Quận Thanh Xuân – TP. Hà Nội: Giữ sạch đất công bằng cách… sử dụng sai mục đích?

Lo lắng về vấn đề giữ đất, Trung tâm phát triển quỹ đất quận Thanh Xuân đã đề xuất 2 phương án để tránh tái lấn chiếm khu vực Đầm Hồng thuộc UBND phường Khương Đình. Và 'phương án tối ưu' là cho… mở sân bóng.

Trước đó, baonhandao.vn đã có bài viết phản ánh về việc khu đất công Đầm Hồng do Trung tâm phát triển quỹ đất quận Thanh Xuân quản lý đã trở thành khu tổ hợp sân bóng mini, bãi xe và không phải nộp tiền trong vòng 2 năm.

Sau nhiều ngày liên hệ, vào ngày 14/5/2019, PV đã có buổi làm việc với ông Phạm Tần Anh - Phó GĐ Trung tâm phát triển quỹ đất.

Ông Phạm Tần Anh cho biết trước khi tiếp nhận, khu vực này như một núi rác, bị lấn chiếm, đổ trộm phế thải, rất ô nhiễm. Để chứng minh những điều mình nói, vị này cũng cung cấp một số hình ảnh trước đó tại khu vực Đầm Hồng.

Tất nhiên, khi đất để không, ở bất cứ đâu cũng vậy, không thể tránh khỏi việc lấn chiếm hay bị biến thành nơi đổ phế thải, rác thải… Đồng ý rằng thời điểm đó, Trung tâm phát triển quỹ đất quận Thanh Xuân vẫn chưa phải là đơn vị quản lý, bởi trước đó vào năm 2008, UBND quận Thanh Xuân đã ban hành Quyết định số 362/QĐ-UBND giao cho UBND phường Khương Đình quản lý. Như vậy, việc để khu Đầm Hồng bị lấn chiếm, bị biến thành “núi rác” thì có lẽ trách nhiệm trước tiên là của UBND phường Khương Đình.

Cũng chính vì việc này, khi bàn giao về cho Trung tâm phát triển quỹ đất quận Thanh Xuân, “vô tình” UBND phường Khương Đình lại gây khó cho các cán bộ tại Trung tâm phát triển quỹ đất quận Thanh Xuân. Họ phải mất nhiều ngày “đau đầu” để vạch ra 2 phương án giúp nhà nước giữ đất.

Biết sai vẫn kệ để… “giữ đất”

Biết sai vẫn kệ để… “giữ đất”

Phải nói rằng rất “may mắn” khi chức năng, nhiệm vụ của phía Trung tâm phát triển quỹ đất lại bao gồm việc “Liên doanh, liên kết, hợp tác với các tổ chức kinh tế, cá nhân để thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập và quy định của pháp luật khác có liên quan”.

Như vậy, nhờ có sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan quản lý địa phương, Trung tâm phát triển quỹ đất đã phải đưa ra 2 phương án. Phương án thứ nhất (phương án không được chọn) đó là từ nguồn kinh phí Nhà nước. Sau khi tính các chi phí dọn dẹp mặt bằng, quây tôn lên đến hơn 2 tỉ đồng, có lẽ phía Trung tâm cũng thấy “xót” cho Nhà nước khi phải bỏ ra số kinh phí quá lớn để giữ đất, họ liền có phương án thứ 2 (phương án được chọn) để thay thế.

Bằng chức năng nhiệm vụ của mình, phía Trung tâm phát triển quỹ đất quận Thanh Xuân đã đề xuất phướng án 2 là xã hội hóa. Liên kết với một đơn vị ngoài để họ bỏ tiền đầu tư, ngược lại họ sẽ được sử dụng đất để kinh doanh đến khi Nhà nước thu hồi phục vụ dự án.

Về vấn đề này, ông Tần Anh cho biết đã được đồng ý và có nghị quyết, thế nhưng tại Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân quận Thanh Xuân ban hành ngày 30/6/2016 về việc thông qua kế hoạch “quản lý, chống lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp trên địa bàn quận Thanh Xuân, tại Điều 1, mục 1.3 có nêu rõ “Việc xây dựng kế hoạch phải đảm bảo thực hiện theo đúng Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành”. Vậy việc liên kết xây dựng làm sân bóng như hiện nay, phía Trung tâm phát triển quỹ đất đã làm đúng Luật hay chưa?

Phó GĐ Trung tâm phát triển quỹ đất: “Nếu bỏ sân bóng đi sẽ đúng luật”.

Nghị quyết của HĐND quận (tại Điều 3 mục 3.2) cũng đã nêu rõ: “Kinh phí rào tôn (hoặc xây tường): Trên cơ sở đo đạc thực tế theo từng phường, UBND quận chịu trách nhiệm phê duyệt kinh phí từng vị trí đất”.

Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐND không hề có câu chữ nào cho đồng ý với việc liên kết để xây dựng sân bóng mini như hiện nay.

Ông Tần Anh cũng giải thích việc thực hiện xã hội hóa thì lợi ích nhà nước đạt được là quản lý được, đảm bảo công tác GPMB sau này, khiến môi trường xanh sạch đẹp.

“Sau khi có ý kiến của báo chí, UBND quận Thanh Xuân cũng đã chỉ đạo Trung tâm thương thảo với công ty Gia Hưng (đơn vị liên kết mở sân bóng) để họ có thể đóng tiền cho Nhà nước. Hiện nay, vẫn đang trong quá trình thương thảo xem họ sẽ phải đóng bao nhiêu tiền. Sẽ bắt đầu đóng tiền từ 01/01/2019” – ông Tần Anh cho biết. Vị PGĐ Trung tâm cũng khẳng định đây là đất công không thuộc diện cho thuê.

Đồng ý rằng việc thực hiện theo phương án liên kết này có thể giữ được cảnh quan, mặt bằng sạch… thế nhưng thực hiện việc liên kết mở sân bóng mini thì liệu có đúng luật hay không? Về vấn đề này, ông Tần Anh cũng thừa nhận: “Nếu bỏ sân bóng đi sẽ đúng luật”.

Như vậy, có thể thấy việc xây dựng sân bóng mini tại khu vực Đầm Hồng là trái với các quy định của pháp luật. Và đến nay, UBND quận Thanh Xuân lại chỉ đạo để thu tiền đối với sân bóng thì động thái thu tiền này cần được hiểu thế nào, có để lại hậu quả gì, khi hoạt động liên kết mở sân bóng đá trên khu đất nêu trên là không hợp pháp?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Tuấn Anh

Nguồn NĐ&ĐS: http://baonhandao.vn/ban-doc/quan-thanh-xuan-tp-ha-noi-giu-sach-dat-cong-bang-cach-su-dung-sai-muc-dich-21305