Quản tiền công đức chặt chẽ, minh bạch hơn

Thông tư số 04/2023/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Các chuyên gia văn hóa khẳng định đây là dấu hiệu tích cực góp phần quản lý minh bạch tiền công đức, tài trợ.

Minh bạch để tránh tư lợi

Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, có hiệu lực từ 19/3/2023. Đây được coi là văn bản pháp lý quan trọng góp phần quản lý minh bạch tiền công đức, tài trợ nhưng không gây cản trở các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng.

Vấn đề minh bạch, công khai tiền công đức được đặt ra sau không ít lùm xùm về nguồn thu chi tại các di tích và lễ hội ở một số địa phương. Thực tế, từng có sự việc nhà sư cầm sổ đỏ của chùa, vay tiền tỷ của phật tử để xây chùa sau đó không thể hoàn trả. Không hiếm trường hợp người tiếp nhận lấy tiền công đức của dân để mua ô tô, xây nhà để xe này ngay trong di tích quốc gia.

Các khoản tiền công đức cần được ghi chép minh bạch. Ảnh: TRỌNG TÀI.

Các khoản tiền công đức cần được ghi chép minh bạch. Ảnh: TRỌNG TÀI.

Ông Trương Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội khẳng định, trong những năm qua, nhiều BQL di tích trên cả nước, đặc biệt là tại Thủ đô thực hiện khá nghiêm túc việc tiếp nhận, quản lý tiền công đức. Các đình, đền được Nhà nước xếp hạng đều minh bạch. Theo ông Tiến, Thông tư do Bộ Tài chính ban hành đem lại tín hiệu đáng mừng.

Theo quy định của pháp luật, tiền công đức là tài sản của tổ chức tôn giáo, thuộc quyền sở hữu riêng của tổ chức tôn giáo nên được tổ chức tôn giáo tự mình quyết định việc quản lý, sử dụng, định đoạt theo khoản 5 Điều 21 và Điều 56 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Quyền đối với tài sản thuộc sở hữu riêng của tổ chức tôn giáo được Nhà nước bảo hộ theo các quy định tại khoản 3 Điều 3, khoản 6 Điều 7 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và nguyên tắc về bảo hộ quyền tài sản tại Bộ luật Dân sự hiện hành.

“Tiền công đức, giọt dầu ở di tích nào sẽ phục vụ cho việc trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị của di tích đó. Yếu tố minh bạch được đặt lên hàng đầu. BQL di tích cần thông báo cụ thể, rõ ràng cho chính quyền, người dân địa phương về mục đích sử dụng, chi tiêu tiền công đức. Điều này thể hiện sự công bằng, tránh tình trạng người trông coi nơi thờ tự tư lợi tiền công đức”, ông Trương Minh Tiến nhấn mạnh.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc xây dựng và ban hành Thông tư 04. “Trong bối cảnh các di tích, lễ hội đang rất cần có nguồn kinh phí để tu bổ, tôn tạo và tổ chức, nguồn lực và sự quan tâm của xã hội đến di tích và lễ hội cũng rất lớn thì việc quản lý thu, chi tài chính sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động này đáp ứng nhu cầu, phù hợp với xu thế”, ông cho biết.

Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Hoài Sơn phân tích, để thực hiện thành công Thông tư 04, cần bám chắc những nguyên tắc cơ bản như công khai, minh bạch, đúng mục đích và hiệu quả. Đây cũng chính là các nguyên tắc xuyên suốt của Thông tư 04. “Các cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử phạt nghiêm minh, mang tính làm gương đối với các hiện tượng tiêu cực, sai phạm để từ đó tạo điều kiện cho việc thực hiện tốt thông tư này”, ông nêu.

Việc quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng, người đại diện cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ là hợp lý. Điều này càng đúng hơn khi xem xét các nguồn thu này là rất nhạy cảm và phức tạp, và xu thế quản lý đề cao tính phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm.

Người dân có thói quen công đức mỗi khi đến đền, chùa, khu di tích. Ảnh: TRỌNG TÀI.

“Dù vậy, Nhà nước cần tăng cường chức năng kiểm tra, giám sát theo đúng thẩm quyền khi xảy ra các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Thực hiện tốt những hoạt động quản lý nhà nước này giúp thông tư được triển khai có hiệu quả hơn. Những lộn xộn vừa qua trong việc quản lý tiền công đức chính là những bài học kinh nghiệm và là lời cảnh tỉnh đối với việc quản lý tiền công đức”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn phân tích.

Quản lý chặt chẽ hơn

Chuyên gia nghiên cứu văn hóa PGS.TS Phạm Ngọc Trung khẳng định, Thông tư 04 rất cần thiết cho việc tổ chức lễ hội, quản lý tiền công đức và các tài sản khác mà các cá nhân, tổ chức, đơn vị trong nước và quốc tế tiến hành đóng góp cho các cơ sở thờ tự, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. “Thông tư này chính là hành lang pháp lý để theo dõi, giám sát, thanh tra, xử lý những đơn vị, những cá nhân sử dụng tiền công đức không đúng mục đích, sai phạm, đầu cơ trục lợi”, PGS.TS Phạm Ngọc Trung nói. Ông khẳng định việc ban hành Thông tư 04 đánh dấu bước đầu cho việc minh bạch, công khai quản lý tiền công đức. Để có thể quản lý chặt chẽ hơn các cơ quan quản lý, chuyên gia cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung.

Các khoản tiền công đức, đóng góp thường được các cơ sở thờ tự, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng sử dụng vào năm mục đích chính như nuôi bộ máy hành chính, để tu sửa, nâng cấp kiến trúc, mua trang thiết bị, vật tư, đồ tế lễ. Tiền công đức cũng dùng để tổ chức các hội nghị, hội thảo và tài trợ, giúp đỡ những đồng bào nghèo đói, lũ lụt và một số hoạt động khác.

“Tiền công đức phải được kiểm tra hằng ngày, hàng tuần hoặc theo tháng, để theo dõi cần có sổ sách, thống kê đầy đủ theo văn bản. Không chỉ kê khai tiền mà những giấy tờ có giá trị như sổ đỏ, chứng khoán, trái phiếu hoặc vàng, bạc, đá quý đều phải được thống kê đầy đủ. Quá trình chi tiêu phải tuân theo kế hoạch và được cấp trên duyệt”, PGS.TS Phạm Ngọc Trung nêu.

Phóng viên Tiền Phong liên hệ với một số BQL di tích, đền, chùa song đều nhận được câu trả lời rằng, đã biết về Thông tư 04 nhưng đang cao điểm lễ hội xuân nên chưa thể xây dựng phương án triển khai thông tư này.

NGỌC ÁNH - GIA LINH-BẢO HÂN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/quan-tien-cong-duc-chat-che-minh-bach-hon-post1507912.tpo