Quận Tân Phú (TPHCM): Sinh sống hàng chục năm nhưng không được công nhận

Sống trên phần đất do gia đình để lại suốt hàng chục năm, dù có cấp sổ hộ khẩu theo đúng địa chỉ nhưng một người dân sống tại Kênh Tân Hóa, quận Tân Phú, TPHCM vẫn không được đền bù khi giải phóng mặt bằng.

Trích sao sổ địa bộ số 1583/TS-TTĐK ngày 05/9/2005

Trích sao sổ địa bộ số 1583/TS-TTĐK ngày 05/9/2005

Đất hàng chục năm không tranh chấp

Công lý & Xã hội nhận được đơn phản ánh từ ông Bùi Văn Nhu (trú tại số 8, Kênh Tân Hóa, quận Tân Phú, TPHCM) về việc khu đất và căn nhà mà gia đình ông sinh sống lâu nay bị cưỡng chế nhưng không được nhận đền bù.

Cụ thể, năm 1943 ông nội ông Nhu tên là Bùi Văn Đỏ có 1 ha (10.000/m2) đất, loại đất ruộng tại ấp Hòa Thạnh, tỉnh Gia Định (cũ) theo bằng khoán điền thổ số 4077408365-246 của Ty Điền địa tỉnh Gia Định.

Sau khi ông Đỏ qua đời, ông Bùi Văn Phu và bà Võ Thị Giỏi (bố mẹ của ông Nhu) trực tiếp quản lý và sử dụng 10.000 m2 đất ông Đỏ để lại.

Trước khi Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, bà Lang Thị có thuê 3.000 m2 đất để làm cơ sở kinh doanh. Tới nay nơi đây bị biến thành nhà hàng mang tên: “Làng nướng Nam bộ” (địa chỉ tại số 49/1 đường Hòa Bình, phường Phú Trung, quận Tân Phú).

Cụ thể theo Trích sao sổ địa bộ số 1583/TS-TTĐK ngày 5/9/2005 của Trung tâm thông tin Tài nguyên – Môi trường và Đăng ký nhà đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường nêu: Diện tích đất 10.000 m2 do ông Đỏ (đã chết) đứng bộ cho bà Lang Thị mượn một phần (ước chừng 3.200 m2) trong thời hạn 20 năm kể từ ngày 13/5/1969 cho tới ngày 13/5/1989, giá thuê mỗi năm là 30.000 đồng chiếu theo chứng thư và tờ bổ túc tông chi trước bạ tại Gia Định.

Khu đất nhà ông Nhu

Ông Bùi Văn Phước – em trai ông Nhu có sử dụng 100m2 đất để xây nhà ở và xây thêm hai căn nhà nữa cũng trên phần đất có nguồn gốc của ông Bùi Văn Đỏ. Sau đó ông Nhu và mẹ là bà Giỏi trực tiếp quản lý, sử dụng 7.000 m2 đất còn lại (ngoài 3.000 m2 đất bà Lang Thị đã thuê).

Năm 1977, ông Nhu thực hiện bản kê khai nhà cửa ghi: Nhà do Bùi Văn Nhu xây cất mang số 49/6A, phường 19, quận Tân Bình (nay là nhà số 8 đường Kênh Tân hóa, phường Phú Trung) trên phần đất của bà Võ Thị Giỏi.

Ông Nhu cho biết hơn 40 năm kể từ khi kê khai nhà (1977) không hề có ai tranh chấp, Ông Nhu có trồng 13 cây gòn và 5 cây dừa trên đất.

Tiếp đó, bà Giỏi có bán bớt đất cho một số người dân sử dụng vào việc xây nhà ở, diện tích còn lại khoảng 3.500 m2.

Theo ông Nhu, năm 1977-1978, Nhà nước cho tiến hành đào kênh xuyên qua miếng đất khiến cho diện tích này còn lại khoảng hơn 2.600 m2, phân ra làm hai phần: một phần thuộc phường Phú Trung và phần còn lại thuộc phường Hòa Thạnh. Nhà của ông Nhu và ông Phước đều thuộc địa phận phường Phú Trung.

Giải tỏa nhưng không được đền bù

Đáng nói, ông Nhu cho biết quá trình thực hiện dự án cải tạo kênh và đường kênh Tân Hóa - Lò gốm (còn gọi là “Dự án thành phần 4”), UBND quận Tân Phú giải quyết cho ông Bùi Văn Phước được bồi thường, hỗ trợ thiệt hại tài sản và tái định cư đối với ba căn nhà do ông Phước xây. Còn ông Nhu thì không được bồi thường. Trong khi căn cứ để UBND quận Tân Phú bồi thường cho nhà ông Phước là tờ trích lục địa bộ do ông Bùi Văn Đỏ đứng tên sở hữu, đất của ông Phước và ông Nhu có cùng nguồn gốc là đất của ông Đỏ.

Sau đó ông Nhu có khiếu nại lên UBND quận Tân Phú về việc không được nhận bồi thường nhưng không có phản hồi. Ông Nhu tiếp tục khiếu nại lần hai lên Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh và cũng không được giải quyết.

Sổ hộ khẩu số 31230058322 do Công an TPHCM cấp tháng 11/2011

Ông Nhu cho biết, khi đơn khiếu nại của ông chưa được giải quyết thì ông Thị Danh - Trưởng ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng quận Tân Phú thời điểm đó đã cho cưa 12 cây gòn và 5 cây dừa mà ông Nhu đã trồng trên 40 năm. Tiếp đó lãnh đạo UBND quận Tân Phú đã ra quyết định cưỡng chế, đập phá nát căn nhà mà ông Nhu kê khai vào năm 1977 và cưa cây gòn còn lại.

Minh chứng cho quá trình xây dựng nhà ở và sinh sống tại khu đất, ông Nhu đưa ra giấy Xác nhận hộ khẩu gốc của Công an quận Tân Phú đề ngày 24/6/2003. Theo đó, ông Nhu đăng ký xin cấp sổ hộ khẩu năm 1976, giấy chứng minh nhân dân được cấp theo địa chỉ cũ số 49/6A phường 19, quận Tân Bình và sau khi được đội sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân của ông Nhu được cấp theo địa chỉ số 8 đường Kênh Tân Hóa, phường Phú Trung, quận Tân Phú hiện nay.

Sổ hộ khẩu số 31230058322 do Công an TPHCM cấp tháng 11/2011 ghi rõ ông Bùi Văn Nhu có địa chỉ thường trú tại số 8 đường Kênh Tân Hóa, phường Phú Trung.

Bản kê khai nhà cửa năm 1977

Theo Điều 21 và Điều 24 Luật Cư trú số 81/2006/QH11 ngày 29/11/2006 có giá trị tại thời điểm tiến hành cấp sổ hộ khẩu cho ông Nhu: Muốn có sổ hộ khẩu phải đăng ký thường trú, để đăng ký thường trú cần nộp giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân.

Bởi vậy thời điểm đó ông Nhu đã chứng minh được ông sinh sống hợp pháp trên khu đất tại phường Phú Trung. Việc này được cơ quan quản lý địa bàn và Công an TPHCM công nhận, cấp sổ hộ khẩu.

Hai diện tích cùng có nhà, cùng nguồn gốc nhưng chỉ một được đền bù khi giải phóng mặt bằng, ông Nhu cho rằng cơ quan chức năng chưa làm đúng luật, gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi hợp pháp của gia đình ông.

Trường Giang

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/quan-tan-phu-tphcm-sinh-song-hang-chuc-nam-nhung-khong-duoc-cong-nhan-39169.html