Quan tâm hơn đến tên gọi hàng Việt

Trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp trong nước nói chung và doanh nghiệp ở địa phương nói riêng ngày càng quan tâm tới vấn đề phát triển thương hiệu, đặt tên cho các dòng sản phẩm theo hướng vừa hiện đại vừa gợi nhắc đến yếu tố địa phương, đặc trưng của sản phẩm.

Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm thời trang của Việt Nam tại một trung tâm thương mại ở TP.Biên Hòa. Ảnh:L. Phương

Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm thời trang của Việt Nam tại một trung tâm thương mại ở TP.Biên Hòa. Ảnh:L. Phương

* Hàng Việt... tên ngoại

Bên cạnh những thương hiệu thời trang đã quá quen thuộc như: Biti’s, An Phước, May 10, Việt Tiến..., trên các kệ hàng thời trang ở các trung tâm thương mại, siêu thị lớn..., người tiêu dùng thường bắt gặp nhiều nhãn hàng bằng tiếng Tây nhưng trên mác lại có xuất xứ Việt Nam. Phần lớn trong số đó là những nhãn hàng do doanh nghiệp Việt sản xuất. Đơn cử như: Owen, John Henry, Yame, Bi Luxury, IVY Moda, Hnoss, Elise...

Ông Lê Xuân Trường, Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành (Sở KH-CN) chia sẻ, việc đăng ký nhãn hiệu, tên thương hiệu là bước đi cần thiết về mặt luật pháp để hợp thức hóa và công nhận nhãn hiệu của một loại sản phẩm, hàng hóa nào đó. Nhãn hiệu hàng hóa, tên thương hiệu là “tài sản vô hình” của doanh nghiệp, khi chậm trễ trong việc đăng ký nhãn hiệu, tên thương hiệu, thì doanh nghiệp dễ có nguy cơ bị đánh cắp, làm giả thương hiệu, nhất là khi doanh nghiệp đó ngày càng phát triển, sản phẩm của doanh nghiệp được ưa chuộng...

Nhiều cửa hàng kinh doanh thời trang nhận định, việc lựa chọn những tên mang hướng Tây hóa nhằm đưa thương hiệu đến với những khách hàng mục tiêu, nhất là trong bối cảnh nhiều người tiêu dùng vẫn có tâm lý “sính ngoại”, các bạn trẻ thích sự năng động, hiện đại... Bên cạnh đó, nhiều dòng sản phẩm để xuất khẩu nên thường chọn những tên theo hướng Tây hóa phù hợp với từng thị trường.

Tuy nhiên, đối với thị trường nội địa, với nhiều người tiêu dùng, việc nhiều sản phẩm hoàn toàn “made in Viet Nam” nhưng lại có tên nước ngoài khiến họ khá lúng túng khi muốn phân biệt đâu là hàng Việt, đâu là hàng ngoại.

Chị Xuân Hương (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho hay: “Trên thực tế, dù là tên Tây hay tên ta thì tôi thấy tên sản phẩm càng đơn giản, dễ nhớ thì càng dễ được để ý hơn trên kệ hàng. Tuy nhiên, đối với những sản phẩm sản xuất tại Việt Nam và hướng tới tiêu thụ ở thị trường nội địa thì nên chọn những cái tên thuần Việt dễ nhớ, dễ đọc để tôn vinh giá trị thương hiệu Việt, cũng như giúp người tiêu dùng, nhất là ở phân khúc bình dân dễ tiếp cận”.

Ông Châu Minh Nguyện, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai chia sẻ, các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp về may mặc, nên phát triển các dòng sản phẩm với tên gọi phù hợp với từng thị trường, không nên lạm dụng quá nhiều tên nước ngoài đối với sản phẩm ở thị trường trong nước bởi có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm Việt nhưng tên gọi hoàn toàn là tiếng nước ngoài khiến người mua lúng túng. Do đó, cần có thêm các tên thuần Việt phù hợp cho sản phẩm để góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của người dân đối với hàng Việt.

* Linh hoạt trong chọn tên cho sản phẩm

Hiện nay, nhiều sản phẩm Việt được tin dùng và nổi tiếng vì nó gắn liền với nguồn gốc xuất xứ, mang đậm nét giá trị văn hóa và truyền thống Việt Nam. Trong một số lĩnh vực nhất định, hàng hóa của Việt Nam cũng khẳng định được giá trị riêng của mình khi nhắc đến như: thủy hải sản, nông sản, thủ công mỹ nghệ...

Nhiều doanh nghiệp Việt ngày càng quan tâm tới vấn đề phát triển thương hiệu, bộ nhận diện dành cho sản phẩm Trong ảnh: Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm hàng Việt Nam tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh:H. Quân

Đối với nhiều dòng sản phẩm, dịch vụ mà đối tượng khách hàng nhắm đến là người Việt thì nhiều doanh nghiệp đặt tên gọi Việt, tên gọi gắn liền với địa danh như để tạo một lợi thế không hề nhỏ bởi sự dễ đọc, dễ nhớ, dễ liên tưởng, góp phần nâng cao tính đặc trưng về giá trị thương hiệu... Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, nhiều thương hiệu, sản phẩm hướng tới những tên gọi mang tính linh hoạt, gần gũi, dễ phát âm, cũng như đảm bảo tính hội nhập, độ “phủ sóng” cao...

Bà Chu Hải Yến, đại diện Công ty CP Lothamilk (TP.Biên Hòa) chia sẻ, Lothamilk là một trong những thương hiệu của Đồng Nai thường xuyên đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao trong nhiều năm qua. Ngoài ra, Lothamilk còn được công nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao - chuẩn hội nhập. Công ty phấn đấu nâng tầm thương hiệu, hướng tới thương hiệu mang tính quốc gia, được nhiều người biết đến. Trong đó, công ty đang tập trung xây dựng bộ nhận diện gắn liền thương hiệu Lothamilk bởi cái tên sẽ mang tính bao hàm, hội nhập và có độ “phủ sóng” rộng hơn.

Ông Trần Thành Long, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - thương mại Trần Nguyên Phát (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, công ty phát triển nhãn hiệu nước uống đóng chai Solar, từng bước mở rộng thị trường, đa dạng các sản phẩm... Trong đó, tên sản phẩm Solar bắt nguồn từ một cuốn sách mà ông tâm đắc, thông qua đó công ty mong muốn hướng tới những thông điệp lạc quan, lan tỏa yêu thương.

Để phát triển thương hiệu, sản phẩm mới, việc chọn một cái tên phù hợp là vô cùng quan trọng. Các tên gọi cần hướng tới sự gần gũi, thân thuộc; dễ nhớ, dễ đọc và nếu có một ý nghĩa liên tưởng, biểu trưng nào đó thì càng tốt. Tên thương hiệu, sản phẩm nên thể hiện sự khác biệt, dễ gây ấn tượng với người tiêu dùng, không nên đặt tên thương hiệu, sản phẩm tương tự hoặc dễ gây nhầm lẫn với những sản phẩm cùng ngành hàng vì dễ làm giảm đi tính cạnh tranh trên thị trường, cũng như có thể gặp rắc rối về vấn đề pháp lý liên quan đến sở hữu trí tuệ...

Lam Phương

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202009/quan-tam-hon-den-ten-goi-hang-viet-3022094/