Quan tâm xây dựng hình ảnh địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy

Huyện biên giới Tân Hồng đã và đang xây dựng hình ảnh địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy. Cụ thể, Tân Hồng đã xây dựng biểu trưng Logo riêng của địa phương; tập trung huy động các nguồn lực và kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông cũng như tập trung đầu tư phát triển Khu kinh tế khẩu quốc tế Dinh Bà; thị trấn Sa Rài đến năm 2025 đạt tiêu chí của đô thị loại IV.

TÂN HỒNG

Tượng đài tại Khu di tích Chiến thắng Giồng Thị Đam – Gò Quản Cung (xã An Phước, huyện Tân Hồng)

Tượng đài tại Khu di tích Chiến thắng Giồng Thị Đam – Gò Quản Cung (xã An Phước, huyện Tân Hồng)

Theo ông Mai Văn Siêng – Chủ tịch UBND huyện Tân Hồng, thời gian qua, UBND huyện phối hợp cùng Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện thường xuyên sử dụng hệ thống nhận diện hình ảnh Tân Hồng như: tên nhãn hiệu các sản phẩm gắn với màu sắc và biểu tượng, biển chỉ dẫn, thiệp chúc mừng và các vật phẩm thông dụng của các cơ quan, đơn vị. Đồng thời tuyên truyền thông qua hệ thống truyền thanh cấp huyện và cấp xã bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhằm tích cực thúc đẩy sự nhận biết của cá nhân, tổ chức khi đến huyện Tân Hồng. Cụ thể: tuyên truyền xây dựng biểu trưng về hình ảnh Tượng đài chiến thắng Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung, Cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà, Khu công nghiệp cửa khẩu quốc tế Dinh Bà... nhằm giúp người dân và các nhà đầu tư nhận biết và nhận diện hình ảnh của huyện.

Huyện Tân Hồng cũng chú trọng xây dựng hình ảnh địa phương thông qua các sản phẩm, hàng hóa mang biểu trưng của địa phương: mắm và khô của cơ sở Ba Khía, khô trâu, trà và cà phê Bồ Công Anh, gạo tím Nghĩa Nhân Hội quán, bánh tráng Tân Hồng... tập trung giới thiệu, quảng bá các hàng hóa thế mạnh của huyện thông qua các sự kiện, lễ hội thường niên (lễ hội mừng Đảng - mừng Xuân), lễ hội đình Thông Bình, Miếu Tiền Hiền cụ Huỳnh Công Huy, Khu di tích Chiến thắng Giồng Thị Đam – Gò Quản Cung... Đặc biệt, các sản đặc trưng của huyện Tân Hồng, mà chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp được Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện tổ chức vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tham gia trưng bày các sản phẩm tại các chương trình: Tuần lễ du lịch, hội chợ, phiên chợ nông nghiệp xanh, hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa... được tổ chức trong và ngoài địa phương được đông đảo người dân biết và ưa chuộng.

Huyện tổ chức thực hiện 39 chương trình “Đồng hành cùng nhân dân” trên sóng phát thanh, thời lượng 60 phút/chương trình với nhiều nội dung, điển hình như: công tác cải cách hành chính; xây dựng chính quyền thân thiện phục vụ nhân dân; xây dựng xã nông thôn mới - đô thị văn minh; Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh trên địa bàn; chương trình VnSAT; chương trình khởi nghiệp trong thanh niên; đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài... Song song đó, công tác xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, từ đó tinh thần, thái độ, ý thức trách nhiệm phục vụ được nâng lên; hoạt động giao tiếp, ứng xử với nhân dân có nhiều cải thiện đáng kể, tạo sự hài lòng của nhân dân khi tham gia vào các dịch vụ công do Nhà nước cung cấp.

Các cấp, ngành, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện đầy đủ và đúng nguyên tắc quy chế dân chủ cơ sở; tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân đối với những chương trình, đề án, kế hoạch quan trọng, có liên quan đến đời sống dân sinh. Địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia xây dựng chính quyền, nhất là tham gia bầu cử trưởng các ấp, khóm. Thực hiện tốt việc công khai, minh bạch đối với công tác quy hoạch, tài chính, bình xét hộ nghèo, giải quyết thủ tục hành chính. Việc tiếp dân, đối thoại tiếp xúc với nhân dân được duy trì thường xuyên, giải quyết thấu đáo những vấn đề người dân phản ánh, kiến nghị, từ đó tạo niềm tin của nhân dân đối với chính quyền.

Huyện đã triển khai dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3, các cuộc hội nghị từ Trung ương - tỉnh - huyện - xã đã được kết nối trực tuyến; triển khai có hiệu quả phần mềm một cửa điện tử tại Bộ phận một cửa trong việc giải quyết các thủ tục hành chính của nhân dân. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tại địa phương từng bước đáp ứng đầy đủ kịp thời kết nối mạng WAN từ huyện đến xã; hệ thống mạng LAN kết nối nội bộ đảm bảo thực hiện tốt, trong đó 100% cán bộ, công chức, viên chức được trang bị máy tính (sử dụng phần mềm eOffice để xử lý văn bản, đạt 98%). Hầu hết cán bộ, công chức, viên chức của huyện đều sử dụng hộp thư điện tử đã rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, giảm các phiền hà cho nhân dân khi tham gia vào các dịch vụ công do Nhà nước cung cấp.

Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch của tỉnh, huyện Tân Hồng xây dựng kế hoạch phát triển du lịch để triển khai thực hiện. Huyện đã đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ khảo sát các di chỉ khảo cổ như: Gò Rượu (xã Bình Phú), Gò Côn Ét (xã Thông Bình). Đồng thời, đề nghị tỉnh công nhận điểm du lịch cộng đồng vườn cò Chín Nghĩa (xã Tân Hộ Cơ), Khu di tích chiến thắng Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung từng bước phát huy hiệu quả, đã đón tiếp trên 43.000 lượt khách đến tham quan, tìm hiểu giá trị văn hóa - lịch sử truyền thống của huyện. Theo thống kê của Phòng Văn hóa Thông tin huyện Tân Hồng, trong 2 năm (2018, 2019), huyện đã triển khai mô hình trạm dừng chân nghĩa tình tại Khu di tích Chiến thắng Giồng Thị Đam – Gò Quản Cung (xã An Phước, huyện Tân Hồng). Trạm dừng chân nghĩa tình đã phục vụ phát hơn 28.050 chai nước suối và khăn lạnh, 7.600 ổ bánh mì và 124 lượt sửa xe miễn phí cho người dân đi làm xa về quê ăn Tết với tổng kinh phí lên đến hàng chục triệu đồng từ nguồn xã hội hóa, qua đó góp phần xây dựng hình ảnh địa phương Tân Hồng thân thiện và gần gũi với người dân trong và ngoài địa phương.

DŨNG CHINH

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/chinh-tri/quan-tam-xay-dung-hinh-anh-dia-phuong-theo-tinh-than-nghi-quyet-so-05-cua-tinh-uy-90750.aspx