Quan tòa 'mềm' tại tổ dân phố ở thị xã Hồng Lĩnh

Công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn TX Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) góp phần không nhỏ trong việc xây dựng tình nghĩa làng xóm trong cộng đồng dân cư, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật.

Người “vác tù và hàng tổng” Nguyễn Thái Bình (trái) miệt mài xây dựng tình nghĩa làng xóm trong cộng đồng dân cư

Làm công tác tổ dân phố hơn 10 năm cũng là từng đó thời gian ông Nguyễn Thái Bình - Bí thư Chi bộ tổ dân phố 2, phường Nam Hồng (TX Hồng Lĩnh) tham gia vào công tác hòa giải cơ sở. Với sự khéo léo, cương quyết của ông Bình và tổ hòa giải, nhiều vụ việc ở địa phương đã được giải quyết thấu đáo, êm thuận.

Đưa chúng tôi đến gia đình ông N.V.H, ông Nguyễn Thái Bình cho biết, khi làm nhà, hệ thống thoát nước mái nhà ông N.V.H đã đổ sang nhà bà T.T.V. Sau mỗi trận mưa, bà T.T.V phải sống cảnh sân nhà ngập nước, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, dẫn đến cự cãi nhiều lần. Trước tình hình đó, tổ hòa giải phải đi lại nhiều lần để khuyên can, giải thích, vận động. Nghe những lời hợp tình, hợp lý của tổ hòa giải, ông N.V.H đã sửa lại hệ thống thoát nước mái nhà, từ đó hai gia đình giải tỏa được bức xúc.

“Là những người trực tiếp gần gũi với bà con, lại sinh sống tại địa phương lâu năm nên tất cả vấn đề liên quan đến dân sinh, chúng tôi là người nắm bắt đầu tiên. Việc nào trong tầm tay và thuộc thẩm quyền, chúng tôi sẽ giải quyết bằng các biện pháp động viên, thuyết phục, tránh những tình huống xấu có thể xảy ra, gây ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm của bà con lối xóm với nhau”, ông Bình tâm sự.

Không chỉ quan tâm việc giúp đỡ, hướng dẫn, thuyết phục, dàn xếp các mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, ông Nguyễn Thái Bình còn tích cực tuyên truyền người dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật...

Để làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, ông Nguyễn Đức Thuận (người bên phải) thường xuyên gần dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân

Ông Nguyễn Đức Thuận - Bí thư Chi bộ, tổ trưởng tổ hòa giải tổ dân phố Hầu Đền (phường Trung Lương) cho biết: "Để hòa giải thành công, tổ hòa giải phải linh hoạt, linh động trong phương pháp, cách làm. Cùng với đó, nắm vững quy định pháp luật cũng như yếu tố tâm lý của các bên để vào cuộc. Có những cuộc hòa giải cần phải đầy đủ các thành viên tham gia như một buổi làm việc, một cuộc họp để phân tích đúng, sai cho những người trong cuộc, nhưng cũng có những việc thì phải “rủ rỉ, rù rì”, từng người đến nói chuyện, động viên."

Theo kinh nghiệm hòa giải cơ sở, các việc liên quan đến lĩnh vực hôn nhân gia đình, nhiều khi không thể thành lập đoàn đến nhà nói chuyện với hai vợ chồng mà phải sang trò chuyện, hỏi thăm từng người một, rồi đưa ra những bằng chứng cụ thể trong việc ly hôn, phân tích cái lợi, cái bất lợi phát sinh, từ đó giúp họ nhận ra những hành vi của mình để có ứng xử đúng đắn với các thành viên khác.

Sự gắn bó giữa cán bộ với người dân trên các địa bàn dân cư là yếu tố quan trọng để thực hiện thành công công tác hòa giải ở cơ sở (Trong ảnh: Cán bộ và người dân phường Nam Hồng cùng tham gia làm đẹp cảnh quan đô thị)

Theo Phòng Tư pháp thị xã Hồng Lĩnh, toàn thị xã có 52 tổ hòa giải với 360 hòa giải viên, gồm những người có kinh nghiệm, uy tín trong cộng đồng dân cư, hoạt động nhiệt tình và có trách nhiệm. Trong những năm qua, trên địa bàn đã tiếp nhận và tiến hành hòa giải 462 vụ việc, trong đó hòa giải thành công 332 vụ việc, chiếm tỷ lệ 72%. Hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn Hồng Lĩnh chủ yếu là giải quyết những mâu thuẫn, xích mích giữa các thành viên trong gia đình, quan hệ làng xóm và những tranh chấp về quyền và lợi ích trong dân.

Công tác hòa giải ở cơ sở đã thực sự đã góp phần quan trọng trong ổn định trật tự, trị an ở mỗi thôn xóm, khối phố nói riêng, thị xã Hồng Lĩnh nói chung.

Ninh Hà

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/phap-luat-doi-song/quan-toa-mem-tai-to-dan-pho-o-thi-xa-hong-linh/159709.htm