'Quan tòa' bàn phím

Người trẻ quan tâm đến sự việc, hiện tượng diễn ra xung quanh là điều đáng mừng nhưng thể hiện quan điểm lệch lạc lại đang là hồi chuông báo động.

“Giới trẻ giờ vừa là nhà thông thái, vừa là quan tòa, vừa là nhà phê bình, kiêm luôn thám tử. Dường như không có chuyện gì họ không tham gia”, một chuyên gia tâm lý đã từng thốt lên như vậy trước những bình luận của người trẻ nhiều như “lá rụng mùa thu” trên mạng xã hội. Người trẻ quan tâm đến sự việc, hiện tượng diễn ra xung quanh là điều đáng mừng nhưng thể hiện quan điểm lệch lạc lại đang là hồi chuông báo động.

“Cháy, cháy lớn quá. Chào các bạn, đây là hiện trường vụ cháy ở quận 2, cháy gara sửa xe ô tô. Mình đang có mặt ở hiện trường, hiện chưa biết có tổn thất về người hay không nhưng chắc chắn tổn thất về tài sản là không nhỏ…”; “Khói bốc quá cao, cột khói, cột lửa cao vài chục mét. Rất khủng khiếp các bạn ạ. Mùi khét quá chừng…”. Đó là vài trong số hàng chục chiếc điện thoại đang giơ lên quay clip vụ cháy gara ô tô ở phường Cát Lái (quận 2, TPHCM). Một số livestream trực tiếp để chia sẻ với bạn bè, một số quay clip để tung lên YouTube.

Đổ 200 quả trứng lên đầu mẹ để câu view. Ảnh: Cắt từ clip

Đổ 200 quả trứng lên đầu mẹ để câu view. Ảnh: Cắt từ clip

Hình ảnh người trẻ Việt gặp gì cũng quay không hiếm, quay từ đám thôi nôi, đầy tháng đến tai nạn, cháy nhà, chết người, ma chay… và không ít trong số đó, quay với mục đích câu like, câu view, kiếm tiền. YouTuber Phạm Hữu Hòa (ngụ quận 4, TPHCM) biện minh trên mạng xã hội khi nhóm YouTuber bị dư luận chỉ trích vì tìm mọi cách để quay đám tang của một nghệ sĩ nổi tiếng trong thời gian gia đình làm tang lễ: “Dù thế nào thì sự việc cũng diễn ra, người chết cũng đã chết. Chúng tôi cũng chỉ mong muốn các khán giả ở xa cũng theo dõi được những giây phút cuối cùng trước khi diễn viên này về nơi an nghỉ cuối cùng, bộ làm như vậy có lỗi lắm sao?”.

Đó là một trong những hậu quả của tin đồn kiếm tiền “dễ như mua rau” nhờ vào mạng xã hội. Nghe và tin những khoản tiền hàng trăm ngàn USD bỗng dưng từ “trên trời rơi xuống” hoặc giúp công việc kinh doanh thuận lợi gấp hàng trăm lần nhờ vào like, vào view nên nhiều bạn trẻ đã bất chấp đạo đức, ăn theo các vấn đề xã hội, tung tin đồn để làm người dân hoang mang như trái cây nhúng thuốc hay dựng cảnh kéo ra mớ sán trong thịt, cá…

Hiện nay nhiều trang tin tức dẫn lại nội dung các bài báo nhưng sửa tựa đề theo hướng giật gân để câu view, tuy nhiên có nhiều người trẻ chỉ đọc tựa rồi vô tư đưa ra những bình luận theo cảm tính, không đúng với nội dung bài viết và thiếu tính xây dựng. Không nói đâu xa, khi trên mạng xã hội lan truyền thông tin xấu nào đó, lập tức được các “anh hùng bàn phím” tích cực chia sẻ. Ở nhiều sự việc có dấu hiệu tiêu cực, dù chưa rõ thực hư câu chuyện, chưa có kết luận của cơ quan điều tra nhưng anh hùng bàn phím vô tư chửi rủa, đưa ra mức án phạt, thậm chí lôi cả người thân, gia đình của đối tượng bị tình nghi ra để phán xét. Nguyễn Thị Thu Bình (ngụ quận 9, TPHCM) cho biết: “Chuyện gì người trẻ cũng nhảy vào, có người bình luận góp ý chân thành nhưng cũng có người coi đây như cơ hội để “chửi hôi” - nghĩa là tranh thủ chửi. Tôi nghĩ, chuyện họ sai đã có pháp luật, còn mình đọc đấy, xem đấy để tự nhắc nhở bản thân, tự trui rèn để không đi vào vết xe đổ của người khác”.

Có một thực tế, ở trên mạng thì một bộ phận không nhỏ người trẻ vô cùng mạnh dạn bày tỏ chính kiến nhưng ở ngoài thực tế lại nhút nhát, rụt rè, thiếu kỹ năng giao tiếp. Minh chứng là tại các chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm, nhiều sinh viên không thể trình bày rõ bản thân có khả năng gì và mong muốn gì trong công việc. Có những sinh viên thẳng thắn thừa nhận, bản thân chỉ tự tin “chém gió” trên mạng xã hội, có thể tiếp chuyện với bất kỳ ai trên không gian ảo, còn ở ngoài cuộc sống thật thì rất ngại giao tiếp với người lạ, đến mức có bạn đi xin việc còn đề nghị được phỏng vấn qua email!

Không chỉ mạng xã hội, YouTube quá dễ dãi, quá lỏng lẻo đã tiếp tay cho người trẻ bất chấp tất cả, bàng quan trước những sự việc đau lòng của xã hội hoặc cố tình đẩy người khác vào đường cùng chỉ vì chiêu trò câu like, câu view. Luật An ninh mạng đã có hiệu lực từ 1-1-2019, tuy nhiên đến nay, chế tài của luật vẫn chưa chứng tỏ được vai trò của nó đối với những hành vi, những bình luận tiêu cực trên mạng xã hội, có chăng chỉ một số bình luận tục tĩu còn phần nào được hạn chế.

HẢI THU

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/quan-toa-ban-phim-613833.html