Quan trắc chất lượng nước 4 khu vực nuôi trồng thủy sản trọng điểm ở Đồng Nai

Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Đồng Nai, từ nay đến cuối năm 2020, đơn vị sẽ phối hợp cùng các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai thực hiện quan trắc chất lượng nước tại 4 khu vực nuôi trồng thủy sản trọng điểm trên địa bàn Đồng Nai.

Sau quan trắc, cơ quan chức năng sẽ cung cấp thông tin, đưa ra cảnh báo môi trường đối với các địa phương, người dân, giúp giảm thiểu rủi ro cho người nuôi trồng thủy sản.

Ông Trần Trọng Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết: Trong kế hoạch quan trắc môi trường năm 2020, tỉnh đặt trọng tâm vào việc quan trắc chất lượng nguồn nước, đặc biệt là khu vực nuôi trồng thủy sản.

Bốn khu vực được chọn quan trắc là nơi có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, tập trung nhiều lồng bè nuôi trồng thủy sản bao gồm: Khu vực nuôi cá bè trên sông Cái (một nhánh của sông Đồng Nai, thuộc thành phố Biên Hòa), khu vực nuôi cá bè trên sông La Ngà thuộc huyện Định Quán; khu vực ngập mặn (nuôi trồng nhiều loại thủy sản) thuộc huyện Long Thành và huyện Nhơn Trạch; khu vực nuôi thủy sản thâm canh nằm trên địa bàn các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán và Tân Phú.

Nguồn nước mặt sông Đồng Nai tại vị trí lấy nước của Công ty cấp nước Đồng Nai luôn thường trực nguy cơ ô nhiễm. Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN

Nguồn nước mặt sông Đồng Nai tại vị trí lấy nước của Công ty cấp nước Đồng Nai luôn thường trực nguy cơ ô nhiễm. Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN

Về tần suất quan trắc, đối với các khu vực nuôi cá bè trên sông Cái, sông La Ngà, vùng ngập mặn thuộc huyện Long Thành, Nhơn Trạch, từ nay đến cuối năm 2020, mỗi nơi ngành chức năng sẽ quan trắc từ 18 - 24 lần. Khu vực các ao nuôi thâm canh tại các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, Tân Phú quan trắc 2 tháng/lần.

Theo ông Toàn, tần suất quan trắc tại các khu vực được dựa trên nguyên tắc, những nơi nguy cơ ô nhiễm nguồn nước cao sẽ quan trắc liên tục, qua đó kịp thời phát hiện những bất thường trong môi trường nước, đưa ra cảnh báo phù hợp, giúp người nuôi trồng thủy sản kịp thời ứng phó. Những nơi chất lượng nước tốt, tần suất quan trắc giảm song vẫn đảm bảo để cơ quan chức năng kịp thời phát hiện bất thường.

Địa bàn Đồng Nai hiện có 32.000 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt chiếm đa số với hơn 30.000 ha, số còn lại là nước lợ. Tình trạng thủy sản (hầu hết là cá lồng, bè) bị chết hàng loạt do môi trường nước bị ô nhiễm thường xuyên diễn ra trên sông Cái, sông La Ngà, gây thiệt hại lớn cho người nuôi.

Công Phong (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/quan-trac-chat-luong-nuoc-4-khu-vuc-nuoi-trong-thuy-san-trong-diem-o-dong-nai-20200318091510152.htm