Quan tâm hơn nữa đến khách du lịch khuyết tật

Vừa qua, cơ quan tôi có một chuyến du lịch xa. Trên chuyến hành trình, ngồi kế tôi là một chú người khuyết tật ngoài 60 tuổi. Mặc dù chú đi lại được nhưng rất khó khăn. Nhìn thấy cảnh đó, tôi sốt sắng xin cõng chú lên, xuống xe, đến các điểm dừng chân ăn uống, cũng như đến nơi tham quan. Từ xe vào quán ăn, vào khách sạn, khu du lịch cách nhau khá xa, có nơi cách 1,5 km. Vậy nhưng những nơi đó không được trang bị xe lăn dành cho khách du lịch khuyết tật. Nhìn tôi cõng chú suốt ba ngày đi chơi, ai cũng ái ngại. Cũng may chú nhẹ người cho nên tôi làm tròn trách nhiệm.

Tôi góp ý với công ty du lịch, cũng như khách sạn nhưng họ đều có chung một suy nghĩ: “Anh phải nói trước bên em mới chuẩn bị được”. Ðó là cách làm thụ động, chưa chú trọng đa dạng đối tượng khách du lịch. Lẽ ra khi cơ quan đặt tua phía công ty du lịch cần chủ động hỏi xem có khách nào khuyết tật không, nặng hay nhẹ, để biết mà trang bị những phương tiện cần thiết phục vụ chu đáo. Ở các khu du lịch, khách sạn cũng vậy, cần chuẩn bị xe lăn để khi có những vị khách đặc biệt như thế không làm nhân viên bối rối (kể cả người cao tuổi bình thường). Ðiều cần bàn thêm là một số nhà vệ sinh ở các điểm du lịch không có thiết kế dành riêng cho người khuyết tật.

Không riêng ở những điểm tham quan nơi tôi đi mà rất nhiều khu du lịch trong cả nước cũng chưa chú trọng du khách là người khuyết tật. Gần đây vài trung tâm thương mại được xây dựng có thiết kế nhà vệ sinh, lối đi, khu vui chơi dành cho người khuyết tật; hay ở Ðà Nẵng cho thiết kế lối đi ra bãi biển Mỹ Khê dành riêng cho người khuyết tật là những nỗ lực giúp họ hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, những hình ảnh ấy quá hiếm hoi, cần được nhân rộng nhiều hơn vì sự công bằng, nhân văn dành cho người khuyết tật.

ÐẶNG TRUNG CÔNG (TP Hồ Chí Minh)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/ban-doc-viet/item/43279502-quan-tam-hon-nua-den-khach-du-lich-khuyet-tat.html