Quản thực phẩm chợ truyền thống: Phải có mã QR Code

Để người tiêu dùng yên tâm mua thực phẩm tại các chợ truyền thống thì cần phải có mã QR Code trên từng sản phẩm để truy suốt ngồn gốc.

Tính khả thi cao

Ngày 27/6/2019, trong bối cảnh tràn lan các mặt hàng thực phẩm tại hơn 8.500 chợ truyền thống trên cả nước không rõ nguồn gốc, xuất xứ, TS Nguyễn Văn Việt - Viện Khoa học Nông nghiệp cho rằng, cần phải xiết chặt đầu vào tại từng gian hàng trong khu vực chợ.

"Một trong những khâu yếu nhất trong việc giám sát ATTP tại các chợ truyền thống là không kiểm soát được chất lượng đầu vào, hay là nguồn gốc - xuất xứ của sản phẩm bày bán ở chợ.

Người tiêu dùng chỉ biết lựa chọn bằng mắt, mũi và kinh nghiệm của mỗi người. Điều này rất may rủi, khi gặp vấn đề thì không thể xác định được nguồn gốc sự việc.

Để khắc phục được điều này thì trước hết cơ quan chức năng nên giúp người tiêu dùng có thể tự kiểm tra được nguồn gốc - xuất xứ của sản phẩm bằng cách kiểm tra qua mã vạch - QR Code in lên từng sản phẩm" - TS Việt đề nghị.

Thực hiện dán tem QR Code tại chợ Hàn - TP. Đà Nẵng.

Thực hiện dán tem QR Code tại chợ Hàn - TP. Đà Nẵng.

Để kiểm soát được QR Code trên từng sản phẩm không phải dễ dàng mà phải có sự vào cuộc của liên ngành nông nghiệp, y tế, công thương, thông tin và truyền thông.

Ông Việt cho biết: "Chỉ cần kiểm soát chặt ở khâu sản xuất thì chắc chắn sẽ giải quyết được việc này. Bây giờ người dân dùng điện thoại thông minh rất nhiều nên việc kiểm tra qua mã QR Code không khó khăn, người tiêu dùng cũng sẽ yên tâm hơn khi lựa chọn thực phẩm ở chợ truyền thống".

Vị chuyên gia này dẫn chứng việc TP. Đà Nẵng thực hiện dán tem QR Code vào các mặt hàng thực phẩm bày bán tại chợ Hàn vào tháng 10/2018. Đơn vị thực hiện đã triển khai quản trị hệ thống, tạo danh sách các thương nhân và phát tem cho thương nhân để dán vào sản phẩm.

Lực lượng chức năng cũng đã hướng dẫn cách thức dán tem QR Code đối với sản phẩm đã chọn, khai báo thông tin sản phẩm, cách thức kích hoạt tem mỗi lần khách hàng mua sản phẩm (tem chỉ dùng một lần khi kích hoạt). Từ đó, người tiêu dùng có thể dùng điện thoại thông minh để kiểm tra thông tin sản phẩm.

Khi thao tác quét QR Code đúng định dạng thì thông tin sản phẩm tương ứng sẽ hiển thị gồm: Tình trạng sản phẩm, ảnh đại diện, tên, mã sản phẩm, thông tin nhà cung cấp, thông tin chi tiết sản phẩm, bình luận về sản phẩm.

Người tiêu dùng có thể mở danh mục “Lịch sử” để hiển thị danh sách các sản phẩm đã quét QR Code, mỗi sản phẩm sẽ hiển thị các thông tin: Tên sản phẩm, tình trạng sản phẩm, Nhà cung cấp, thời gian đã quét QR Code của sản phẩm...

Hay như TP. HCM cũng đang triển khai đề án nhận diện và truy xuất nguồn gốc thực phẩm thông qua tem QR Code trên sản phẩm thịt heo, gia cầm...

Tăng cường mức xử phạt để răn đe

Bên cạnh việc dán tem QR Code, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm còn cũng đề nghị, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt khi phát hiện có vi phạm.

Đơn cử như đối với thịt heo, thương nhân phải thực hiện đúng đề án nhận diện về quản lý nguồn gốc và truy xuất; rau củ quả vào chợ phải được hậu kiểm bằng việc lấy mẫu (mỗi đợt có thể lấy hơn 100 mẫu) để kiểm tra chất lượng xem có đủ tiêu chuẩn hay không.

Trường hợp phát hiện tiểu thương vi phạm, tùy theo mức độ nghiêm trọng mà sẽ bị xử phạt cảnh cáo, buộc nghỉ kinh doanh 3 ngày và nặng nhất là thu hồi giấy phép kinh doanh, nhằm tạo tính răn đe.

Cơ quan chức năng cũng nên công bố thông tin các chợ bảo đảm an toàn thực phẩm để người tiêu dùng nhận biết và chọn lựa nơi mua.

Ngọc Lan

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/suc-khoe/quan-thuc-pham-cho-truyen-thong-phai-co-ma-qr-code-3382745/