Quan tâm hơn đến y tế học đường

Thời điểm này, hầu hết các địa phương trên cả nước đã cho học sinh THPT đi học trở lại sau kỳ nghỉ phòng, chống dịch Covid-19. Tại các trường học, nhiều biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh khi trở lại trường liên tục được triển khai. Trong bối cảnh cao điểm dịch bệnh cho thấy, y tế học đường có vai trò cực kỳ quan trọng trong kiểm soát, phòng ngừa và ngăn chặn dịch bệnh.

Tăng cường các biện pháp bảo vệ sức khỏe học sinh

Để bảo đảm sức khỏe cho học sinh đi học trở lại, Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (Đống Đa, Hà Nội) đã tổ chức nhiều đợt vệ sinh lớp học, sân trường, lau dọn bàn ghế, đồ dùng học tập, phun thuốc kháng khuẩn. Theo ghi nhận của phóng viên, tờ rơi tuyên truyền về quy trình rửa tay được dán ở cửa từng lớp học, khu vệ sinh và bảng tin. Đến thời điểm này, nhà trường đã trang bị đầy đủ xà phòng, dung dịch rửa tay khô cho học sinh. Bà Hoàng Thanh Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trường Tộ cho biết: “Từ thực tế phòng, chống dịch Covid-19, Ban giám hiệu nhà trường cùng các thầy cô đã họp rút kinh nghiệm trong công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Để chủ động ứng phó với dịch bệnh, tới đây, nhà trường sẽ phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành; giữa nhà trường với phụ huynh để cập nhật, theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của học sinh, có biện pháp phòng ngừa hiệu quả”.

 Các cô giáo Trường Tiểu học Hoàng Diệu (Ba Đình, Hà Nội) lau dọn bàn ghế, tổng vệ sinh trường, lớp.

Các cô giáo Trường Tiểu học Hoàng Diệu (Ba Đình, Hà Nội) lau dọn bàn ghế, tổng vệ sinh trường, lớp.

Tại Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (Đô Lương, Nghệ An), mặc dù học sinh đang trong kỳ nghỉ để phòng dịch Covid-19 nhưng hằng ngày, các thầy cô vẫn có mặt tại trường tổ chức vệ sinh trường lớp, họp bàn các giải pháp chuẩn bị điều kiện tốt nhất khi học sinh trở lại trường. Với quan điểm phòng bệnh hơn chữa bệnh, ông Trần Hoàng Thượng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Không riêng mùa dịch này mà trước đó, nhà trường luôn chú trọng hướng dẫn học sinh phương pháp phòng, chống các loại dịch bệnh như: Bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, tiêu hóa… Tuy nhiên, qua đợt dịch này, Ban giám hiệu nhà trường tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục cho học sinh những kiến thức cơ bản về giữ gìn vệ sinh, giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để mỗi em có thể tự bảo vệ sức khỏe bản thân. Chúng tôi cũng lên phương án tăng thêm nhiều bài tập vận động cho học sinh, phòng ngừa và ngăn chặn dịch bệnh khi các em quay trở lại trường học”.

Đưa 36 động tác võ thuật Việt Nam vào trường học là giải pháp nhằm tăng cường thể lực cho học sinh mà huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) đã triển khai từ trước tới nay. Huyện Cẩm Khê hiện có 94 trường phổ thông và 1 trung tâm giáo dục thường xuyên. Đến thời điểm này, tất cả các trường trên địa bàn huyện đã làm tốt công tác vệ sinh phòng dịch; trang bị nước rửa tay, xà phòng diệt khuẩn; huy động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ khẩu trang cho học sinh khi tới trường. Ông Nguyễn Tân Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Cẩm Khê cho biết: “Việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh có vai trò rất quan trọng bởi các em có khỏe thì mới học tập tốt. Bên cạnh việc tăng cường thể lực cho học sinh, qua đợt dịch bệnh này, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền cho phụ huynh và học sinh về chế độ dinh dưỡng, tham gia chương trình sữa học đường để tăng cường thể trạng cho các em”.

Phát huy vai trò y tế học đường

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch hành động của ngành giáo dục về phòng, chống dịch bệnh này và dịch bệnh mùa đông-xuân năm 2020 với nhiều nhiệm vụ và giải pháp được đưa ra, trong đó có việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động y tế học đường. Qua đợt cao điểm của dịch bệnh cho thấy, vai trò của y tế học đường cực kỳ quan trọng trong kiểm soát, phòng ngừa và ngăn chặn dịch bệnh, trong khi đó, nhiều trường hiện vẫn thiếu nhân viên y tế chuyên trách. Như ở huyện Cẩm Khê (Phú Thọ), nhiều trường không có nhân viên y tế chuyên trách, nhà trường phải ký hợp đồng với nhân viên y tế của các trạm xá xã trên địa bàn.

Đặc biệt, ở những vùng khó khăn, y tế học đường không chỉ thiếu về con người mà cơ sở vật chất cũng hết sức nghèo nàn. Bà Lê Thị Dung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thượng Phùng (Mèo Vạc, Hà Giang) chia sẻ: “Hiện nay, Trường Mầm non Thượng Phùng và Trường Tiểu học Thượng Phùng chung nhau một phòng y tế diện tích khoảng 10m2 và chỉ có một nhân viên y tế. Trang thiết bị và thuốc men chỉ đủ điều kiện sơ cứu ban đầu. Riêng Trường Mầm non Thượng Phùng có 469 học sinh. Vào mùa dịch bệnh, các cô giáo mầm non phải chủ động chăm sóc, theo dõi sức khỏe học sinh. Chúng tôi mong muốn trường có phòng y tế, cán bộ y tế riêng để không chỉ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh mà còn làm tốt công tác hướng dẫn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Ngay tại Thủ đô Hà Nội, một số trường thiếu nhân viên y tế không khỏi lo lắng khi học sinh quay trở lại trường học liệu có bảo đảm điều kiện phòng ngừa và ngăn chặn dịch Covid-19. Theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội, tuy số trường thiếu nhân viên y tế không nhiều nhưng hằng năm, sở vẫn tổ chức không ít hội nghị tập huấn cho cán bộ, giáo viên nắm bắt những kiến thức cần thiết về chăm sóc sức khỏe cho học sinh. “Trước tình hình dịch Covid-19, sở đã quán triệt mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường phải trở thành một nhân viên y tế tham gia phòng, chống dịch bệnh", ông Phạm Xuân Tiến cho hay.

Kết quả khảo sát của Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT) tại các địa phương năm 2019 cho thấy, cả nước có 40.493 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, nhưng tổng số trường có nhân viên y tế trường học chỉ đạt 74,9% (trong đó biên chế là 53,7%, hợp đồng là 21,2%); số cơ sở giáo dục chưa có nhân viên y tế chiếm 25,1%, chủ yếu ở cấp học mầm non. Số trường có nhân viên y tế trình độ chuyên môn bảo đảm theo quy định (từ y sĩ trở lên) chỉ đạt khoảng 30%.

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác chăm sóc sức khỏe học sinh ở các cơ sở giáo dục, trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, TS Từ Ngữ, Tổng thư ký, Phó chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam nêu quan điểm: "Điều quan trọng nhất khi có dịch bệnh là phải tìm được nguồn lây, cách ly nguồn lây và từ đó tìm các biện pháp phòng bệnh. Nếu chưa đủ nhân viên y tế trường học, các thầy giáo, cô giáo phải chủ động trang bị cho mình kiến thức đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh”.

Bài và ảnh: NGUYỄN HOÀI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/quan-tam-hon-den-y-te-hoc-duong-611374