phát hiện vi phạm thì buộc đình chỉ hoạt động", ông Thắng cho biết thêm.

Về vấn đề nguồn nước, ông Thắng cho rằng, hiện nay mức khai thác nước ngầm của thành phố là trên 700.000 m3/ngày, lộ trình đến năm 2025 giảm xuống còn 100.000 m3/ngày. Thời điểm hiện nay, mặc dù đã đạt được chỉ tiêu giảm nhưng mới chỉ thực hiện trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, còn phần lớn giếng khoan nước ngầm là của các hộ dân thì chưa giảm được nhiều. Lý do vì ngành chức năng chỉ mới có biện pháp vận động người dân chứ hiện chưa có chế tài buộc phải chấp hành, ông Thắng kiến nghị ngoài chính sách hỗ trợ cho người dân trám lấp giếng thì cuối năm 2019 phải có chế tài cụ thể.
Liên quan đến việc phân loại rác, ông Thắng thông tin hiện còn trên 1.100 tổ phân loại rác dân lập cần chuyển đổi sang mô hình hợp tác xã hoặc doanh nghiệp, nên cần sự hỗ trợ về mặt chính sách, cơ sở vật chất, nhân lực, kinh phí hoạt động. Còn vấn đề chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển rác thì thành phố đặt thời hạn đến năm 2021, các quận, huyện nội thành phải phấn đấu thực hiện xong. Ngành môi trường sẽ gửi mẫu xe cho địa phương lựa chọn để phù hợp với kích thước đường, hẻm thực tế. Việc chuyển đổi pháp nhân và phương tiện sẽ được thực hiện đồng bộ để hiệu quả xử lý rác đạt mức cao./.

Duy Phương, Hà Khánh/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/quan-trac-moi-truong-cua-tp-hcm-van-bang-bien-phap-thu-cong-987975.vov