Quan tâm phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Với mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là đồng bào vùng DTTS, miền núi, tỉnh Quảng Ninh đã và đang triển khai nhiều chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy sự phát triển KT-XH. Qua đó, từng bước cải thiện điều kiện sống của đồng bào DTTS, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền trong tỉnh.

Nhân công là người DTTS làm việc tại HTX Mây tre đan Quảng Sơn, huyện Hải Hà.

Nhân công là người DTTS làm việc tại HTX Mây tre đan Quảng Sơn, huyện Hải Hà.

Thời gian qua, Quảng Ninh ưu tiên dành cơ chế, nguồn lực tập trung cho việc phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Do đó, diện mạo vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo có nhiều đổi mới, công tác giảm nghèo đạt kết quả tích cực, tỷ lệ giảm nghèo trung bình hàng năm giai đoạn 2016-2020 là 1,87%/năm, số hộ đồng bào DTTS nghèo giảm từ 7.285 hộ năm 2016 xuống còn 415 hộ năm 2020.

Cơ sở hạ tầng khu vực này cũng có nhiều thay đổi tích cực. 100% xã có đường ô tô được cứng hóa đến trung tâm xã; đường giao thông đến các thôn, bản cơ bản đã được cứng hóa theo tiêu chí nông thôn mới; 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 100% số hộ dân được sử dụng điện; trên 98% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, các chính sách an sinh xã hội được bảo đảm.

Cùng với đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, ổn định và nâng cao hơn trước. Nếp sống văn hóa được duy trì, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp được giữ vững.

Giao lưu bóng đá nữ của người dân tộc Sán Chỉ, xã Húc Động (Bình Liêu) và dân tộc Dao xã Hải Sơn (Móng Cái).

Tuy nhiên, tình hình KT-XH ở vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo vẫn còn nhiều khó khăn. Theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, hiện khoảng cách trình độ phát triển và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản ở khu vực này so với các vùng miền khác còn chênh lệch khá lớn và chậm được rút ngắn.

Đơn cử như các xã mới hoàn thành Chương trình 135, ra khỏi diện ĐBKK, mức thu nhập chỉ bằng 29,6% thu nhập bình quân đầu người của tỉnh; số hộ nghèo vùng đồng bào DTTS, miền núi chiếm 66,63% tổng số hộ nghèo cả tỉnh.

Đặc biệt, toàn tỉnh vẫn còn 12 thôn, khu ĐBKK. Việc thoát nghèo của một số hộ dân chưa thực sự bền vững; phát triển sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung...

Với quan điểm “để không ai bỏ lại phía sau”, trong chủ trương của tỉnh, Quảng Ninh tiếp tục ưu tiên dành nguồn lực để đầu tư cho khu vực đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh. Qua đó, từng bước thu hẹp dần khoảng cách về mức sống giữa các vùng miền, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội.

Hiện tại, tỉnh đang chỉ đạo Ban Dân tộc xây dựng và hoàn thiện Đề án phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đề án dự kiến sẽ được trình và cho ý kiến tại Kỳ họp giữa năm của HĐND tỉnh.

Học sinh Trường PTDT bán trú THCS Đồng Văn (huyện Bình Liêu) trong giờ tự học.

Theo đó, Đề án sẽ đề ra những nhiệm vụ, giải pháp nhằm giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; thúc đẩy phát triển kinh tế tại khu vực này. Đồng thời, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư và tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh...

Đề án này cũng đặt ra một số mục tiêu cụ thể: Đến năm 2022 không còn địa bàn ĐBKK theo tiêu chí phân định mới; thu nhập bình quân của người dân tăng gấp hai lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm; 90% tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu chủ động.

Phấn đấu mỗi xã có ít nhất một mô hình phát triển sản xuất tập trung hoặc mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. 50% số thôn có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng. Xây dựng được ít nhất 4 làng DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Nguyên Ngọc

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202105/quan-tam-phat-trien-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-2532071/