Quán Thanh xuân: Xúc động với những hồi ức cưới chạy lụt và ăn kẹo mốc

Chương trình 'Quán Thanh xuân' được phát sóng trên VTV1 đã khiến khán giả xúc động với những câu chuyện cưới thời bao cấp của vợ chồng nhà văn Chu Lai, giáo sư Nguyễn Lân Dũng, giáo sư Đặng Hanh Đệ.

Chương trình “Quán Thanh xuân” số đầu tiên mang “Mùa chim làm tổ” đã chính thức lên sóng vào tối 6.1 với sự dẫn dắt của MC, BTV Anh Tuấn, nhà báo Đặng Diễm Quỳnh và các khách mời là vợ chồng giáo sư Lân Dũng, vợ chồng nhà văn Chu Lai và vợ chồng giáo sư Đặng Hanh Đệ, cô Vũ Đạm Thủy - vợ nhà báo An Duyệt, nhạc sĩ Trương Quý Hải.

Vợ chồng giáo sư Đặng Hanh Đệ, sau 58 năm lấy nhau giờ mới có được một bức ảnh cưới

Đúng như lời chia sẻ của nhà báo Diễm Quỳnh, “Quán Thanh xuân” hoàn toàn ngẫu hứng và tự nhiên, là nơi mọi người dừng chân lại để tâm sự, chia sẻ những câu chuyện về tuổi thanh xuân của mình.

Ở số đầu tiên này, các khách mời chia sẻ những câu chuyện về ngày cưới của mình trong không khí ấm áp, thân mật như một gia đình. Đầu chương trình là một đoạn clip ngắn về hai cụ ông cụ bà dắt nhau vào Hiệu ảnh Quốc tế, những tấm ảnh cưới của ngày xưa đã mờ đi nhiều và kết thúc với hình ảnh những kỷ vật đặc trưng của đám cưới xưa là món quà cưới bọc giấy đỏ và chiếc giường cưới.

Nhà báo Đặng Diễm Quỳnh, MC, BTV Anh Tuấn và vợ chồng giáo sư Đặng Hanh Đệ

Giáo sư Đặng Hanh Đệ kể rằng ngày đón dâu ông phải đạp xe qua nhà vợ là bác sĩ Lê Lan Phương để đón cô dâu về. Bà Lan Phương cười hạnh phúc chia sẻ rằng khi đó khó khăn quá, có phương tiện gì thì đi phương tiện đó. Ngày đón dâu, hai cụ thân sinh của bà đi xích lô qua nhà trai còn cặp vợ chồng trẻ đi xe đạp. Duy chỉ có một điều đáng tiếc là hai người không có tấm ảnh cưới lưu kỷ niệm nào.

Giáo sư Đặng Hanh Đệ cũng bùi ngùi kể lại kỉ niệm ngày hẹn hò đầu tiên cùng vợ mình. Vị giáo sư già trích lại lời bài hát “Ông bà anh” của Lê Thiện Hiếu: “Và thời ấy, bình dị lắm con ơi! Chạm tay nhau một giây thôi là nhớ nhau cả đời”. Ông giải thích bởi lẽ lời ca này rất giống với câu chuyện của ông nên mới để lại ấn tượng như vậy. Ông vẫn nhớ như in ngày 16.9.1961 là buổi hẹn hò đầu với bà Hiếu, hai người đạp hai chiếc xe đi dọc đường Cổ Ngư (đường Thanh Niên ngày nay), nhớ như in lần đầu nắm tay người yêu và kể từ đó đến giờ đã là 58 năm hạnh phúc bên nhau.

Theo giáo sư Đặng Hanh Đệ, sinh đứa con đầu lòng mới hơn một tháng tuổi thì vợ con ông phải đi sơ tán tại làng Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ (Hà Tây cũ). Giáo sư thì ở liền trong viện để cấp cứu khi B52 ném bom. Ông kể rằng mãi sau này bà Lan Phương mới nói với ông rằng mỗi lần tiễn ông quay về Hà Nội đều lo rằng “đi tiễn liệu ngày mai có còn được gặp nữa không” khiến mọi người xúc động vô cùng.

Ca sĩ Thu Phương hát trong chương trình "Quán Thanh xuân"

Vợ chồng giáo sư Lân Dũng còn có câu chuyện hài hước hơn về ngày cưới. Ông cười rằng chính bởi con vi khuẩn mủ xanh thời đó bộ đội ta mắc phải, ông đã phải vào viện 108 cùng đội ngũ nghiên cứu thuốc và được chủ nhiệm khoa của ông mai mối cho bà Nguyễn Kim Nữ Hiếu. Sau khi định ngày cưới xong xuôi hết thì Hà Nội gặp phải trận lụt nặng nề do vỡ đê, nên ngày cưới phải lùi liên tục.

Giáo sư Lân Dũng khi đó ở trong đội chống lụt nên ngay cả vào chính ngày cưới của mình ông cũng phải đi chống lụt. Khi gia đình đã tập trung để mừng đám cưới thì ông mới trở về từ nơi đắp đê và chỉ kịp thay bộ quần áo để ngồi xuống ăn ít bánh kẹo mậu dịch cùng họ hàng, bạn bè tại nhà riêng.

Cuộc sống vợ chồng vô cùng khó khăn vất vả với cặp vợ chồng cùng là lính. Trong những năm đầu, hai vợ chồng thường xuyên phải xa cách vì công việc, hoàn cảnh thời chiến. Bà Hiếu kể khi mang thai con trai đầu lòng thì được ra chiến trường để tiếp tế cho quân đội. Sau khi bàn bạc với cả gia đình, bà Hiếu quyết định vẫn đi bởi nếu không sẽ không còn cơ hội nào khác. Ông Dũng cũng có một thời gian dài phải xa nhà để cứu chữa cho dân khi dịch virus hoành hành.

Những bữa cơm nhỏ ngày chủ Nhật hàng tuần là những tháng ngày hạnh phúc, bình yên vô cùng giữa thời loạn lạc của cặp vợ chồng trẻ. Bà Hiếu kể khi đó đang giữ chức Phó Viện trưởng Viện Quân y 108 nhưng vẫn phải đi giao lạc tại chợ nhưng không bao giờ bị nợ vì ai cũng biết đến danh tiếng bà và thương gia đình cán bộ nghèo khó.

Ca sĩ Đức Tuấn với ca khúc "Tình ca du mục"

Những câu chuyện đám cưới thời chiến bị hoãn do B52 thời đó có lẽ là vô số. Cô Vũ Đạm Thủy - vợ nhà báo Trần An Duyệt cũng có mặt tại chương trình để chia sẻ câu chuyện của mình. Đám cưới của hai ông bà trùng với trận đánh bom rải thảm thảm khốc tại Khâm Thiên.

Vợ chồng nhà văn Chu Lai cũng mang đến những câu chuyện hài hước không kém. Bà Vũ Thị Hồng kể lại, bởi là nhà văn nên nhà có rất nhiều sách. Vợ chồng đã dành đêm tân hôn để đọc sách cùng nhau. Nhà văn Chu Lai phải bán chiếc xe đạp đi để có tiền mua tủ lạnh đựng đồ ăn cho con. Vợ chồng tích cóp từng đồng một và còn phải kiếm thêm thu nhập bằng cách bán đá.

Trong một đoạn clip ngắn, nhiếp ảnh gia Quốc Sỹ - thợ ảnh già dặn kinh nghiệm của Hiệu ảnh Quốc tế chia sẻ những câu chuyện vui thời trẻ khi nhận chụp ảnh cưới. Thời đó, xa xỉ lắm cô dâu chú rể mới mời thợ ảnh chuyên nghiệp đến để lưu giữ lại những khoảnh khắc ngày cưới. Vậy nhưng cũng có câu chuyện dở khóc dở cười khi cô dâu chú rể bặt tăm mất một năm sau ngày chụp và không đến nhận lại ảnh, sau mới vỡ lẽ ra rằng gia đình không có tiền để trả. Ông vẫn giao lại những tấm ảnh đó không công, hoặc tới khi nào gia đình có tiền thì trả sau.

Một khán giả nữ đã lên hát ca khúc "Tình ca du mục" bằng tiếng Nga

Chương trình cũng đã dành một bất ngờ vô cùng đặc biệt cho vợ chồng giáo sư Đặng Hanh Đệ vào phần cuối là một “đám cưới” nhỏ và mời nhiếp ảnh gia Quốc Sỹ tới chụp một tấm ảnh cưới như một món quà cưới muộn cho hai vợ chồng. Bà Lan Phương xúc động vì sau bao nhiêu năm cuối cùng cũng có được một tấm ảnh cưới để làm kỉ niệm.

Bên cạnh những câu chuyện cưới thời bao cấp, khó khăn nhưng chứa chan tình yêu thương là những tiết mục văn nghệ của các các sĩ Đức Tuấn, Khánh Linh, Thu Phương, nhóm Dalad và đặc biệt là phần hát ngẫu hứng của những khán giả khiến cả trường quay rộn ràng, sôi động và cũng thật gần gũi, ấm cúng. Tất cả như hòa quyện, thân thiết khi nhớ về thời thanh xuân của mình, nhớ một thời đã qua với những kỷ niệm không bao giờ quên.

Huy Hoàng

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/van-hoa/quan-thanh-xuan-xuc-dong-voi-nhung-hoi-uc-cuoi-chay-lut-va-an-keo-moc-945896.html