Quận Tây Hồ tập trung đầu tư phát triển du lịch

Là địa bàn có cảnh quan, di tích, làng nghề độc đáo, Tây Hồ (Hà Nội) có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Quận đầu tư bài bản, từ việc tôn tạo cảnh quan, xây dựng cơ sở hạ tầng, cho đến xây dựng những đề án tạo ra sản phẩm du lịch như: vùng trồng sen Tây Hồ, nghề giấy dó, hệ thống di tích... Nhờ đó, doanh thu từ du lịch tăng trưởng bền vững, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của quận.

Nhiều người dân phường Quảng An (quận Tây Hồ) vừa được dự một lớp bồi dưỡng kiến thức du lịch thú vị. Hàng trăm người được chuyên gia du lịch trao đổi về các chủ đề như: Du lịch cộng đồng, Tâm lý khách du lịch, Văn hóa ứng xử trong du lịch... Tại lớp bồi dưỡng, nhiều băn khoăn, thắc mắc của người dân được giải đáp. Theo đại diện lãnh đạo UBND quận Tây Hồ: Phường Quảng An có nhiều di tích nổi tiếng như chùa Kim Liên, phủ Tây Hồ, đình Nghi Tàm, nhất là có nhiều đầm sen, là nơi khách du lịch trong và ngoài nước thường xuyên đến thăm. Tại đây, nghề ướp chè sen truyền thống được đăng ký thương hiệu "Chè sen Quảng An". Quảng An hiện có khoảng 700 gia đình cho người nước ngoài thuê nhà, thuê biệt thự. Thời kỳ cao điểm, có khoảng 3.000 người nước ngoài cư trú trên địa bàn. Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động dịch vụ ăn uống, chụp ảnh... Với những lợi thế đó, phường Quảng An là một trọng điểm về du lịch - dịch vụ của quận. Song, cộng đồng dân cư ở đây lại chưa ý thức được mình đang "làm du lịch", chưa có những kiến thức du lịch cơ bản, cho nên nhiều khi ứng xử chưa hợp lý. Ðây là lý do quận Tây Hồ phối hợp Sở Du lịch Hà Nội tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho người dân. Anh Ðỗ Hữu Lợi cho biết: "Tôi là người làm nghề trồng quất cảnh. Lớp học giúp tôi biết cách ứng xử, giới thiệu sản phẩm của mình với khách tốt hơn". Mặc dù chưa thể làm thay đổi ngay lập tức kỹ năng làm du lịch của người dân, song, lớp bồi dưỡng là một trong những nỗ lực của quận Tây Hồ để phát triển du lịch.

Quận Tây Hồ là "lá phổi xanh" của thành phố, với 527 ha mặt nước hồ Tây. Quận có tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh. Những năm qua, thành phố cũng như quận đầu tư phát triển hạ tầng cho du lịch, nhất là việc xây dựng 18,9 km đường dạo ven hồ Tây, kết nối nhiều cảnh quan đẹp. Trên địa bàn còn có nhiều địa chỉ du lịch - dịch vụ đáng chú ý như: Công viên nước hồ Tây, các bể bơi Sao Mai, Quảng Bá... và nhiều khách sạn 5 sao... Việc khai thác thế mạnh du lịch để phát triển kinh tế được khẳng định trong Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ quận lần thứ 5, nhiệm kỳ 2015 - 2020, với nội dung: "Xây dựng quận Tây Hồ trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch văn hóa của Thủ đô". Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng cho biết: "Từ chủ trương của Nghị quyết, quận Tây Hồ cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể. Những năm qua, quận Tây Hồ tập trung bảo vệ cảnh quan môi trường, hoàn thiện hạ tầng bằng cách trồng hoa, cây xanh, lắp đặt hệ thống chiếu sáng cho khu vực hồ Tây và vùng phụ cận. Cùng với đó, chúng tôi tôn tạo di tích, duy trì, phát triển các nghề truyền thống, tuyên truyền, nâng cao kỹ năng hoạt động du lịch cho cộng đồng... Hiện tỷ trọng du lịch chiếm khoảng 10% cơ cấu kinh tế của quận, tạo động lực thúc đẩy các ngành khác phát triển".

Quận Tây Hồ đã xây dựng ba đề án, gồm: Thưởng thức trà sen Tây Hồ; phục dựng mô hình làng nghề giấy dó kết hợp tham quan các di tích trên địa bàn phường Bưởi; Tổ chức không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực quận Tây Hồ trên phố Trịnh Công Sơn. Trong đó, sản phẩm Thưởng thức trà sen Tây Hồ sẽ được bố trí tại đảo nổi trên hồ Thủy Sứ. Tại không gian chính này sẽ có hoạt động giới thiệu nghề ướp trà, biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân gian như quan họ, chầu văn, ca trù... Không gian này còn kết nối với các di tích lân cận như chùa Tảo Sách, phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh... Ðề án Phục dựng mô hình làng nghề giấy dó kết hợp tham quan di tích có ý nghĩa quan trọng trong việc khôi phục nghề giấy dó Kẻ Bưởi đã đi vào ca dao, tục ngữ. Dự kiến, các ngành chức năng của quận Tây Hồ sẽ khôi phục các công đoạn làm giấy dó để trình diễn cho khách tham quan. Ngoài ra, còn có các dịch vụ tham quan di tích chùa Võng Thị, biểu diễn âm nhạc truyền thống, tham quan nhà trưng bày… Không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực quận Tây Hồ sẽ được tổ chức trên tuyến phố Trịnh Công Sơn, có chiều dài 900 m. Tại đây, sẽ có sân khấu ngoài trời, quảng trường với sức chứa khoảng 2.000 người, phục vụ các hoạt động như: biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố... giới thiệu, bán đồ thủ công mỹ nghệ, biểu diễn trò chơi dân gian... Phố đi bộ Trịnh Công Sơn được kỳ vọng sẽ tạo ra một điểm nhấn mới trong văn hóa - du lịch không chỉ quận Tây Hồ mà cho cả Thủ đô. Dự kiến, phố đi bộ Trịnh Công Sơn khai trương vào dịp cuối năm nay.

Tây Hồ đang trở thành một trong những địa bàn thu hút khách du lịch lớn nhất của Hà Nội, góp phần đáng kể vào việc hiện thực hóa mục tiêu đón 23,6 triệu lượt khách trong năm 2017 của thành phố, đồng thời, góp phần giúp kinh tế - xã hội của quận tăng trưởng bền vững.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/34380802-quan-tay-ho-tap-trung-dau-tu-phat-trien-du-lich.html