Quán Thanh xuân tháng 11: Khơi dậy tình quê nơi mỗi người

Bất kì ai, dù sinh ra ở thành thị hay nông thôn đều ít nhiều có những kí ức về những vùng quê. Đó là những kí ức giản dị, bình dị, nuôi lớn tâm hồn mỗi chúng ta. Quán Thanh xuân tháng 11 với chủ đề 'Thương nhớ đồng quê' đã giúp khán giả quay về những điều đẹp đẽ ấy.

Với chủ đề về quê hương, chương trình Quán Thanh xuân tháng 11 đã mang đến cho khán giả nhưng ca khúc mang đậm “tính quê” như: Ôi quê tôi, Bà tôi, Quê tôi… và những chia sẻ đầy sâu lắng của các khách mời nổi tiếng.

Mở đầu chương trình, Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến, người con của miền trung du Phú Thọ, đã mang đến chương trình một bài thơ ngắn nhưng chất chứa bao hoài về hai miền quê Cẩm Khê, Hoài Đức (là quê của bố mẹ Nhạc sĩ).

Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến (Ảnh: VTV)

Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến (Ảnh: VTV)

Đến từ phương Nam, nhà báo Thiên Chương đã giới thiệu với khán giả “tật” đáng yêu ở miền Tây, đó là dáng ngồi độc quyền (dáng ngồi nước lụt) và “đặc sản” nói to. Anh cũng cho biết ở khu vực phía Nam thường có hội chợ (chợ có trò chơi) và đó là nét văn hóa, hình thức giải trí thường thấy.

Ca sĩ Ngọc Khuê thể hiện ca khúc Bà tôi của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến (Ảnh: VTV)

Cũng trong mạch cảm xúc hoài niệm về quê hương, nhà nông học Nguyễn Lân Hùng xúc động chia sẻ: từ trong chiến tranh đến thời hiện đại thì tấm lòng của bà con với cán bộ là rất nhiệt tình, chu đáo. Ông luôn ghi nhớ tình cảm trân quý của người dân dành cho mình. Đặc biệt là kỉ niệm về một người nông dân ở Cao Bằng đã khiến ông vô cùng xúc động. Đó là vào một buổi sáng mùa đông khi mở cửa tập thể dục ông đã thấy 3 người nông dân từ Cao Bằng xuống nhà mình xin thuốc giâm cành nhưng vì đến quá sớm nên đã ngủ ở hiên nhà đợi ông.

Nhà báo Ngô Bá Lục đem đến cho khán giả nhiều tiếng cười (Ảnh: VTV)

Nhà báo Ngô Bá Lục lúc nào cũng tự hào là người nhà quê. Anh đã kể những câu chuyện đem lại tiếng cười cho khán giả như việc đi ngủ không rửa chân trước khi đi ngủ rồi chửi khi mất gà. Quê anh, vùng đất Bắc Ninh, được coi là điển hình của văn hóa đồng bằng Bắc bộ.

Ở trong mỗi làng đều có cổng làng, có đường chính vào mỗi xóm, mỗi xóm đều có cổng xóm. Bờ ao có cầu ghép bằng mấy cây tre dưới bệ đỡ hình chữ Y rồi cái ao tù bà con giặt áo, vo gạo nấu cơm… tất tật từ đấy mà không bị bệnh tật gì. Sân đình ở mỗi gia đình có một cái giếng tròn, cạnh có cây bưởi, có chum đựng nước mưa. Bể đựng nước mưa chỉ để pha trà. Không gian trẻ con thích là sân kho hợp tác. Những buổi chiều mùa hè trẻ con chăn trâu mà trăng lên sớm là thường nằm lên lưng châu ngắm và ước ao mọi thứ trên đời…

Anh cũng giới thiệu lễ hội ở quê mình thường diễn ra vào dịp đầu năm và điển hình nhất là vật, chọi gà, rồi hát quan họ….

Ca sĩ Tùng Dương thể hiện 2 ca khúc làm nên tên tuổi của anh: Ôi quê tôi và Con cò (Ảnh:VTV)

NSƯT Chiều Xuân kể câu chuyện đóng phim một tháng ở làng nào thì làng đó không còn tiếng gà gáy. Bởi Hãng Phim truyện có hơn 100 người, sau khi đoàn kéo đi thì lông gà chất thành đống.

Chị chia sẻ đi đến đâu người nông dân luôn là để thương, để nhớ. Chị nhớ hồi đóng phim Người yêu đi lấy chồng, ăn dầm ở dề ở nhà một bà cụ rất lâu. Cụ thường nấu canh cua với dấm bỗng mà đến bây giờ chị vẫn nhớ. Có kỉ niệm mà chị xúc động mãi là bà cụ có miếng chả ủ trong hũ mỡ đợi chị 2 ngày về để ăn….

Soạn giả Mai Văn Lạng (Ảnh: VTV)

Soạn giả Mai Văn Lạng thì cho rằng mình là người may mắn bởi dù có ra khỏi lũy tre làng nhưng vẫn được về làm việc ở phòng Dân ca và nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam- nơi được coi là bảo tàng lớn nhất Việt Nam về dân ca nhạc cổ truyền.

Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng giải thích dân ca nôm na chính là người dân ca hát lên vậy thì chính là những câu “Con cò bay lả bay la/ Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng”. Bởi thế chính là người nhà quê đang giữ gìn một cách tuyệt đối nhất về dân ca nhạc cổ truyền. Không gian bến nước sân đình dường như đã thay đổi nhưng có điều không hề thay đổi, đó là tình yêu với dân ca cổ truyền, với người quê mà chúng tôi vẫn gọi người nhà quê là những bảo tàng sống tốt nhất cho dân ca và nhạc cổ truyền Việt Nam.

Ca sĩ Bảo Trâm thể hiện ca khúc Về quê của nhạc sĩ Phó Đức Phương (Ảnh: VTV)

Anh thấy khoảng 10 năm nay dường như các lễ hội trở lại, văn hóa lễ hội dường như được khôi phục rất là mạnh, đặc biệt là dân ca nhạc cổ truyền và chèo. Anh có dịp đi khắp nơi và rất vui là bà con cảm thấy hứng khởi hơn với loại hình âm nhạc truyền thống. Tôi thấy đi bất cứ làng nào cũng có một đội văn nghệ, đội văn nghệ đó thường hát dân ca và chèo. Trong đội văn nghệ ấy dù văn công Trung ương có về hay không thì cũng có 5, 7 tiết mục bà con nhân dân giao lưu với nhau. Đó là điều vô cùng đáng quý và đáng trân trọng.

Chương trình khép lại nhưng đã để lại trong lòng các vị khách mời cũng như khán giả nhiều cảm xúc. Và cảm nhận chung của mỗi người là muốn được nhanh chóng trở về làng quê yêu dấu của mình, để được đắm mình trong không gian quê thanh bình, yên ả.

Giang Phú

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/quan-thanh-xuan-thang-11-khoi-day-tinh-que-noi-moi-nguoi-99146.html